xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bệnh "người lớn" lan sang trẻ nhỏ

NGỌC DUNG - ANH THƯ

Lối sống hiện đại đang khiến nhiều trẻ em mắc phải các bệnh chỉ tưởng có ở người trung niên, cao niên, trong đó đáng báo động là bệnh tiểu đường

Bệnh tiểu đường (hay còn gọi là đái tháo đường) ở trẻ em ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Tỉ lệ thừa cân béo, béo phì ở trẻ gia tăng đồng nghĩa với việc nhiều trẻ có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

Bàng hoàng khi con mắc bệnh

Chị Trần Thị Ngọc T. (38 tuổi; ngụ quận 3, TP HCM) bàng hoàng khi bác sĩ (BS) thông báo con trai 12 tuổi của chị bị tiền tiểu đường, căn bệnh mà chị nghe nói người 40 tuổi trở lên mới dễ mắc. "Vô lý một nỗi là cháu nó chẳng mập, chỉ hơi dày người và bị ghiền nước ngọt chút thôi. Nhưng BS cảnh báo là không ăn kiêng, tập luyện thì sớm muộn cũng bị tiểu đường type 2, phải dùng thuốc như bà ngoại cháu" - chị kể.

Không may mắn như chị T., con gái 13 tuổi của chị Mỹ P. (quận Gò Vấp, TP HCM) đang phải đối mặt với bệnh tiểu đường type 2 thật sự, chưa kể tình trạng máu nhiễm mỡ. Ðứng chờ mua thuốc, chị than thở: "Chiều nay còn phải qua một phòng tập ở quận 3 đăng ký cho con bé, BS nói nếu cháu không tập, không cai smartphone thì bệnh sẽ rất trầm trọng. Tôi đã định bắt cháu nó giảm cân lâu rồi, ai dè chưa kịp… Lần đó cháu bị mệt, đưa vào Bệnh viện (BV) Nhi Ðồng 2 (TP HCM) khám, xét nghiệm thì ra kết quả như vậy".

Tại BV Nội tiết trung ương không hiếm những trường hợp trẻ nhỏ tuổi đi khám đã được chẩn đoán mắc tiểu đường type 1 và type 2. Gần đây nhất là bé T.T.K (11 tuổi), đến BV khám trong tình trạng sút cân nhanh. Mẹ bé cho biết trước đó K. chán ăn nhưng gia đình chỉ nghĩ bé gặp vấn đề về tiêu hóa nhưng càng điều trị bé lại càng sút cân nhanh. BS khuyên đưa bé đi khám nội tiết, kết quả khám là K. bị tiểu đường khiến cả nhà đều bất ngờ. Bởi theo mẹ của K., trong quá trình nuôi con, chị rất hạn chế cho con dùng đồ ăn nhanh, uống nước có gaz. Nhưng trong gia đình thì có bố và ông bà nội đều đang điều trị bệnh tiểu đường.

Theo BS Lê Quang Toàn, Trưởng Khoa Ðái tháo đường - BV Nội tiết trung ương, tiểu đường type 1 và type 2 là do tác động của yếu tố di truyền và thói quen sinh hoạt trong đời sống hằng ngày gây nên. Nếu một đứa trẻ sinh ra từ bố và mẹ mắc tiểu đường thì nguy cơ mắc bệnh cao hơn từ 7 - 20 lần so với trẻ sinh ra từ bố hoặc mẹ bình thường.

BS chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc BV Nhi Ðồng Thành phố (TP HCM), cho biết khác với tiểu đường type 1 do bẩm sinh, tiểu đường type 2 là do lối sống, chế độ ăn uống, vận động. Khi trẻ nạp vào quá nhiều năng lượng, đặc biệt là các thức ăn nhiều đường, tuyến tụy phải tiết ra nhiều insulin hơn để chuyển hóa số đường dư thừa này. Qua một thời gian, hệ thống này bị "lờn", insulin tiết ra không còn chất lượng nữa, đi đến rối loạn chuyển hóa đường (tiểu đường). Một số trẻ còn phát triển thêm tình trạng rối loạn chuyển hóa mỡ, mà biểu hiện là cholesterol, triglyceride cao khi đi xét nghiệm (dân gian hay gọi "mỡ trong máu"). "Trẻ không béo phì nhưng ghiền đồ ngọt cũng có thể bị, phổ biến nhất bây giờ là ghiền nước ngọt" - BS Nguyễn Minh Tiến lưu ý thêm.

