Hội thảo về kiểm soát bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) hưởng ứng Ngày Sức khỏe thế giới đã được Bộ Y tế tổ chức sáng 7-4 ở Hà Nội. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Việt Nam đang phải đối mặt với các bệnh không lây nhiễm nói chung và ĐTĐ nói riêng gia tăng nhanh chóng và ngày càng trầm trọng. Sau 10 năm, tỉ lệ mắc bệnh trong cộng đồng đã tăng gấp 2 lần, từ gần 3% dân số lên đến 5,4%. Ước tính, Việt Nam có khoảng 3 triệu người bị ĐTĐ.
Cảnh báo về tình trạng gia tăng nhanh chóng của bệnh ĐTĐ và tiền ĐTĐ, bác sĩ Phan Hướng Dương, Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết trung ương, cho biết thế giới dự báo trong 20 năm (từ 2010-2030), tỉ lệ mắc ĐTĐ trên toàn cầu tăng 54% thì tại Việt Nam đã tăng tới 200% chỉ trong 10 năm. Tỉ lệ người tiền ĐTĐ cũng gia tăng nhanh chóng, từ 7,7% lên gần 14%. Nguyên nhân là do lối sống ít vận động, tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu năng lượng và tác động của quá trình đô thị hóa. Tỉ lệ mắc bệnh cao nhất là ở miền Tây Nam Bộ, kế đến là duyên hải miền Trung, đồng bằng sông Hồng (gồm cả TP Hà Nội) và Đông Nam Bộ (trong đó có TP HCM).
Đáng lo ngại, Việt Nam có tới gần 64% người bị ĐTĐ nhưng không hề biết mình bắc bệnh và độ tuổi mắc ĐTĐ type 2 ngày càng trẻ, nhiều bệnh nhân dưới 15 tuổi. Bệnh ĐTĐ đứng hàng thứ 4 trong số các nguyên nhân gây tử vong.
Trong khi đó, theo báo cáo vừa được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố nhân Ngày Sức khỏe thế giới, số người mắc bệnh ĐTĐ đã tăng từ 108 triệu năm 1980 lên 422 triệu vào năm 2014, hầu hết sống tại những nước đang phát triển.
ĐTĐ là nguy cơ gây chết trẻ cao thứ ba (sau huyết áp cao và hút thuốc lá) và là nguyên nhân gây tử vong cao thứ tám trên thế giới (với khoảng 1,5 triệu người chết mỗi năm). Theo báo cáo, thừa cân, béo phì là nguyên nhân làm gia tăng bệnh ĐTĐ. Trung bình cứ 11 người lớn sẽ có 1 người bệnh ĐTĐ và mỗi 3 người có 1 người thừa cân. Báo cáo của WHO nghiên cứu cả ĐTĐ type 1 và 2 nhưng số trường hợp gia tăng phần lớn thuộc về type 2, tức liên quan đến lối sống kém lành mạnh.
Tăng đường huyết ở người bệnh ĐTĐ là một trong những nguyên nhân gây tử vong chính với 3,7 triệu người chết trên khắp thế giới mỗi năm. Báo cáo của WHO chỉ ra rằng không kiểm soát được lượng đường trong máu làm tăng nguy cơ đau tim gấp 3 lần, tăng rủi ro phải cắt bỏ một chân lên 20 lần cũng như tăng khả năng bị đột quỵ, suy thận, mù và biến chứng trong thai kỳ.
Trong những năm 1980, các nước giàu có tỉ lệ người mắc ĐTĐ cao nhất nhưng nay, các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình lại hứng chịu gánh nặng này. Đáng chú ý, Trung Đông là nơi có số người bệnh ĐTĐ tăng cao, từ 5,9% năm 1980 lên 13,7% vào năm 2014.
Tổng Giám đốc WHO Margaret Chan khuyến cáo: “Nếu muốn ngăn chặn bệnh ĐTĐ, chúng ta phải xem lại cách sống như chế độ ăn uống lành mạnh, tích cực vận động thể chất và tránh tăng cân quá mức. Ngay cả khi khó khăn nhất, các chính phủ cũng phải bảo đảm người dân có cơ hội sống lành mạnh và hệ thống y tế có khả năng chẩn đoán, điều trị kịp thời cho người bệnh ĐTĐ”.
Bình luận (0)