Một ngày sau khi đoàn y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến làm trưởng đoàn về làng Rêu, xã Ba Điền, huyện Ba Tơ - Quảng Ngãi để tìm nguyên nhân gây “bệnh lạ”, người dân ở đây đã bớt hoang mang hơn.
Theo các chuyên gia y tế, hội chứng dày sừng lòng bàn tay, bàn chân và men gan tăng dẫn đến chết người ở Quảng Ngãi có thể điều trị được nếu người bệnh được phát hiện và đến trung tâm y tế điều trị kịp thời.
Cũng theo các chuyên gia y tế từng vào xã Ba Điền tìm hiểu “bệnh lạ”, một trong những nguyên nhân khiến bệnh bùng phát là do ý thức của người dân còn kém, khi phát hiện bệnh lại không chịu đến cơ sở y tế điều trị mà ở nhà cúng vái.
Người dân ở đây thường sử dụng gạo bị mốc dẫn đến tăng chất asen. “Asen là một chất cực độc, có thể gây ra những phản ứng phụ dẫn đến tăng huyết áp, tăng men gan… Do đó, người dân phải thận trọng khi sử dụng gạo trong bữa ăn hằng ngày” – TS Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, khuyến cáo.
Theo thống kê của ngành y tế địa phương, đến tối 29-4, toàn huyện Ba Tơ có 179 trường hợp mắc “bệnh lạ”, đã có 19 trường hợp tử vong. Chiều 29-4, bà Đặng Thị Phượng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ, cho biết bệnh nhân Phạm Văn Nhọc sẽ được chuyển đến Bệnh viện C (Đà Nẵng) để điều trị tiếp. Trước đó, sau thời gian điều trị “bệnh lạ” ở Bệnh viện Phong - Da liễu Quy Hòa (Bình Định), bệnh nhân Nhọc tự cho là khỏi bệnh và trở về làng, nay sức khỏe đã suy kiệt.
Cán bộ y tế khám bệnh cho trẻ em xã Ba Điền
BS Phạm Thanh Tân, Giám đốc Bệnh viện Phong - Da liễu Quy Hòa, cho biết hầu hết các trường hợp “bệnh lạ” ở huyện Ba Tơ được điều trị tại bệnh viện có chung biểu hiện dày sừng lòng bàn tay, bàn chân. “Tuy nhiên, đó chỉ là biểu hiện bên ngoài, còn nội tạng thì diễn biến khác nhau. Bệnh nhân Nhọc khi nhập viện bị loét hang vị dạ dày, men gan tăng, prodic tăng không giống với những bệnh nhân khác” - BS Tân nói.
Theo BS Tân, hầu hết các trường hợp bệnh nhân tử vong là do nhập viện trễ, bệnh đã quá nặng. Trong khi đó, người bệnh thường chỉ ăn cơm với muối nên thiếu chất, cơ thể suy nhược trầm trọng. Vì vậy, khi nhập viện, bệnh nhân chỉ được truyền dịch, không có thêm phác đồ điều trị khác. Tuy nhiên, BS Tân khẳng định: Bệnh này được chữa khỏi nếu phát hiện và đưa đến cơ sở y tế kịp thời.
Theo thống kê của xã Ba Điền, có ít nhất 9 hộ ở xã “cửa đóng then cài” từ hơn một tuần qua. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp sau khi hoảng sợ rời làng nay đã trở về.
Đoàn của Bộ Y tế kiểm tra nồi cơm của dân ở xã Ba Điền, huyện Ba Tơ - Quảng Ngãi. Ảnh : NIÊM HÀ
Ngoài 179 trường hợp mắc bệnh đã xác định, chiều tối 29-4, ông Phạm Văn Bút, Chủ tịch UBND xã Ba Điền, cho biết theo tin báo, vừa có thêm 3 trường hợp mới mắc bệnh ở 2 làng Rêu và thôn Gò Nghênh. “Tôi nghĩ số người mắc mới này là đã mắc bệnh từ nhiều tuần qua, không phải mới nhưng ngành y tế địa phương chưa phát hiện. Ngày mai, tôi sẽ xuống thôn xem xét tình hình và yêu cầu những người mắc bệnh phải đến cơ sở y tế điều trị” - ông Bút nói.
Bình luận (0)