xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Trực tuyến "Bệnh mùa hè rình rập, phải làm gì?"

(NLĐO) - Lần đầu tiên, Báo Người Lao động và Bộ Y tế phối hợp tổ chức giao lưu trực tuyến về chủ đề: Cách phòng chống bệnh mùa hè nhằm trang bị kiến thức cho cộng đồng trong việc phòng chống dịch bệnh.

 

Ông Nguyễn Văn Tín - Phó Tổng Thư ký Báo Người Lao Động - cảm ơn các bác sĩ tham gia chương trình

Ông Nguyễn Văn Tín - Phó Tổng biên tập Báo Người Lao Động - cảm ơn các bác sĩ tham gia chương trình

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, đặc biệt trong mùa hè, Báo Người Lao Động phối hợp với Bộ Y tế tổ chức giao lưu trực tuyến chủ đề: “Cách phòng chống bệnh mùa hè” nhằm cung cấp kiến thức cho cộng đồng trong việc phòng chống dịch bệnh, hạn chế những biến chứng nguy hiểm.

Khách mời giao lưu là các chuyên gia đến từ Bộ Y tế, Cục Y tế dự phòng, Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM).

Khai mạc buổi giao lưu trực tuyến, ông Nguyễn Văn Tín, Phó Tổng biên tập Báo Người Lao Động, cám ơn Bộ Y tế đã chọn Báo Người Lao Động để phối hợp tổ chức một chương trình giao lưu trực tuyến với 2 đầu cầu Hà Nội và TP HCM về một vấn đề rất thời sự đó là tình hình dịch bịnh có nguy cơ bùng phát ngay trong mùa hè sắp tới. Chuẩn bị phòng chống những bệnh nguy hiểm mùa hè, cung cấp kiến thức cho cộng đồng trong việc phòng chống dịch bệnh, hạn chế những biến chứng nguy hiểm sẽ góp phần nâng cao sức khỏe cho nhân dân.

PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), cho biết tình hình dịch bệnh mùa hè diễn biến khá phức tạp, nguy hiểm rất cần phổ biến kiến thức phòng chống đến cộng đồng. Để làm được việc này, riêng Bộ Y tế không thể nào làm được mà phải có sự tham gia hỗ trợ của các cơ quan thông tấn báo chí. Bộ Y tế rất hoan nghênh sự hợp tác giữa bộ và Báo Người Lao Động vì đây là kênh thông tin được đông đảo nhân dân cả nước biết đến. 

 

Khách mời phía Bắc:

- PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế)

- PGS-TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương

Khánh mời phía Nam:

- Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Trưởng khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM)

- Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP HCM

Buổi giao lưu trực tuyến kết thúc lúc 16 giờ. Những giải đáp của các chuyên gia đầu ngành y tế sẽ đem lại nhiều hữu ích cho người dân trong việc phòng chống bệnh mùa hè năm nay.

 

 

Thanh Hằng

  14:19 ngày 22/05/2014

Bác sĩ ơi, bệnh nào đáng ngại nhất trong thời tiết mưa nắng thất thường hiện nay ở miền Bắc?

PGS-TS Nguyễn Văn Kính

Trong thời tiết mưa nắng mùa hè có 3 nhóm bệnh tật có thể xuất hiện:

1. Nhóm các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa như virus đường ruột, đặc biệt là rota virus và tay chân miệng. Bên cạnh đó là những bệnh liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm như nhiễm trùng, nhiễm độc thức ăn cũng rất dễ xảy ra.

2. Các bệnh lây qua muỗi đốt, trong đó đặc biệt lưu ý tới sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản B.

3. Các bệnh đường hô hấp vẫn có khả năng xảy ra bao gồm các bệnh do virus cúm...

Do thời tiết nắng nóng, mọi người cũng cần phải lưu ý đến những bệnh say nóng và say nắng.

 

Le Ngan An

  14:38 ngày 22/05/2014

Nhà tôi có 2 con nhỏ, mặc dù rất giữ gìn cho con nhưng cũng khó tránh khỏi các mối đe dọa bệnh tật. Vậy trong mùa hè này, trẻ có nguy cơ mắc những bệnh nào thưa bác sĩ?

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến

Trong mùa hè này cháu có thể mắc bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết, sởi, thủy đậu, nhiễm khuẩn hô hấp cấp, tiêu chảy cấp. Nên chị cần lưu ý phòng ngừa bằng cách đi tiêm ngừa các bệnh như sởi, thủy đậu, cúm, quai bị, rubella. Các bệnh khác như sốt xuất huyết thì diệt muỗi, lăng quăng, ngủ mùng; tay chân miệng thì rửa tay cho trẻ dưới vòi nước, vệ sinh nhà cửa, đồ chơi.

Nguyễn Xuân Mai

  14:39 ngày 22/05/2014

Con tôi bị tay chân miệng đang theo dõi tại nhà. Tôi rất lo lắng việc bệnh của con trở nặng vì hiện nhà tôi đang ở Thủ Đức, rất xa hai bệnh viện nhi đồng. Xin hỏi trong tình huống cháu bị trở nặng thì bệnh viện quận huyện có đủ sức để cấp cứu căn bệnh này không?

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến

Cám ơn câu hỏi của chị!

Những dấu hiệu cảnh báo nặng chị cần đưa trẻ tới cơ sở y tế ngay như sốt cao khó hạ (mặc dù đã uống thuốc hạ sốt), thở bất thường, thở nhanh, giật mình, chới với, run tay chân, đi loạng choạng, vã mồ hôi, yếu chi, li bì, khó đánh thức. Đây là những dấu hiệu nặng nhưng tương đối sớm để chị có thể mang cháu đến bất cứ cơ sở y tế nào, ngay cả bệnh viện quận huyện. Tại đây các bác sĩ có thể sơ cứu và chuyển đến bệnh viện tuyến trên là nơi có đầy đủ trang thiết bị điều trị cho trẻ.

 

Hồ Thị Hồng

  14:39 ngày 22/05/2014

Hai con tôi (6 tuổi và 8 tuổi) sắp nghỉ hè và gia đình có dự định đi chơi xa nên muốn tiêm phòng sởi. Xin cho hỏi tiêm bao lâu thì thuốc sẽ có tác dụng phòng bệnh và tiêm sởi có tác dụng phụ gì không?

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng

Thông thường, sau khi tiêm phòng khoảng một tháng sẽ có đáp ứng miễn dịch tạo ra kháng thể, giúp cơ thể phòng bệnh sởi. Tiêm vắc xin sởi cũng có thể gặp những phản ứng sau tiêm, thường là những phản ứng nhẹ như sốt. Tỉ lệ xảy ra phản ứng nặng rất thấp.

Trần Thị Xuân Hồng

  14:40 ngày 22/05/2014

Cháu nhà tôi bị tay chân miệng nặng, đang nằm viện. Người cháu có những vết sang thương da rất rõ, tôi định bôi thuốc nhưng bác sĩ không cho vì nói bôi sẽ làm mờ triệu chứng. Tôi rất sợ con tôi sẽ khó chịu vì những vết lở trên da đó, cháu lại là con gái. Nếu không bôi thuốc thì sau này có để lại sẹo không? Khi con hết bệnh, tôi có thể tìm mua thuốc gì để làm mờ sẹo cho cháu?

PGS-TS Nguyễn Văn Kính

Bệnh tay chân miệng có những tổn thương đặc trưng là các nốt phỏng mọc sâu ở trong da, gan bàn chân, bàn tay, quanh miệng, vùng gối và mông. Những nốt phỏng này rất khó bị vỡ trừ phi chọc kim vào đó. Vì vậy, nếu nốt phỏng có lở loét thì cần xem lại em có nguyên nhân khác, như bệnh thủy đậu hay không. Các nốt phỏng trong bệnh tay chân miệng không ngứa, khi khỏi bệnh sẽ biến hết, không để lại sẹo.

Trong trường hợp này, nếu bạn sợ lở loét thì cần xin ý kiến tư vấn thêm của bác sĩ để có thể dùng các dung dịch bôi sát trùng trên da như Xanh Methilen hoặc Tím Gential sẽ giúp cho vết loét mau liền và không bị nhiễm trùng.

Nguyễn An Bình

  14:40 ngày 22/05/2014

Tôi có 1 cháu trai 4 tuổi và 1 cháu gái 16 tuổi. Hiện con trai nhỏ của tôi đang bị trái rạ, tôi và con gái lớn thay phiên nhau chăm sóc. Tôi hỏi nhiều người, có người nói trái rạ em bé còn nhỏ mới bị, có người lại nói trẻ lớn cũng bị, vậy thực hư thế nào? Tôi rất sợ con gái lớn của tôi bị lây? Con trai tôi đã bị trái rạ thì sau này sẽ không mắc lại phải không? Tôi cũng nghe nói bệnh này trong đời mỗi trẻ chị bị 1 lần.

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng

Cháu gái 16 tuổi có thể mắc bệnh thủy đậu (trái rạ) nếu trước đây cháu chưa từng mắc bệnh hoặc chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh. Người đã một lần mắc bệnh thủy đậu sẽ được miễn dịch suốt đời.

