Chiều 22-5, Báo Người Lao Động và Bộ Y tế đã phối hợp tổ chức giao lưu trực tuyến về chủ đề “Cách phòng chống bệnh mùa hè” nhằm trang bị kiến thức cho cộng đồng trong việc phòng chống dịch bệnh. Khách mời giao lưu là những chuyên gia đến từ Bộ Y tế, Cục Y tế dự phòng, Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương và Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM).
Bệnh theo mùa và bệnh do thời tiết
Trả lời câu hỏi của chị Thanh Hằng (phường Hàng Bột, quận Đống Đa, TP Hà Nội), GS-TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, cho biết: Các bệnh thường gặp trong mùa hè bao gồm các nhóm chính: Nhóm các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa như virus đường ruột, đặc biệt là rota virus và tay chân miệng; những bệnh liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm như nhiễm trùng, nhiễm độc thức ăn; nhóm bệnh lây qua muỗi đốt, trong đó đặc biệt lưu ý tới sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản B; nhóm bệnh đường hô hấp như các bệnh do virus cúm... Ngoài ra, do thời tiết nắng nóng, mọi người cũng cần phải lưu ý đến say nóng và say nắng.
Bệnh nhi được điều trị trị tại Khoa Nhiễm- Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM)
Bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết đã khiến nhiều phụ huynh lo lắng. PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, cho biết: Bộ Y tế đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Công điện số 585 ngày 6-5 gửi UBND các tỉnh, TP về việc chỉ đạo phòng chống bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết. Đối với bệnh tay chân miệng, khuyến cáo người dân thực hiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, rửa tay đúng cách, phối hợp với ngành giáo dục để phòng chống dịch trong trường học. Đối với dịch sốt xuất huyết, chỉ đạo các tỉnh, TP thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy, phun hóa chất… Bộ Y tế cũng đề nghị các nơi chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực cho công tác điều trị; thành lập 8 đoàn kiểm tra công tác thực hiện…
TP HCM: Lo bệnh “theo” du khách
Tại TP HCM, dịch sởi đã có dấu hiệu lắng dần, tay chân miệng mới vào mùa nhưng đa số vẫn nhẹ. Tuy nhiên, là TP đông đúc, phát triển về giao thương và du lịch nên nhiều chuyên gia và cả phụ huynh vẫn lo ngại mầm bệnh từ các nơi có thể theo chân du khách.
“TP HCM là nơi đầu mối giao lưu về nhiều mặt, từ thương mại, dịch vụ cho đến du lịch. Do đó, một số bệnh nhiễm có thể lây lan vào TP. Vì thế, TP luôn tăng cường hoạt động giám sát để phát hiện trường hợp mới mắc bệnh thông qua hoạt động kiểm dịch tại các cửa khẩu (Tân Sơn Nhất, Cảng Sài Gòn), nhất là các trường hợp nhập cảnh từ vùng có dịch; giám sát tại các bệnh viện để kịp thời phát hiện trường hợp mắc bệnh đầu tiên để có biện pháp can thiệp kịp thời. Đồng thời, thông báo các biện pháp phòng bệnh cá nhân trong cộng đồng; người dân phát hiện sớm những dấu hiệu nghi ngờ cần đến bệnh viện để được hướng dẫn điều trị, chăm sóc và phòng bệnh, tránh lây lan cho cộng đồng” - bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM, nhấn mạnh.
Trả lời thắc mắc của bạn đọc Hồ Thị Hồng về việc tiêm phòng sởi để an tâm du lịch hè, bác sĩ Dũng cho biết sau tiêm khoảng 1 tháng, vắc-xin này sẽ có đáp ứng và tạo ra miễn dịch cho cơ thể. Mốc 1 tháng cũng ứng với các bệnh khác có thể phòng bằng vắc-xin như cúm, thủy đậu, Rubella… Tuy nhiên, thời gian này có thể chậm hoặc nhanh hơn đôi chút, tùy theo cơ địa của mỗi người.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết trong tháng 5-2014, số ca sởi đã giảm so với tháng 4 dù còn ở mức cao và có một số ca nặng. Mới đây, bệnh viện này đã cứu sống 3 trẻ bị sởi rất nặng, trong tình trạng suy hô hấp, sốc, co giật... Theo bác sĩ Dũng, số liệu thống kê của TP HCM trong 4 tuần gần đây cho thấy số ca mắc sởi liên tục giảm, có thể dịch sẽ lắng dịu trong thời gian tới nhưng vẫn phải đề phòng.
Lưu ý sốt xuất huyết và tay chân miệng
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến khuyên các phụ huynh nên lưu ý đến 2 căn bệnh thường gặp trong dịp hè là sốt xuất huyết và tay chân miệng. Ông cho biết sốt xuất huyết có 3 giai đoạn: sốt, nguy hiểm và phục hồi. Giai đoạn nguy hiểm là nặng nhất. Trẻ có thể bị sốc, tổn thương các cơ quan như gan, não, xuất huyết tiêu hóa nên phụ huynh cần biết các dấu hiệu cảnh báo nặng để đưa con em đến bệnh viện ngay: đau bụng, bứt rứt, lăn lộn, chảy máu cam, máu răng, tay chân lạnh, nằm một chỗ không chơi, ói ra máu, đi cầu phân đen.
Về bệnh tay chân miệng, bác sĩ Tiến phân tích 4 giai đoạn: Giai đoạn đầu (độ 1) chỉ đơn thuần nổi hồng ban, mụn nước ở tay - chân - miệng. Giai đoạn tổn thương thần kinh trung ương (độ 2): Trẻ sốt cao, giật mình, chới với, run tay chân, đi loạng choạng, yếu chi, lé mắt, nuốt khó. Giai đoạn tổn thương hệ thần kinh thực vật (độ 3): Trẻ có biểu hiện nhịp tim nhanh, thở nhanh, có cơn ngưng thở, huyết áp cao, vã mồ hôi lạnh, da xanh tái. Giai đoạn cuối là suy hô hấp tuần hoàn (độ 4), trẻ có thể tử vong hoặc được cứu sống nhờ được can thiệp điều trị thích hợp. Các dấu hiệu cảnh báo nặng để đưa trẻ đến bệnh viện ngay là sốt cao khó hạ (dù đã uống thuốc hạ sốt), thở bất thường, thở nhanh, giật mình, chới với, li bì, khó đánh thức, run tay chân, vã mồ hôi, đi loạng choạng, yếu chi, da nổi bông.
Bình luận (0)