Bác sĩ Trịnh Quang Anh, Trưởng Đơn vị Hiệu chỉnh cơ xương khớp - Bệnh viện 1A (TP HCM), cho biết tại đây vừa tiếp nhận điều trị bé trai N.T.G.B (9 tuổi, ngụ TP HCM) bị lệch cơ sau bó bột. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng chân trái yếu, lệch thấp hơn chân phải.
Bé trai bị lệch vẹo khung chậu cơ học, gây ra hiện tượng lệch vẹo cột sống thắt lưng, nghiêng lệch khung chậu, lệch vẹo khung xương.
Qua khai thác bệnh sử, ba của bé B. cho biết trước đó, bé bị gãy cẳng chân trái khi đá bóng trong trường. Bé được cấp cứu ở một bệnh viện trên địa bàn TP HCM. Tại đây, bác sĩ ban đầu dự kiến mổ nhưng sau đó, bé lại được bó bột và cho xuất viện.
Trong thời gian bó bột, gia đình vẫn cho bé B. đến tái khám, theo dõi định kỳ. Nhưng sau 3 tháng tháo, bột bé không thể đi, đứng, vận động. Gia đình đã cho bé tập vật lý trị liệu ở nhiều nơi nhưng không cải thiện,
Tại Bệnh viện 1A, qua thăm khám và xét nghiệm cận lâm sàng, các bác sĩ ghi nhận bé B. bị mất cân bằng cơ nghiêm trọng vùng thắt lưng, khung chậu và đùi. Điều này gây ra hiện tượng lệch vẹo cột sống thắt lưng, nghiêng lệch khung chậu, lệch vẹo khung xương. Do đó, dáng đi của bé bên ngắn bên dài, khớp gối trái cứng, các cơ phần đùi và hông trái yếu hẳn so với bên phải.
Bác sĩ Trịnh Quang Anh, Trưởng Đơn vị Hiệu chỉnh cơ xương khớp - Bệnh viện 1A, tư vấn cho ba của bệnh nhi
Theo bác sĩ Quang Anh, phác đồ điều trị cho bé được lập ra nhằm tái lập cân bằng cơ, giải quyết vấn đề cứng khớp gối và lệch vẹo khung chậu. Chỉ sau 3 buổi tập, bệnh nhi có cải thiện rõ rệt; sau 7 buổi điều trị, mức độ cải thiện lên đến hơn 70%. Theo liệu trình, sau 10-12 buổi điều trị, bé B. sẽ hoàn toàn trở lại bình thường.
Sau 7 buổi điều trị, bệnh nhi đã cải thiện hơn 70%
Theo bác sĩ Quang Anh, mất cân bằng cơ là "bệnh thời đại 4.0", gây ra các lệch vẹo về khớp, làm khớp bị nghiêng thay đổi trọng tâm và áp lực trọng lực lên bề mặt khớp. Điều này khiến khung xương bị lệch vẹo, gây chèn ép thần kinh mạch máu.
Bên cạnh ảnh hưởng đến chức năng vận động, bệnh còn gây các khuyết điểm hình thể như cổ rùa, lưng gù, vẹo cột sống, bụng ưỡn, khung chậu lệch, chân ngắn chân dài, chân vòng kiềng, dáng đi xấu… Bệnh không thể chữa bằng thuốc giảm đau, giãn cơ hay vật lý trị liệu thông thường.
Về nguyên nhân mất cân bằng cơ, bác sĩ Quang Anh cho rằng có thể do tư thế xấu, vận động sai cách và đột ngột, viêm cơ, sau chấn thương và chơi thể thao... tạo ra một nhóm cơ tăng co và nhóm cơ đối kháng bị tăng kéo. Nếu tình trạng kéo dài sẽ gây ra sự mất cân bằng cơ xung quanh ổ khớp, nhiều khớp hay toàn cơ thể.
Bình luận (0)