Nguyễn Thu Hiền

  14:41 ngày 22/05/2014

Tôi được biết, khoảng cuối tháng 5 này sẽ là thời điểm dịch tay chân miệng và sốt xuất huyết bùng phát ở miền Bắc. Vậy, cho đến nay, Bộ Y tế đã có biện pháp gì để kiểm soát và ngăn chặn các dịch bệnh này. Nếu bộ đã có các biện pháp triển khai thì đến nay, các biện pháp đó đã được thực hiện đến đâu?

PGS-TS Trần Đắc Phu

Bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết là những bệnh lưu hành ở nước ta, số mắc hàng năm khoảng vài chục nghìn đến cả trăm nghìn ca mắc mỗi năm. Bộ Y tế đã ý thức được vấn đề này, hàng năm cũng như năm 2014, Bộ Y tế đã có kế hoạch cụ thể cho phòng chống các bệnh dịch nói chung trong đó rất chú ý tới bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng.

Ngày 2-1-2014, Bộ Y tế đã tham mưu cho Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến với sự tham gia của UNBD 63 tỉnh thành phố và các bộ ngành do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì. Trong đó đề nghị UBND các tỉnh tập trung chỉ đạo quyết liệt đối với bệnh tay chân miệng là bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, chưa có vắc-xin phòng bệnh, cách phòng bệnh chủ yếu là thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường. Bộ Y tế cũng đã ban hành khuyến cáo để người dân biết thực hiện. Đặc biệt là vấn đề khuyến cáo người dân thực hiện rửa tay với xà phòng. Bộ Y tế cũng đã tổ chức 3 cuộc phát động rửa tay với xà phòng tại Lạng Sơn, Cần Thơ và TP HCM. Gần đây Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị triển khai phòng chống dịch bệnh mùa hè cho tất cả các tỉnh trọng điểm.

Bệnh sốt xuất huyết là bệnh do muỗi truyền, hiện cũng chưa có vắc-xin phòng bệnh. Muỗi truyền sốt xuất huyết chúng ta thường gọi là muỗi vằn. Chúng sinh sản ở các dụng cụ chứa nước sạch như: các bể chứa nước mưa ở phía Bắc, các lu khạp ở miền Nam, cũng có thể đẻ ở các lọ hoa có chứa nước trong nhà mà các gia đình để trên bàn thờ, nước đọng sau tủ lạnh, các dụng cụ phế thải có chứa nước mua ngoài vườn, các chậu hoa có nước mà để không... Chúng tôi cũng đã thực hiện các chiến dịch diệt lăng quăng bọ gậy, vận động người dân diệt lăng quăng, thả cá. Đối với ổ dịch có bệnh nhân sốt xuất huyết chúng tôi đã tổ chức phun hóa chất để diệt muỗi. Hiện nay Bộ Y tế đang khuyến cáo phun trên diện rộng, có thể cả khu phố có nguy cơ, để xử lý triệt để các ổ dịch.

Bộ Y tế đang thực hiện rất nhiều biện pháp để giảm số trường hợp mắc và số tử vong mặc dù thời điểm này dịch đang có số mắc và tử vong thấp hơn so với cùng kỳ năm 2013. Tuy nhiên chúng tôi nghĩ rằng công tác phòng chống dịch cần phải có sự chỉ đạo quyết liệt của UBND các cấp, sự tham gia của các bộ ngành các tổ chức chính trị xã hội và ý thức tự phòng bệnh của mỗi người dân trên cơ sở tham mưu có hiệu quả của ngành y tế.

Dịch có thể vẫn xảy ra do đặc tính tự nhiên, điều kiện môi trường, điều kiện xã hội và ý thức của người dân còn có những khó khăn. Do đó, mong muốn của chúng tôi là giảm được số mắc và tử vong ở mức thấp nhất.

Diệp Linh

  14:44 ngày 22/05/2014

Con gái tôi 4 tuổi đã mắc bệnh tay chân miệng năm ngoái, liệu nay con tôi có bị bệnh lại hay không? Phòng tránh cho cháu bằng cách nào?

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến

Cháu có thể mắc bệnh lại bởi vì có nhiều tác nhân siêu vi đường ruột gây bệnh tay chân miệng. Do đó cần phòng ngừa cho trẻ bằng cách rửa tay trẻ dưới vòi nước trước và sau ăn, sau khi đi vệ sinh; vệ sinh nhà cửa, đồ chơi; cách ly với trẻ bệnh tay chân miệng khác. Bản thân phụ huynh cũng thực hiện rửa tay trước và sau chế biến thức ăn, trước và sau khi vệ sinh cho trẻ, trước khi chăm sóc cho trẻ khác.

Phạm Thúy Hà

  14:46 ngày 22/05/2014

Ngoài việc phải đối phó với bệnh sởi, tay chân miệng và sốt xuất huyết, viêm não Nhật bản thì TP HCM có thể sẽ phải đối phó với những bệnh truyền nhiễm khác, thông qua đường du lịch. Vậy đó là những căn bệnh nào và chúng ta đã có những biện pháp gì để chủ động kiểm soát?

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng

TP HCM là nơi đầu mối giao lưu về nhiều mặt tư thương mại, dịch vụ cho đến du lịch. Do đó, có thể một số bệnh nhiễm có thể lây lan vào thành phố thông qua con đường du lịch, thương mại. Vì thế, thành phố luôn tăng cường các hoạt động giám sát để phát hiện các trường hợp mới mắc bệnh thông qua các hoạt động kiểm dịch tại các cửa khẩu (Tân Sơn Nhất, Cảng Sài Gòn) nhất là các trường hợp nhập cảnh từ vùng có dịch, giám sát tại các bệnh viện để kịp thời phát hiện trường hợp mắc bệnh đầu tiên để có biện pháp can thiệp kịp thời. Đồng thời, thông báo các biện pháp phòng bệnh cá nhân trong cộng đồng cũng như mỗi người dân tự phát hiện sớm các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh để đến bệnh viện được hướng dẫn điều trị, chăm sóc và phòng bệnh, tránh lây lan cho cộng đồng.

Trần Hoài An

  14:49 ngày 22/05/2014

Cháu trai 6 tuổi nhà tôi bị quai bị đang được điều trị, bác sĩ bảo không nặng lắm. Nhưng tôi nghe nói mắc bệnh này mai mốt sẽ ảnh hưởng đến khả năng làm cha, có thật vậy không thưa bác sĩ? Có cách nào giải quyết không? Cháu lỡ bị rồi, tôi rất lo. Bệnh này có lây không, vì tôi còn một cháu trai khác 4 tuổi?

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến

Trẻ 6 tuổi bị quai bị ít khi bị biến chứng viêm tinh hoàn nên khả năng làm cha của cháu vẫn còn tốt, anh không phải lo lắng. Tuy nhiên, cũng nên cho cháu nghỉ ngơi trong tuần đầu, khi xuất hiện quai bị (sưng tuyến nước bọt mang tai), tránh vận động mạnh, ăn uống đồ dễ tiêu, tránh chất chua, cay (làm tăng tiết nước bọt) và uống thuốc theo toa bác sĩ. Bệnh có thể lây trong 1-2 tuần đầu sau khi phát bệnh nên cần cách ly tương đối với người em trai, tránh dùng chung đồ vệ sinh cá nhân. Cũng nói thêm ở lứa tuổi sau tuổi dậy thì, khi mắc quai bị có thể có nguy cơ biến chứng viêm tinh hoàn là 25%. Thường khi đã bị một lần thì sẽ không bị nữa, riêng người em thì nên đi chích ngừa quai bị.

Nguyễn Linh

  14:51 ngày 22/05/2014

Bộ Y tế nhận định tình hình bệnh mùa hè diễn biến phức tạp. Vậy bộ đã làm gì để thúc đẩy các địa phương hành động phòng chống dịch bệnh, tránh để tình trạng "nóng" chỉ đạo "lạnh" thực hiện như dịch sởi gần đây?

PGS-TS Trần Đắc Phu

Thông thường bệnh có diễn biến theo mùa và mùa hè cũng là thời điểm rất thuận lợi cho các bệnh dịch phát sinh và phát triển như các bệnh lây qua đường tiêu hóa như: Tiêu chảy, tay chân miệng, lỵ, thương hàn... ; các bệnh do muỗi đốt: sốt xuất huyết, viêm não, các bệnh lây theo đường hô hấp: Cúm, viêm phổi...

Bộ Y tế đã tham mưu cho Chính phủ ban hành công điện số 585 ngày 6-5-2014 gửi UBND các tỉnh về việc chỉ đạo phòng chống bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết. Thực hiện công điện này, Bộ Y tế đã có công điện triển khai toàn ngành triển khai các biện pháp phòng chống dịch nhằm giảm các trường hợp mắc và tử vong đối với các dịch bệnh trên. Đặc biệt đối với bệnh tay chân miệng, Bộ Y tế đã đề nghị UBND các cấp chỉ đạo và triển khai các biện pháp khuyến cáo người dân thực hiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, rửa tay với xà phòng, phối hợp với ngành giáo dục để phòng chống dịch trong trường học.

Đối với dịch sốt xuất huyết, Bộ Y tế cũng đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo thực hiện các chiến dịch diệt loăng quang, bọ gậy, phun hóa chất. Đối với các tỉnh có số mắc cao yêu cầu làm chiến dịch 1 tuần/lần. Bộ Y tế cũng đề nghị các tỉnh bố trí đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị để điều trị bệnh nhân, tổ chức các hoạt động tập huấn cung cấp cho cán bộ y tế để nâng cao năng lực chống dịch và điều trị. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh, thành cấp kinh  phí bổ sung cho công tác phòng chống dịch trong khi kinh phí chương trình mục tiêu năm nay bị cắt giảm.