Bệnh người lớn lan sang trẻ nhỏ - Ảnh 1.

Trẻ em cần có chế độ ăn uống, thời gian vận động, chơi đùa hợp lý để ngăn ngừa tiểu đường type 2. (Ảnh chỉ có tính minh họa). Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Hậu quả không hề nhỏ

Các BS cũng cho biết nhóm trẻ có nguy cơ tiểu đường cao thường là trẻ sinh ra từ bố mẹ mắc tiểu đường, trẻ sinh ra từ mẹ bị tiểu đường thai kỳ hoặc trẻ bị thừa cân, béo phì... Theo TS-BS Cấn Thị Bích Ngọc, Khoa Nội tiết - Chuyển hóa - Di truyền BV Nhi Trung ương, trẻ em thường mắc bệnh tiểu đường type 1 nhiều hơn. Tuy nhiên, hiện nay, do chế độ dinh dưỡng phong phú, tỉ lệ trẻ thừa cân, béo phì ngày càng tăng khiến trẻ bị tiểu đường type 2 đang gia tăng. Tiểu đường type 1 hay type 2 đều phải điều trị và kiểm soát đường máu tốt. Khi kiểm soát đường máu tốt, trẻ có thể phát triển bình thường. Với những trẻ đã mắc bệnh, cha mẹ cần giáo dục cho trẻ ý thức tự bảo vệ bản thân khỏi những tác nhân gây hại như tránh để bị trầy xước, áp dụng chế độ ăn uống và tập luyện hợp lý.

BS Nguyễn Minh Tiến khuyến cáo hiện nay đã có trường hợp trẻ mới 10 tuổi đã bị tiểu đường. Ðiều này rất nguy hiểm, nếu không kiểm soát tốt, bệnh sẽ có nguy cơ nặng hơn khi lớn lên, nguy cơ cao sẽ gặp phải các biến chứng của tiểu đường ở mắt, mạch máu, thần kinh, viêm loét… Ngay khi còn nhỏ, trẻ bị rối loạn chuyển hóa sớm cũng dễ ảnh hưởng đến học tập, cuộc sống do phải uống thuốc thường xuyên, dễ bị bệnh do nhiễm trùng (như nhiễm trùng đường tiểu, viêm phổi…).

BS chuyên khoa II Trần Ngọc Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM), lưu ý thêm tình trạng tiểu đường thai kỳ có thể làm tăng nguy cơ trẻ bị rối loạn chuyển hóa (như tiểu đường) về sau, cùng nhiều nguy cơ khác cho mẹ và bé trong quá trình mang thai, sinh nở. Do vậy, người bị tiểu đường muốn mang thai phải điều trị trước cho ổn; người không bệnh cũng nên chú ý ăn uống, tăng cân hợp lý khi mang thai để phòng ngừa tiểu đường thai kỳ; nếu đã phát hiện tiểu đường thai kỳ thì phải tuân thủ điều trị nghiêm ngặt.

Theo giới chuyên môn, dù tỉ lệ trẻ bị tiểu đường có tăng nhưng nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì sẽ ít để lại biến chứng. 


Dấu hiệu điển hình của tiểu đường type 1 là khát nước, tiểu nhiều vào ban đêm, sút cân, mệt mỏi…; với tiểu đường type 2 thậm chí không hề có triệu chứng, chỉ khi bệnh đã tiến triển mới lộ ra những triệu chứng điển hình".

BS LÊ QUANG TOÀN, Bệnh viện Nội tiết Trung ương

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo