Đến sáng 31-12, nữ bệnh nhân N.T.T. (62 tuổi) đã hoàn toàn khỏe mạnh, có thể trò chuyện, ăn uống bình thường. Bà cho biết từ khi lấy dị vật ra trong người đã khỏe hẳn, không còn đau, ho hay khó chịu gì nữa. Trước đó, bà bị ho, dai dẳng gần 2 năm nay, có đi thăm khám và điều trị ở nhiều nơi. Bà từng được một số cơ sở y tế chẩn đoán trào ngược dạ dày - thực quản, hen phế quản..., đã uống thuốc nhiều lần nhưng bệnh ho vẫn không khỏi.
Nữ bệnh nhân rất vui vì thoát khỏi căn "bệnh lạ" gây ho, khó chịu suốt gần 2 năm và cám ơn các bác sĩ khi được dặn dò một số lưu ý trong ăn uống về sau
Với các triệu chứng nói trên, bác sĩ (BS) Bệnh viện (BV) Tai Mũi Họng nghi ngờ nên yêu cầu bệnh nhân nhớ lại thời gian trước khi bị ho có ăn gì lạ, bị hóc, sặc không. Bà nhớ ra có một lần ăn cháo gà và bị sặc. "Tôi cảm giác có cái gì vướng ở cổ nên cố khạc ra cả tiếng mà không ra gì cả. Sau đó thấy cổ êm lại nên không để ý nữa. Vài tháng sau tôi bắt đầu ho" - bà kể lại. Bà đến với Bệnh viện Tai Mũi Họng khi bệnh ho tái phát rất nặng, không thể chịu đựng nổi. Kết quả kiểm tra bằng nội soi, CT scan sau đó đã xác nhận có một mẩu xương nhỏ mắc kẹt trong phế quản gốc trái.
Theo TS-BS Nguyễn Thị Thanh Thúy, Trưởng khoa Nhi Tổng hợp, BV Tai Mũi Họng, một trong những bác sĩ tham gia điều trị cho bệnh nhân, bệnh nhân này đã được mổ ngay trong đêm bằng phương pháp nội soi. Các bác sĩ lấy ra mẩu xương gà chỉ hơn 1 cm. Dù mắc kẹt 2 năm nhưng mẩu xương vẫn gần như y nguyên, gây viêm khu vực xung quanh nơi nó cắm vào.
BS chuyên khoa II Nguyễn Thanh Vinh, Phó Giám đốc BV Tai Mũi Họng khuyên rằng Khi bỗng dưng bị những triệu chứng hô hấp khó hiểu mà trước đó có ăn và hóc, sặc thứ gì, nên nghĩ đến tình huống dị vật bỏ quên và đến khám chuyên khoa tai mũi họng để được chẩn đoán chính xác nhất.
Theo TS-BS Lê Trần Quang Minh, Giám đốc BV Tai Mũi Họng, dị vật bỏ quên trên 30 ngày thì tỉ lệ biến chứng về phổi lên tới 90%. Nhưng bệnh nhân này đã rất may mắn, không gặp biến chứng về phổi và hồi phục rất tốt. TS Quang Minh cũng lưu ý trẻ em chiếm đến 80% số ca dị vật đường thở ở trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ, dị vật bỏ quên bao gồm dị vật vô cơ là các đồ vật, mảnh đổ vật nhỏ hay dị vật hữu cơ như các loại hạt và xương động vật.
Bình luận (0)