Để thực hiện tốt công việc trên, Bộ Y tế đã thành lập 8 đoàn kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện của các địa phương, trong thời gian tới tiếp tục cử các đoàn đi kiểm tra. Kết quả các địa phương làm tốt và chưa tốt sẽ được thông báo và báo cáo chính phủ.      

Thanh Hoa

  15:01 ngày 22/05/2014

Xin cảm ơn Bộ Y tế vì buổi giao lưu hữu ích. Tôi xin hỏi vài câu sau: 1. Viêm não virus chỉ là bệnh trong mùa hè hay nó là bệnh phát sinh chỉ trong một thời điểm của mùa hè (lúc nắng nóng nhất hay lúc nóng ẩm nhất)? Tôi phải phòng bệnh cho con theo cách nào? 2. Để có thể hiểu thực tế các dịch bệnh đang diễn biến thế nào, tôi rất hay vào trang web của Cục Y tế dự phòng xem số lượng bệnh nhân nhiễm và cách phòng bệnh nhưng nhiều khi thấy các thông tin này cũ. Vậy khi dịch bệnh xảy ra, tôi nên tìm kiếm thông tin ở đâu để chăm sóc cho con mình?

PGS-TS Trần Đắc Phu

Viêm não Nhật Bản là bệnh do virus truyền qua muỗi. Bệnh xuất hiện quanh năm nhưng phát triển mạnh vào các tháng mùa hè. Việc phòng bệnh viêm não Nhật Bản hiện nay tốt nhất là tiêm vắc-xin phòng bệnh. Vắc-xin tiêm phòng viêm não Nhật Bản đã được đưa vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng miễn phí cho trẻ từ 1-5 tuổi do vậy bạn có thế đưa con đến trạm y tế để đăng ký và được tiêm. Ngoài ra, bạn có thể áp dụng các biện pháp phòng bệnh khác như nằm màn tránh muỗi, phun hóa chất diệt muỗi trong nhà để tránh muỗi đốt, tuy nhiên biện pháp này không đặc hiệu.

Chúng tôi rất cám ơn bạn đã và trang web của Cục Y tế dự phòng để tìm kiếm các thông tin. Tuy vậy, hiện nay chúng tôi mới cung cấp được một số thông tin về tình hình dịch bệnh có tính chất nguy hiểm và có khả năng bùng phát do những khó khăn về nhân lực. Chúng tôi sẽ tiếp thu ý kiến của bạn để tới đây, thường xuyên cập nhật các thông tin nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, đồng thời mong muốn mỗi người dân có được những kiến thức tự bảo vệ cho cá nhân, cũng như cho cộng đồng. Điều đó cũng giúp ngành y tế trong công tác phòng chống dịch bệnh. 

Nguyễn Viễn

  15:02 ngày 22/05/2014

Bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng ở giai đoạn nào là nguy hiểm thưa bác sĩ? Bệnh trên có mấy giai đoạn, từng giai đoạn nguy hiểm đến mức độ nào?

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến

Bệnh sốt xuất huyết có 3 giai đoạn: Giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn phục hồi, trong đó giai đoạn nguy hiểm là nặng nhất. Trẻ có thể bị sốc, bị tổn thương các cơ quan như gan, não, xuất huyến tiêu hóa nên chị cần biết các dấu hiệu cảnh báo nặng để đưa trẻ đến bệnh viện ngay. Các dấu hiệu là: Đau bụng, bứt rứt, lăn lộn, chảy máu cam, máu răng, tay chân lạnh, nằm một chỗ không chơi, ói ra máu, đi cầu phân đen.

Bệnh tay chân miệng có 4 giai đoạn: Giai đoạn đầu chỉ đơn thuần nổi hồng ban, mụn nước ở tay - chân - miệng. Giai đoạn tổn thương thần kinh trung ương, trẻ có biểu hiện sốt cao, giật mình, chới với, run tay chân, đi loạng choạng, yếu chi, lé mắt, nuốt khó. Giai đoạn tổn thương hệ thần kinh thực vật trẻ có biểu hiện nhịp tim nhanh, thở nhanh, có cơn ngưng thở, huyết áp cao, vã mồ hôi lạnh, da xanh tái. Giai đoạn cuối là suy hô hấp tuần hoàn, đưa đến tử vong hoặc được cứu sống nhờ được can thiệp điều trị thích hợp. Chị cần biết các dấu hiệu cảnh báo nặng để đưa trẻ đến bệnh viện ngay như sốt cao khó hạ (dù đã uống thuốc hạ sốt), thở bất thường, thở nhanh, giật mình, chới với, li bì, khó đánh thức, run tay chân, vã mồ hôi, đi loạng choạng, yếu chi, da nổi bông.

Duy Ân

  15:05 ngày 22/05/2014

Bác sĩ vui lòng cho biết thêm thông tin về bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết trong mùa dịch này? Mức độ lây bệnh và diễn biến bệnh phức tạp ra sao? Hiện tại vùng dịch là ở đâu? Cần phòng tránh như thế nào? Trong trường hợp nào thì trẻ tay chân miệng phải nhập viện?

PGS-TS Nguyễn Văn Kính

Trước hết, bệnh tay chân miệng là bệnh lây theo đường tiêu hóa thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ ở tuổi đi nhà trẻ mẫu giáo. Biểu hiện của bệnh là nổi các nốt phỏng ở quanh miệng, gan bàn chân, lòng bàn tay. Một số trẻ có thể mọc nốt phỏng ở quanh gối hoặc ở mông. Bệnh thường lành tính, 90% là tự khỏi, trừ những trường hợp có biến chứng thì phải nhập viện điều trị. Các biến chứng thường gặp của bệnh tay chân miêng là não viêm hoặc phù phổi cấp và viêm cơ tim cấp, có thể dẫn tới tử vong.

Về lâm sàng, bệnh tay chân miệng được chia thành 4 độ lâm sàng:

Độ 1, bệnh thường nhẹ, có ít nốt phỏng ở quanh miệng, lòng bàn tay và gan bàn chân. Trẻ thường sốt nhẹ, kém ăn, mệt mỏi, thường diễn biến trong vòng 3-7 ngày là khỏi.

Độ 2, bệnh thường sốt trên 38 độ, các nốt phỏng cũng giống như độ 1 nhưng có thể xuất hiện thêm các triệu chứng như tiêu chảy. Những trường hợp nặng hơn có thể xuất hiện sốt cao li bì, nôn trớ.

Độ 3, bệnh nhân xuất hiện các dấu hiệu của các biến chứng sau khi xuất hiện các nốt phỏng bao gồm các biểu hiện của phù phổi cấp hoặc suy tim cấp, đôi khi có co giật.

Độ 4, là những trường hợp rất nặng có những biểu hiện của viêm não, phù phổi, sốc, suy đa phủ tạng có thể dẫn tới tử vong.

Với những trường hợp ở độ 1 có thể điều trị tại nhà với cách chăm sóc và đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ nhưng thường xuyên phải theo dõi chặt chẽ về nhiệt độ, tình trạng tinh thần và hô hấp của trẻ. Nếu xuất hiện các dấu hiệu nặng như nôn nhiều, sốt cao li bì thì phải đưa ngay đến bệnh viện để cấp cứu. Các trường hợp từ độ 2 trở lên thì phải nhập viện điều trị ngay từ đầu.

Hiện nay, bệnh tay chân miệng thường gặp quanh năm, xảy ra ở tất cả các tỉnh thành nhưng số bệnh nhân ở các tỉnh phía Nam nhiều hơn ở các tỉnh phía Bắc. Các đỉnh dịch thường gặp vào khoảng tháng 4 đến tháng 7 và tháng 9 đến tháng 11.

Bệnh tay chân miệng hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa có vắc-xin phòng bệnh. Việc điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng. Những ca nặng phải nằm ở khoa điều trị tích cực, có thể phải thở máy hoặc lọc máu mới có thể cứu được tính mạng. Tuy nhiên, những trẻ mắc bệnh ở độ 4 thường rất nặng và dễ tử vong.

Để phòng bệnh, cần phải áp dụng các biện pháp dự phòng chung bao gồm rửa tay với xà phòng hoặc các dung dịch sát trùng trước khi ăn, trước và sau khi đi vệ sinh. Lau rửa sàn nhà trẻ mẫu giáo bằng các dung dịch sát trùng như Chloramin B, đặc biêt là đối với những người chăm sóc trẻ. Thực hiện ăn sạch uống sạch và sử dụng các đồ chơi sạch cho trẻ em. Khi trẻ mắc bệnh cần phải cách ly tại nhà. Nếu phải nhập viện thì phải cách ly theo quy định của Bộ Y tế. Những trẻ có triệu chứng lâm sàng cần sớm đưa đến các cơ sở y tế để được khám chữa bệnh kịp thời.

Bệnh sốt xuất huyết cũng là bệnh rất thường gặp trong mùa hè do virus Dengue gây nên. Bệnh lây truyền do muỗi Aedes Aegypti đốt  người bệnh rồi truyền cho người khác. Bệnh có bệnh cảnh lâm sàng với các dấu hiệu chính như sốt cao, xuất huyết ở nhiều mức độ khác nhau, từ chảy máu chân răng, chảy máu cam đến xuất huyết trên da hoặc xuất huyết nội tạng, tiểu cầu hạ. Những trường hợp nặng có thể xuất hiện tình trạng sốc và suy đa tạng. Bệnh thường diễn biến nặng từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh. Phần lớn các trường hợp diễn biến nhẹ và khỏi sau 7 ngày. Những người có biểu hiện xuất huyết nặng, hoặc có sốc cần phải được nhập viện để điều trị,

Những dấu hiệu cảnh báo sẽ diễn biến nặng bao gồm: đau tức vùng gan, sốt cao li bì, nôn nhiều, xuất huyết ở trong niêm mạc như lòng trắng mắt. Những biến cố thường xảy ra khi bệnh nhân đang sốt cao thì bị hạ thân nhiệt đột ngột.

Sốt xuất huyết thường gặp vào mùa hè do mưa nhiều và có nhiều ổ trữ nước tạo điều kiện cho muỗi sinh sôi phát triển và truyền bệnh. Đến nay bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vaxin. Để phòng bệnh, mỗi cá nhân và gia đình cần thực hiện các biện pháp sau:

- Thực hiện các hành vi có lợi cho sức khỏe như đảm bảo dinh dưỡng tốt, tránh muỗi đốt. Mỗi gia đình nên sử dụng hương trừ muỗi hoặc thuốc xịt muỗi. Loại bỏ các dụng cụ tạo điều kiện cho muỗi sinh sôi nảy nở như chum vại chứa nước cần phải đậy nắp. Ở vùng trồng dừa, vỏ trái dừa cần để úp xuống để không thành nơi đọng nước mưa tạo điều kiện cho muỗi đẻ trứng. Tiêu diệt loăng quăng bằng nhiều biên pháp phù hợp.

- Trước khi vào hè cần tổ chức phun thuốc diệt muỗi trên diện rộng, đặc biệt là ở các tỉnh trọng điểm của sốt xuất huyết theo quy định của Bộ Y tế.

- Khi có các triệu chứng mắc bệnh cần sớm đến các cơ sở y tế để đươc phát hiện và điều chỉnh sớm. 

 

Phuong Thao

  15:06 ngày 22/05/2014

1.Khi dịch sởi vừa rồi diễn ra, tôi rất hoang mang, không biết mình nên làm gì. Báo chí đưa tin mỗi nơi một kiểu. Người thì bảo hạt mùi già tốt, người bảo không. Vậy khi dịch bệnh diễn ra trong mùa hè này, tôi nên xem thông tin ở đâu để phòng bệnh cho con mình? 2.Muốn phòng bệnh sốt xuất huyết tôi phải làm gì? Chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết thế nào cho đúng? 3.Viêm não virus thì phòng thế nào? Dấu hiệu nào để nhận biết bị viêm não? Xin cảm ơn.

PGS-TS Trần Đắc Phu

Tôi rất chia sẻ với sự lo lắng của bạn. Về việc bạn muốn có thông tin về phòng chống dịch bệnh bạn có thể tìm hiểu tại trang web của Cục Y tế dự phòng ( www.vncdc.gov.vn ).

Còn đối với bệnh sốt xuất huyết là bệnh do virus gây nên và do muỗi truyền bệnh. Nghĩa là bạn chỉ mắc bệnh khi bị muỗi mang mầm bệnh đốt. Hiện bệnh chưa có vắc-xin và thuốc điều trị đặc hiệu. Cách phòng bệnh tốt nhất là tránh muỗi đốt nhưng muỗi truyền sốt xuất huyết là muỗi đốt ban ngày nên để hạn chế muỗi đốt bạn nên mặc áo dài tay, nằm màn kể cả khi ngủ ban ngày. Để diệt muỗi, bạn có thể phun hóa chất diệt muỗi. Tuy vậy, hiệu quả nhất vẫn là việc loại trừ các ổ bọ gậy, loăng quang như tôi đã trả lời ở câu hỏi trước.

Đối với viêm não virus do nhiều nguyên nhân khác nhau. Hiện nay, đối với viêm não Nhật Bản B do muỗi truyền và đã có vắc-xin tiêm phòng, bạn nên cho con đi tiêm phòng đầy đủ và áp dụng các biện pháp phòng bệnh không đặc hiệu để tránh muỗi đốt như tôi đã trả lời ở câu hỏi trước.

Nguyễn Thanh Dũng

  15:06 ngày 22/05/2014

Con tôi bị sốt xuất huyết, đã qua đến giai đoạn nổi chấm đỏ khắp người. Tôi nghe nói qua giai đoạn này đã an toàn, không vào sốc nữa, có đúng không? Hiện cháu rất ngứa ngáy khắp người, đặc biệt là tay, chân, có cách gì để cháu bớt ngứa không? Cháu năm nay 7 tuổi.

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến

Thường nếu vào ngày thứ 7 của bệnh, trẻ nổi mẩn đỏ ngứa khắp người có nghĩa là đã nổi mẩn phục hồi, trẻ có thể  ngứa, khó chịu nhưng không kéo dài lâu. Thông thường có thể uống thêm thuốc chống ngứa như Clorpheniramin 4mg (1 viên) ở tuổi con anh.

Lê Thị Huyền Trang

  15:09 ngày 22/05/2014

Theo thống kê, số ca tay chân miệng nhập viện hiện nay còn cao hơn sởi và riêng TP HCM tính từ đầu năm đến nay đã tăng 30% so cùng kỳ 2013. Vậy liệu có xảy ra tình trạng số trẻ tử vong do tay chân miệng sẽ tăng cao hay không thưa các bác sĩ?

PGS-TS Nguyễn Văn Kính

Tỉ lệ tử vong đối với bệnh tay chân  miệng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó đặc biệt quan trọng là chẩn đoán và điều trị sớm. Qua nhiều năm theo dõi, tỉ lệ tử vong dao động từ 0,02-0,05%.

Nguyễn Thị Mai

  15:09 ngày 22/05/2014

Tôi có nghe nhiều trường hợp trẻ em nhập viện được chẩn đoán là tay chân miệng độ 1, 2, nhưng chỉ vài tiếng sau, có khi vẫn còn trong bệnh viện chờ lấy thuốc thì bệnh đột ngột trở nặng thành độ 3, 4, phải đưa vào cấp cứu, thở máy. Con tôi 2 tuổi, cũng vừa mắc tay chân miệng, bác sĩ chẩn đoán là độ 2A và cho điều trị ngoại trú nhưng tôi rất sợ. Nếu đang ở nhà bệnh cháu đột ngột trở nặng thì phải làm sao? Có những dấu hiệu cơ bản nào mà chúng tôi có thể nhận biết nếu bệnh cháu đột ngột chuyển sang giai đoạn nguy hiểm?

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến

Chị lưu ý các dấu hiệu cảnh báo nặng tương đối sớm để đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay: Sốt cao khó hạ (dù đã uống thuốc hạ sốt), thở bất thường, thở nhanh, giật mình, chới với, li bì, khó đánh thức, run tay chân, vã mồ hôi, đi loạng choạng, yếu chi, da nổi bông,

Lê Thị Dịu Hiền

  15:16 ngày 22/05/2014

TP HCM được dự báo là sẽ phải đối phó với sự bùng phát của hai dịch bệnh lớn là tay chân miệng và sốt xuất huyết trong khi cái khó của 2 bệnh này là chưa có vắc-xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu. Vậy cách đối phó với 2 dịch bệnh này như thế nào bởi ngay cả với sởi, dù có vắc-xin phòng bệnh nhưng thời gian qua đã có gần 150 tử vong do căn bệnh này?

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng

Cả hai bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng  hiện đang lưu hành tại một số tỉnh thành trong cả nước trong đó có TP HCM, hàng năm bệnh xuất hiện và gia tăng theo mùa. Bệnh tay chân miệng thường tăng nhẹ vào tháng 4-5 và tăng nhiều hơn vào tháng 10-11 hàng năm. Bệnh sốt xuất huyết gia tăng theo mùa mưa và thường tăng cao vào tháng 9-10 hàng năm. Hiện nay, cả 2 bệnh này chưa có vắc-xin phòng bệnh. Do đó, việc tổ chức các biện pháp phòng bệnh trong cộng đồng là hết sức cần thiết và quan trọng. Đối với sốt xuất huyết, việc truyền bệnh là do muỗi Aedes Aegypti (còn gọi là muỗi vằn) hút máu của người bệnh truyền sang. Do đó muốn phòng bệnh, phải ngăn không cho muỗi đốt hoặc không tạo điều kiện cho muỗi sinh sản và phát triển. Chúng ta có thể không cho muỗi đốt bằng nhiều biện pháp, kể cả việc sử dụng hóa chất để diệt muỗi. Biện pháp diệt lăng quăng, không để tồn tại các nơi thuận lợi để muỗi sinh sản là điều kiện quan trọng hàng đầu trong phòng bệnh sốt xuất huyết. Muỗi gây bệnh sốt xuất huyết chỉ sinh sản ở những nơi có nước sạch và chỉ cần một chỗ đọng nước nhỏ muỗi cũng có thể đẻ trứng. Do đó, người dân phải dọn dẹp, không để các vật phế thải có khả năng chứa nước chung quanh nhà, đậy kín các lu hủ chứa nước, thường xuyên súc rửa các dụng cụ chứa nước như lọ hoa, bình nước treo tường (trồng hoa, kiển), thả cá bảy màu trong hòn non bộ... Tất cả các biện pháp nhằm để diệt lăng quăng và không cho muỗi sinh sản, phát triển.

Đối với bệnh tay chân miệng là bệnh lây truyền do vi rút, lây qua đường miệng, đường tiêu hóa. Do đó, chúng ta phải thực hiện tốt việc vệ sinh ăn uống và giữ gìn vệ sinh cá nhân. Hiện nay, ngành y tế khuyến cáo người dân thực hiện các thông điệp quan trọng sau: 

1. Bàn tay sạch: Thường xuyên rửa sạch bàn tay của trẻ và người chăm sóc trẻ bằng xà phòng nhất là trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, trước khi chế biến thức ăn, trước và sau khi chăm sóc trẻ. Động tác này không những góp phần phòng ngừa bệnh tay chân miệng mà còn giúp phòng ngừa được các bệnh khác lây truyền qua đường tiếp xúc như cúm, quai, bị, thủy đậu, sởi, rubella...

2. Môi trường sạch: Vệ sinh hàng ngày và khử khuẩn hàng tuần đối với dụng cụ học tập, đồ chơi của trẻ và nơi trẻ vui chơi, sinh hoạt thường xuyên.

3. Ăn uống sạch: Đảm bảo an toàn trong vệ sinh ăn uống

4. Khi trẻ mắc bệnh: Cho trẻ đi khám bệnh và cho trẻ nghỉ học, cách ly ở nhà để phòng ngừa lây lan cho trẻ khác và cộng đồng. Người nhà theo dõi để phát hiện sớm các dấu hiệu nặng như sốt cao liên tục, giật mình, chới với, li bì, hôn mê, co giật... để sớm đưa trẻ đến bệnh viện chuyên khoa để được điều trị sớm.

Quách Kiều Anh

  15:17 ngày 22/05/2014

Làm sao phân biệt các nốt phát ban của sởi, sốt siêu vi và sốt xuất huyết? Cháu tôi được chẩn đoán là sốt virus nhưng 3 ngày sau đến bệnh viện, các bác sĩ lại nói là sốt xuất huyết. Vậy làm cách nào để chẩn đoán sớm bệnh?

PGS-TS Nguyễn Văn Kính

Có thể phân biệt sốt phát ban và sốt xuất huyết như sau:

Lấy 2 ngón tay cái và ngón trỏ kéo căng phần da có ban, nếu là ban dạng sởi thì sẽ biến mất, còn nếu là ban xuất huyết thì nó vẫn tồn tại. Con bạn được chẩn đoán trong 3 ngày đầu là sốt siêu vi thì không có gì sai vì sốt xuất huyết cũng là một loại siêu vi.

Để chẩn đoán sớm bệnh, cần phải đưa bệnh nhân đến bệnh viện. Trong 3 ngày đầu, bệnh viện có thể làm xét nghiệm tìm kháng nguyên NS1 của virus sốt xuất huyết.

Phan Quang Đại

  15:19 ngày 22/05/2014

Cho tôi hỏi đại diện Bộ Y tế là dịch sởi đã chững lại chưa? Mong ông cho biết cụ thể tình hình lây chéo tại các cơ sở y tế trong 1 tuần trở lại đây? Theo ông, tới khi nào ngành y tế có thể khống chế được dịch sởi?

PGS-TS Trần Đắc Phu

Sởi là bệnh chưa được loại trừ và thanh toán nên hàng năm vẫn có dịch bệnh xảy ra do việc tiêm vắc-xin mới đạt được tỉ lệ trên 90%. Hiện nay tình hình dịch sởi đã chững lại và giảm do triển khai quyết liệt việc tiêm vắc-xin cho trẻ em từ 9 tháng đến 2 tuổi và tại một số vùng có nguy cơ cao thì tiêm bổ sung cho trẻ từ 2 tuổi đến 10 tuổi. Tuy vậy vẫn còn một số trường hợp chưa tiêm chủng, nằm ngoài độ tuổi như: Trẻ dưới 9 tháng, trẻ ở những độ tuổi cao hoặc trẻ bị ốm trong thời gian vừa qua chưa được tiêm. Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin sởi và Rubella (MR) cho toàn bộ trẻ em từ 1 đến 14 tuổi vào tháng 9-2014. Chúng tôi cũng hy vọng rằng sau chiến dịch này tỉ lệ tiêm chủng phòng chống bệnh sởi trong cộng đồng sẽ đạt tỉ lệ rất cao và dịch bệnh sẽ được khống chế, tiến tới loại trừ bệnh sởi vào năm 2017.

Thời gian qua đã có hiện tượng lây chéo tại một số bệnh viện do quá tải cũng như việc phòng lây nhiễm chéo chưa tốt. Chính vì vậy, lãnh đạo Bộ Y tế đã chỉ đạo quyết liệt vấn đề này, đặc biệt đối với Bệnh viện Nhi Trung ương, cũng như toàn bộ các cơ sở y tế. Đến thời điểm này, tình hình lây chéo đã được cơ bản giải quyết.

nguyễn chiêu anh

  15:19 ngày 22/05/2014

Tôi nuôi 2 con nhỏ 5 tuổi và 7 tuổi. Trời nóng như lửa đốt, nhà tôi không có máy điều hòa, phải bật quạt liên tục. Không có quạt trẻ không ngủ được. Vậy theo bác sĩ bật quạt liên tục vào người trẻ có bị bệnh không?

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến

Chị nên để quạt ở chế độ quay qua lại, tránh để quạt thổi cố định vào người trẻ, dễ gây khô, "lạnh" đường thở của trẻ, tạo điều kiện cho vi khuẩn, siêu vi tấn công đường hô hấp của trẻ gây nhiễm khuẩn hô hấp cấp. Từ đó, trẻ dễ bị cảm cúm, viêm họng, viêm hô hấp trên, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, viêm phổi...

Truong Tan Cam

  15:24 ngày 22/05/2014

Tôi là thợ xây, thường xuyên lao động ngoài trời dưới cái nắng 38-40 độ. Tôi nghe nói bệnh say nắng, đột quỵ rất nguy hiểm. Vậy làm thế nào để phòng tránh vì tôi không thể bỏ việc được?

PGS-TS Nguyễn Văn Kính

Trước hết, khi làm việc ở ngoài trời nắng cần phải sử dụng các trang thiết bị chống nắng như đội nón rộng vành, mặc áo dài tay và uống đủ nước. Khi cảm thấy mệt mỏi, khó chịu cần ngừng công việc vào ngồi nghỉ ở chỗ mát.

Thanh Hà

  15:28 ngày 22/05/2014

Xin ông đánh giá về chất lượng tiêm chủng dịch vụ? Người dân có nên tin tưởng hoàn toàn vào vắc-xin khi phòng bệnh hay không?

PGS-TS Trần Đắc Phu

Hiện nay, Việt Nam có hai hình thức tiêm chủng là tiêm chủng theo Chương trình tiêm chủng mở rộng miễn phí cho trẻ em và tiêm chủng tại các điểm dịch vụ phải trả tiền. Dù là tiêm chủng ở đâu cũng đều phải thực hiện đúng các quy định của Bộ Y tế như: Bảo quản vắc-xin, thực hành tiêm chủng, tư vấn trước tiêm, tư vấn sau tiêm, theo dõi sau tiêm chủng… Chúng tôi nghĩ rằng tiêm chủng dịch vụ cũng là một hình thức tiêm tốt để giúp người dân có thể tiếp cận với vắc-xin phòng bệnh, đặc biệt một số bệnh hiện nay chưa có trong Chương trình tiêm chủng mở rộng (do nhà nước mới chỉ ưu tiên tiêm miễn phí cho trẻ em đối với 11 bệnh truyền nguy hiểm). Hiện Bộ Y tế đang tham mưu cho Chính phủ đưa thêm một số loại vắc-xin vào Chương trình tiêm chủng mở rộng nhằm thực hiện tốt hơn nữa việc phòng bệnh cho cộng đồng.

trần nguyên trường

  15:31 ngày 22/05/2014

Tôi đưa con 7 tháng tuổi đi tiêm vắc-xin 6 trong 1 (ngừa 6 bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan siêu vi B và viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib) để phòng các bệnh truyền nhiễm cho con nhưng nhiều cơ sở y tế (các Bệnh viện Nhi đồng 1, 2, Từ Dũ…) thông báo hết. Tôi nghe bảo có hiện tượng còn một ít liều vắc-xin nhưng để dành cho con cháu của người quen. Tại sao vậy? Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM có tiêm loại vắc xin này ?

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng

Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM triển khai hoạt động tiêm chủng mở rộng cho trẻ em tại TP HCM, trong đó có vắc xin Quinvaxem (ngừa các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan siêu vi B và viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib) đảm bảo cung ứng đủ vắc xin Quinvaxem cho trẻ em thành phố. Tuy nhiên, một bộ phận người dân thành phố vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có lý do ngại không muốn chích Quinvaxem và sử dụng vắc xin dịch vụ trong thời gian ngưng vắc xin Quinvaxem, nên đã dẫn đến tăng đột biến nhu cầu sử dụng của người dân khiến nguồn cung cấp của các đơn vị vắc-xin cung cấp vắcxin dịch vụ 6 trong 1, 5 trong 1 không đủ cho nhu cầu của thị trường.

Hiện nay, các đơn vị sản xuất và cung ứng vắc xin dịch vụ 6 trong 1, 5 trong 1 cũng đang nỗ lực để có thể có vắc-xin này cho thị trường Việt Nam trong thời gian sớm nhất.

Nguyễn Thị Vị

  15:36 ngày 22/05/2014

Cháu gái tôi 3 tuổi, bị tiêu chảy, sau đó cháu trai 13 tháng cũng lại bị. Cho tôi hỏi bệnh tiêu chảy lây truyền thế nào mà hai đứa bé lại cùng bị? (Tôi không cho chúng tiếp xúc hay ăn uống chung với nhau)

PGS-TS Nguyễn Văn Kính

Tiêu chảy do rất nhiều căn nguyên gây nên, trong đó bao gồm cả virus và vi khuẩn... Trong trường hợp 2 cháu của bạn bị tiêu chảy, có thể các cháu đã mắc bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa. Do cả 2 cháu có cùng một người chăm sóc nên nhiều khả năng bệnh sẽ lây theo đường tay của người chăm sóc nhiễm bệnh rồi bón thức ăn cho trẻ, khiến trẻ mắc bệnh.

Lê Tuấn

  15:37 ngày 22/05/2014

Gần đây, tôi thấy ngành y tế cảnh báo rất nhiều về bệnh do virus giống SARS. Vậy bệnh này có nguy hiểm hay không và lây truyền bằng cách nào. Làm thế nào để phòng tránh bệnh?

PGS-TS Trần Đắc Phu

Hiện nay Bộ Y tế đang cảnh báo về bệnh viêm đường hô hấp Trung Đông (MERS-Cov) là bệnh do virus Corona gây nên. Bệnh có triệu chứng chính là sốt, ho, khó thở… Những trường hợp nặng có thể gây suy hô hấp, suy thận, tử vong. Bệnh đã xuất hiện ở 19 quốc gia thuộc khu vực Trung Đông, Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Á, Châu Phi, song nhiều nhất vẫn là khu vực Trung Đông. Các trường hợp mắc ở các châu lục khác đều có tiền sử nhiễm từ 6 nước ở khu vực Trung Đông.

Hiện đã có trên 600 trường hợp mắc bệnh và 181 trường hợp tử vong. Dù bệnh không lây lan mạnh như SARS nhưng cũng rất nguy hiểm bởi hiện nay đã thấy có sự lây truyền từ người sang người và đặc biệt là hiện tượng lây từ người bệnh cho cán bộ y tế. Bệnh có tỉ lệ tử vong cao. Ở Việt Nam cũng có khả năng sẽ có người mắc bệnh do đi lao động hoặc sinh sống, du lịch ở các nước khu vực Trung Đông trở về và lây truyền cho những người khác.

Bệnh chưa có biẻ̀n pháp phòng bệnh đặc hiệu. Cách phòng bệnh hiện nay giống như các bệnh lây truyền qua đường hô hấp khác mà Bộ Y tế đang khuyến cáo. Bạn có thể vào trang web của Cục Y tế dự phòng (www.vncdc.gov.vn) để tìm hiểu thêm thông tin.

Hữu Nguyên

  15:40 ngày 22/05/2014

Tình hình dịch sốt xuất huyết ở TP HCM hiện tại như thế nào và thời gian tới dịch sẽ diễn biến ra sao. Theo tôi được biết, năm nay là năm được cảnh báo dịch sốt xuất huyết sẽ quay lại chu kỳ 3 năm.

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng

Trong năm 2013 bệnh sốt xuất huyết có số trường hợp mắc bệnh thấp nhất trong 4 năm gần đây và thời điểm cao nhất của bệnh rơi vào tháng 12-2013. Khi bệnh đi vào đuôi dịch là những tháng đầu năm 2014 nên số ca mắc bệnh hiện nay cao hơn cùng kỳ khoảng 30%. Tuy nhiên, số ca mắc bệnh đang giảm dần kể từ tháng 1 đến tháng 4. Hiện nay, số trường hợp mắc bệnh hàng tuần đang thấp nhất tính từ đầu năm với trung bình khoảng 80 trường hợp mắc bệnh mỗi tuần. 

Hiện nay, mùa mưa cũng đang bắt đầu và theo dự báo, bệnh sẽ gia tăng trong thời gian tới và sẽ tăng nhanh khi vào mùa mưa. Do đó, bên cạnh các giải pháp ngành y tế đang quyết liệt triển khai, ngành y tế cũng khuyến cáo người dân cùng thực hiện các biện pháp phòng bệnh, trong đó tổ chức diệt lăng quăng trong nhà và chung quanh nhà là rất quan trọng. Đặc biệt, mọi người phải dọn dẹp các vật dụng phế thải có thể chứa nước đang ở chung quanh để khi trời mưa xuống không có nơi cho muỗi sinh sản và phát triển.

Hồng Dung

  15:40 ngày 22/05/2014

Tôi sống chung với gia đình nhà chồng, trong đó có cả gia đình của anh chị chồng nên trong nhà có tổng cộng 6 đứa trẻ tuổi từ 2-13. Hiện có một cháu mắc sốt siêu vi (7 tuổi). Xin hỏi sốt siêu vi có lây không? Tôi rất sợ các cháu khác cũng bị lây.

PGS-TS Trần Đắc Phu

Sốt siêu vi là theo cách gọi của miền Nam còn khu vực phía Bắc gọi là sốt do virus. Bệnh do virus là bệnh lây truyền, ví dụ như cúm, sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng… nhưng bệnh có thể lây theo nhiều đường khác nhau. Chẳng hạn, sởi lây theo đường hô hấp, tay chân miệng lây theo đường tiêu hóa, sốt xuất huyết và viêm não lây do muỗi truyền… Vì vậy, bạn cần áp dụng các biện pháp để phòng bệnh một cách thích hợp.

phương trang

  15:42 ngày 22/05/2014

Tôi xin có mấy câu hỏi như sau: 1.Bệnh dại có phải tiêm phòng không hay khi bị rồi mới tiêm? Gần đây tôi thấy có bài báo nói dịch dại quay trở lại? Tôi rất lo lắng. 2.Nếu ăn uống vệ sinh thì sẽ không bị bệnh tiêu chảy cấp phải không? Bệnh này có lây không? Nó lây như thế nào ạ? 3.Viêm não virus thì phòng thế nào? Biểu hiện gì nhận ra một người đã mắc bệnh viêm não này?

PGS-TS Nguyễn Văn Kính

1. Về bệnh dại, cho đến nay bệnh dại vẫn còn tồn tại trên toàn thế giới, chưa thanh toán được. Một khi bị chó dại cắn và lên cơn dại thì chắc chắn tử vong. Vì vậy, không thể nói bệnh dại quay trở lại hay không. Người ta chỉ tiêm phòng bệnh dại khi bị chó nghi dại cắn. Tốt nhất là sau khi bị chó cắn, phải theo dõi và chăm sóc con chó cẩn thận. Nếu sau 7 ngày, chó không chết thì không phải tiêm. Trong trường hợp không theo dõi được tình trạng của con chó hoặc bị chó cắn vào vùng đầu, mặt, cổ thì phải đi tiêm phòng ngay.

2. Về bệnh tiêu chảy cấp, việc thực hiện ăn chín uống sôi, thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ làm giảm nguy cơ bị bệnh tiêu chảy. Tiêu chảy thường là triệu chứng của một bệnh lây theo đường tiêu hóa. Một số bệnh có thể gây dịch như bệnh tả, thương hàn, lỵ trực khuẩn hoặc do một số virus như Rota virus ở trẻ em.

3. Về viêm não do virus, cách đây khoảng hơn 10 năm, bệnh viêm não Nhật Bản B là bệnh thường gặp ở Việt Nam vào mùa hè. Virus viêm não Nhật Bản sống ở trong chim tu hú, chim liếu điếu, lợn. Bệnh lây truyền do con ve đốt các loài vật trên mang mầm bệnh rồi truyền sang cho người, sau đó muỗi Culex đốt người mắc bệnh rồi truyền sang cho người lành. Sau khi bị muỗi có mầm bệnh truyền cho khoảng 7-10 ngày, bệnh nhân xuất hiện các bệnh cảnh lâm sàng như sốt cao, co giật, hôn  mê và có thể bị tử vong. Tỉ lệ tử vong của viêm não Nhật Bản B có thể từ 3-60% tùy từng thời điểm. Những người sống sót có thể có những di chứng về tinh thần hoặc vận động (liệt).

Từ năm 1997 đến nay, Việt Nam đã triển khai tiêm chủng phòng viêm não Nhật Bản B nên số ca mắc bệnh đã giảm rất nhiều. Vì vậy, việc dự phòng tốt nhất là đi tiêm vắc-xin phòng bệnh.

Trần Thị Hương

  15:43 ngày 22/05/2014

Bác sĩ cho em hỏi vì sao cần phải xét nghiệm máu để chẩn đoán sốt xuất huyết? Tại sao sau khi thử máu không phát hiện ra sốt xuất huyết nhưng sau đó lại bị sốt xuất huyết?

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến

Trẻ bị sốt trong 3 ngày đầu thường khó chẩn đoán xác định được nguyên nhân như trẻ có thể bị sốt xuất huyết, sốt phát ban, sởi, sốt siêu vi, sốt do bệnh tay chân miệng... nên cần phải thử máu cho trẻ để tìm ra nguyên nhân sốt. Khi thử máu, kết quả ở ngày thứ 2, thứ 3 của bệnh không biểu hiện tình trạng sốt xuất huyết nên bác sĩ trả lời trẻ chưa có biểu hiện sốt xuất huyết chứ không khẳng định là trẻ không bị sốt xuất huyết. Những ngày sau, khi trẻ có biểu hiện sốt kèm dấu hiệu xuất huyết như chấm xuất huyết ở da, chảy máu cam, chảy máu chân răng... thì khi xét nghiệm máu cho thấy trẻ có biểu hiện bệnh sốt xuất huyết. Do vậy, chị nên theo hướng dẫn của bác sĩ đưa trẻ đi tái khám mỗi ngày và cho trẻ xét nghiệm, thử máu theo chỉ định của bác sĩ để chẩn đoán chính xác bệnh của trẻ.

Nguyễn Ngọc Trân Châu

  15:43 ngày 22/05/2014

Chào bác sĩ! Để phòng chống bệnh cho trẻ, tôi dự định cho hai đứa con tôi (một gái 10 tuổi và một trai 4 tuổi) mỗi ngày uống 5 ml Vitamin C (chia làm 2 cữ sáng, tối, sau khi ăn 1 tiếng). Tôi làm như vậy có hiệu quả không? Uống C lâu dài có tác hại gì không? Có làm bé bị đau dạ dày không? Cám ơn bác sĩ.

PGS-TS Trần Đắc Phu

Bất kỳ thuốc nào cũng có tác dụng tốt và cũng có thể có tác dụng phụ không tốt. Vấn đề là việc sử dụng thuốc phải theo chỉ định của cán bộ y tế, khi nào cần sử dụng loại thuốc nào, sử dụng liều lượng ra sao và thời gian bao lâu. Tôi không phải là một bác sĩ làm trong cơ sở điều trị nhưng tối nghĩ rằng vitamin C cũng cần phải sử dụng theo đúng chỉ định và bạn nên đưa con đến cơ sở y tế để được tư vấn và sử dụng phù hợp.

Nguyễn Thu Hiền

  15:44 ngày 22/05/2014

Theo nhận định của các chuyên gia y tế, tôi được biết rằng chỉ cần 1 tuần thời tiết nắng nóng, dịch sởi sẽ biến mất. Tuy nhiên, đến nay, sau mấy tuần thời tiết rất nắng nóng,(tỉ lệ tiêm vét vắc-xin của cả nước cũng đã đạt trên 95%), vậy vì sao số ca mắc sởi và tử vong do sởi vẫn tăng?

PGS-TS Trần Đắc Phu

Virus sởi là virus cũng nhạy cảm với nhiệt độ, khi thời tiết nóng khả năng tồn tại của virus trong môi trường có thể thấp đi nhưng không có nghĩa rằng tất cả mọi chỗ, mọi nơi virus bị tiêu diệt. Như vậy, không phải thời tiết nóng là yếu tố quyết định để khống chế bệnh này. Như các bạn biết, ngay ở trong TP HCM, nhiệt độ hàng ngày cao nhưng bệnh sởi vẫn phát sinh và phát triển trong thời gian vừa qua. Vấn đề cơ bản nhất là tiêm vắc-xin phòng bệnh. Tuy vậy, vừa qua chúng ta thực hiện chiến dịch tiêm vét vắc-xin sởi cho trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi và một số vùng có nguy cơ cao tiêm cho trẻ từ 2 đến 10 tuổi. Hiện vẫn còn một số trẻ dưới 9 tháng tuổi chưa được tiêm cũng như những người chưa được tiêm vắc-xin từ trước hoặc không được tiêm vắc-xin trong các chiến dịch tiêm lần này vẫn có thể mắc bệnh. Chính vì vậy, trong thời gian tới, Bộ Y tế tổ chức chiến dịch tiêm vắc-xin sởi và Rubella cho toàn bộ trẻ từ 1 đến 14 tuổi.

xuan thu

  15:44 ngày 22/05/2014

Tôi đang nuôi con nhỏ 1 tuổi. Nghe nói bệnh tay chân miệng rất nguy hiểm, diễn tiến nhanh. Nhưng tôi theo dõi báo đài, các bác sĩ khuyên bệnh này chỉ cần theo dõi tại nhà, khi nào nặng thì đưa đến bệnh viện. Tâm lý của cha mẹ là con có bệnh, ai cũng muốn đưa đi bệnh viện. Thật sự tôi không phân biệt thể nào là bệnh nặng và thế nào như thế là nhẹ. Bác sĩ giải thích cụ thể thêm. Chứ khi đưa bệnh bệnh viện, bác sĩ bảo đưa đến đã muộn.

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến

Tôi rất thông cảm cho nỗi lo của chị. Bệnh tay chân miệng nếu là thể tối cấp thì diễn tiến rất nhanh, đưa đến tử vong, ngay cả khi được can thiệp điều trị tích cực. Thể này ít gặp, nhưng không phải không có nên không được chủ quan. Chị cần theo dõi sát trẻ,uống thuốc theo toa bác sĩ, tái khám mỗi ngày và đặc biệt là nhận biết những dấu hiệu cảnh báo nặng để đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời như có một trong các dấu hiệu sau: Sốt cao khó hạ (dù đã uống thuốc hạ sốt), thở bất thường, thở nhanh, giật mình, chới với, li bì, khó đánh thức, run tay chân, vã mồ hôi, đi loạng choạng, yếu chi, da nổi bông.

Một số trường hợp chưa có chỉ định nhập viện nếu phụ huynh muốn nhập viện thì cũng có thể gây ra nhiều nguy cơ khác cho trẻ: Lây nhiễm chéo các bệnh khác trong bệnh viện như sởi, thủy đậu...; nhiễm các vi khuẩn bệnh viện kháng thuốc rất nguy hiểm cho trẻ. Nên điều quan trọng là biết theo dõi sát và đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời dù là vào thời điểm nào, kể cả đêm khuya, đừng chờ tới sáng, vì bệnh viện nào cũng có bác sĩ trực 24/24.

Phạm Văn Quang

  15:48 ngày 22/05/2014

Nghe có nhiều dịch bệnh quá nên tôi muốn đưa hai con (3 tuổi và 7 tuổi) đi tiêm phòng sởi, cúm và viêm não Nhật Bản. Xin hỏi nếu tiêm 3 loại thuốc này 1 lúc có sao không? Tôi muốn tiêm ở viện Pasteur, nhưng nhà tôi ở tận Long An nên đi lại bất tiện, muốn tiêm cho hai cháu một lần luôn cho tiện, có được không bác sĩ?

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng

Anh có thể đưa hai cháu đến Viện Pasteur TP HCM hoặc bất cứ điểm tiêm dịch vụ nào ở Long An hay TP HCM để tiêm cho hai cháu. Tại nơi tiêm, các cháu sẽ được tư vấn kỹ trước khi tiêm.

Ngọc Linh

  15:50 ngày 22/05/2014

Cho dù tuyên truyền nhiều nhưng mỗi năm vẫn có hàng trăm nghìn người bị chó nghi dại cắn và hơn 100 ca tử vong vì bệnh dại mỗi năm. Các chuyên gia nhận định thế nào về vấn đề này?

PGS-TS Trần Đắc Phu

Hiện nay tại Việt Nam rất nhiều gia đình nuôi chó không những để giữ nhà mà còn để làm thực phẩm. Do đó số lượng đàn chó rất lớn song việc quản lý tại các địa phương còn lỏng lẻo như chó đi ra ngoài không có rọ mõm, chó chạy rông ngoài đường cũng rất nhiều… Như vậy cũng đồng nghĩa người bị chó dại cắn cũng rất lớn. Trong khi đó, tỉ lệ tiêm phòng dại cho đàn chó chưa cao vì sự quan tâm của người dân đối với việc này còn hạn chế. Đời sống của con chó ngắn do bị giết thịt nên khi một lứa chó mới lại không được tiêm phòng. Bên cạnh đó cũng do nhận thức của người dân chưa tốt vì không phải tất cả những trường hợp bị chó cắn đều mắc bệnh dại nên chủ quan không đi tiêm phòng. Nhưng khi đã mắc bệnh dại thì 100% là tử vong. Thêm vào đó, vì lý do kinh tế, sự thiếu hiểu biết của người dân nên hàng năm vẫn có hơn 100 người bị chó dại cắn, mắc bệnh dại và tử vong phần lớn ở các tỉnh miền núi, nơi mà điều kiện kinh tế người dân còn khó khăn.

Hiện nay, Bộ Y tế đã chỉ đạo tất cả các huyện có các điểm tiêm phòng dại cho người dân, đồng thời một số tỉnh đã có hỗ trợ kinh phí cho những người nghèo được tiêm. Tuy vậy, cũng còn gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt đối với các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Phạm Thị Vân Anh

  15:50 ngày 22/05/2014

Cho em hỏi có phải chỉ có muỗi cắn thì mới truyền bệnh sốt xuất huyết không? Còn có nguyên nhân nào lây bệnh nữa không?

PGS-TS Nguyễn Văn Kính

Muỗi không cắn mà chỉ đốt người thôi. Cho đến nay, sốt xuất huyết chỉ lây truyền qua muỗi đốt chứ không có con đường nào khác.

Phan Anh Tú

  16:03 ngày 22/05/2014

Đợt này, trẻ từ 18 tháng tới dưới 10 tuổi tại vùng nguy cơ cao sẽ được tiêm bổ sung vắc xin sởi, tới cuối năm lại triển khai tiêm vắc xin sởi- rubella cho trẻ dưới 14 tuổi. Cục Y tế có thể cho tôi hỏi tiêm nhiều như vậy có ảnh hưởng gì đến sức khỏe của trẻ không? Tại sao phải tổ chức tiêm vắc xin sởi liên tục như vậy?

PGS-TS Trần Đắc Phu

Vắc-xin sởi là vắc-xin có hiệu lực bảo vệ cao nếu tiêm đủ 2 mũi vắc-xin sởi thì có thể bảo vệ đến 95% và đây cũng là vắc-xin có độ an toàn cao. Việc triển khai tiêm chiến dịch vắc-xin sởi – Rubella (MR) nhằm bao phủ toàn bộ cộng đồng có miễn dịch với sởi để khống chế dịch và tiến tới loại trừ bệnh sởi. Đồng thời, tiêm vắc-xin MR cũng là để bảo vệ cho người dân không bị mắc bệnh Rubella (đây là bệnh gây ra nhiều dị tật bẩm sinh với thai nhi nếu như khi bà mẹ mang thai mắc bệnh này). Vắc-xin nào cũng có tỉ lệ phản ứng nhất định nhưng vắc-xin MR là vắc-xin có độ an toàn cao. Như vậy, việc tiêm vắc-xin MR trong thời gian tới cho toàn bộ trẻ từ 1-14 tuổi là rất cần thiết và cũng là một trong những khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới đối với các quốc gia muốn loại trừ bệnh sởi.

NGO THI THANH

  18:40 ngày 09/12/2014

Chào bác sĩ! Cho tôi hỏi bé nhà tôi mới 2 tháng tuổi thì phòng tránh bệnh sởi bằng cách nào ạ? Xin cảm ơn.

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng

Trẻ dưới 6 tháng tuổi thường có hệ miễn dịch phát triển chưa hoàn chỉnh nên rất dễ mắc các bệnh truyền nhiễm. Trong thời gian này, cơ thể của trẻ chống lại bệnh truyền nhiễm chủ yếu nhờ vào kháng thể của mẹ truyền sang cho trẻ trong thời kỳ bào thai và qua sửa mẹ. Những trẻ không bú sửa mẹ sẽ không có được nguồn kháng thể quan trọng này, nên cũng dễ mắc bệnh hơn. Nếu bạn đã từng mắc bệnh sởi hoặc đã tiêm ngừa vắc xin sởi trước khi mang thai và trẻ vẫn bú mẹ thì trẻ có khả năng có kháng thể chống lại bệnh sởi.

Tuy nhiên, trong thời điểm hiện nay, khi mầm bệnh sởi đang lưu hành trong cộng đồng, việc phòng bệnh cho trẻ là hết sức cần thiết. Phải hạn chế cho trẻ tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh sởi hoặc người có tiếp xúc với người mắc bệnh sởi. Bạn cần rửa tay sạch trước và sau khi chăm sóc trẻ và cả những người khác cũng cần rửa tay trước khi ẵm, bồng trẻ. Tăng cường việc cho trẻ bú sửa mẹ và thường xuyên giữ ấm cho trẻ.

Thanh Điệp

  18:40 ngày 09/12/2014

Chào bác sĩ! Bé nhà tôi năm nay 4 tuổi rưỡi, từ đầu năm đến nay cháu hay bị viêm amidan phải uống thuốc liên tục. Nhờ bác sĩ tư vấn cách phòng chống. Xin cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến

Trước hết chị nên đến khám chuyên khoa tai mũi họng tại các bệnh viện nhi. Ở đây bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng viêm amidan, có bị tăng kích thước quá phát hay không, các biến chứng liên quan có thể xảy ra như VA, viêm tai giữa cấp... để có chiến lược điều trị thích hợp, kể cả việc xem xét chỉ định cắt amidan. 

Để phòng ngừa, giảm bớt số lần bị viêm amidan, chị nên cho trẻ ăn uống hợp lý, trong đó cung cấp các sinh tố trong thực phẩm như nước cam tươi, táo, nho, đu đủ... để tăng cường sức đề kháng cho trẻ; vệ sinh răng miệng mỗi ngày; tiêm chủng theo lịch cho trẻ.

le thi chung

  18:41 ngày 09/12/2014

Như những người mẹ khác, tôi không dám đưa con đi chích vắc xin tiêm chủng mở rộng vì sợ tai biến sau những sự cố báo chí nêu vừa. Bỏ ra gần cả triệu đồng chích tiêm ngừa thì hơi tốn kém nhưng như thế an toàn hơn, tâm lý sau chích không bị hồi hộp. Vừa rồi có vụ 3 bé đi chích vắc-xin bị chích nhầm thuốc độc. Người dân chúng tôi rất lo lắng, mong có sự hướng dẫn của các bác sĩ dự phòng.

PGS-TS Trần Đắc Phu

Vụ việc việc 3 trẻ tử vong tại Quảng Trị sau tiêm vắc-xin viêm gan B là sự cố hy hữu trong vòng hơn 25 năm qua trong quá trình thực hiện tiêm chủng mở rộng, đồng thời Bộ Y tế đã chấn chỉnh toàn bộ hệ thống tiêm chủng về công tác đảm bảo chất lượng và an toàn tiêm chủng để tránh nguy cơ lặp lại sự cố như trên. Song phải nói rằng thành tựu tiêm chủng rất lớn, rất nhiều bệnh đã được thanh toán như bại liệt đã được thanh toán từ năm 2000, uốn ván sơ sinh được loại trừ năm 2005 và nhiều bệnh khác đã giảm số mắc và tử vong hàng trăm lần. Vắc-xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng là vắc-xin có chất lượng cao. Việc quy định các điểm tiêm chủng dịch vụ và mở rộng đều được thực hiện theo quy định của Bộ Y tế. Vì vậy, tôi cũng khuyên bạn nên đưa con đến các điểm tiêm chủng mở rộng để tiêm chủng các vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng cho con bạn, đối với các vắc xin khác chưa được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, bạn có thể đưa con bạn đến tiêm tại các điểm tiêm dịch vụ.

ho my giang

  18:41 ngày 09/12/2014

Xin bác sĩ y tế dự phòng cho biết người dân làm sao phân biệt vắc-xin tiêm chủng mở rộng miễn phí và vắc-xin chích dịch vụ. Vì tôi đưa con đi chích vắc-xin sởi tại Trung tâm Y tế dự phòng Thủ Đức thì bị thu phí, rồi chỗ này đưa 1 biên nhận là giấy lưu kho.

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng

Theo quy định của ngành y tế, các buổi tiêm chủng thường xuyên (theo chương trình tiêm chủng mở rộng) và tiêm chủng dịch vụ được tổ chức vào các buổi khác nhau.

Đối với tiêm phòng bệnh sởi: Vắc-xin sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng là vắc-xin đơn giá (chỉ có ngừa bệnh sởi) trong khi vắc-xin sởi dịch vụ hiện nay là vắc-xin đa giá (ngừa 3 loại bệnh: Sởi, quai bi, rubella; thường được gọi là vắc xin 3 trong 1). Thứ hai, vắc-xin sởi trong  tiêm chủng mở rộng là vắc-xin đa liều (một lọ có 10 liều, tiêm cho 10 trẻ khác nhau), ngược lại, vắc-xin sởi dịch vụ là đơn liều (mỗi lọ chỉ tiêm cho 1 người).

Do đó, không thể nhầm lẫn giữa 2 loại vắc-xin này, bạn có thể hỏi rõ bác sĩ tư vấn trước khi tiêm. Việc tổ chức tiêm vắc-xin dịch vụ do các đơn vị tự tổ chức thực hiện theo quy định hiện hành. Qua câu hỏi của bạn về thu phí vắc-xin dịch vụ, chúng tôi đã trao đổi với lãnh đạo Trung tâm y tế dự phòng quận Thủ Đức và được trả lời như sau: Trong trường hợp người dân muốn lấy hóa đơn đỏ, trung tâm sẽ cấp hóa đơn đỏ. Nếu không cần hóa đơn đỏ, trung tâm sẽ cấp một phiếu xuất kho theo đúng biểu mẫu của Kho bạc nhà nước quy định, để cuối tháng căn cứ và đó tính thuế cho đơn vị. Việc này trung tâm y tế dự phòng Thủ Đức làm theo quy định của Kho bạc Thủ Đức và Chi cục Thuế Thủ Đức. Trong trường hợp của bạn, bạn nên hỏi tại thời điểm đó để được giải thích rõ ràng, tại chỗ. 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo