Bộ Y tế vừa triển khai việc đánh giá chất lượng bệnh viện (BV) và khảo sát sự hài lòng của người bệnh cũng như nhân viên y tế. Theo đó, lần đầu tiên, bệnh nhân sẽ cùng “mổ xẻ” BV với 5 tiêu chí: khả năng tiếp cận thông tin khi vào BV; sự minh bạch thông tin, thủ tục khám, điều trị; cơ sở vật chất; thái độ ứng xử, năng lực chuyên môn và kết quả dịch vụ. Nội dung khảo sát là các tiêu chí về sơ đồ, biển báo; quy trình, thủ tục nhập viện; điều kiện phòng bệnh, an ninh BV...
Ba bên cùng “soi”
Bệnh nhân cũng sẽ đánh giá sự quan tâm của bác sĩ, điều dưỡng thông qua một loạt câu hỏi về việc giao tiếp, sự quan tâm, thăm hỏi, động viên tại phòng điều trị và biểu hiện gợi ý bồi dưỡng của nhân viên y tế.
Theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế, việc khảo sát này nằm trong hoạt động kiểm tra, đánh giá chất lượng BV năm 2015 để tìm hiểu nguyện vọng nhằm đáp ứng sự hài lòng của bệnh nhân, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
TS Lương Ngọc Khuê cho biết không chỉ bệnh nhân mà nhân viên y tế cũng “chấm điểm” BV về sự hài lòng của môi trường làm việc, về đồng nghiệp, quy chế tiền lương, phúc lợi, cơ hội học tập... “Các ý kiến của bệnh nhân sẽ giúp ngành y tế khắc phục khó khăn, từng bước cải tiến chất lượng và môi trường làm việc của nhân viên” - ông kỳ vọng.
Ông Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng - chuyên gia phản biện y tế, cho rằng đây là điểm tiến bộ trong các tiêu chí chấm điểm BV. Theo ông, chất lượng BV tốt hay không phải được đo đếm bằng sự hài lòng, thuận tiện, hiệu quả của bệnh nhân khi đi khám chữa bệnh.
“Nếu áp dụng được đánh giá của 3 bên - bệnh nhân, nhân viên y tế và cơ quan quản lý - chắc chắn chất lượng khám chữa bệnh sẽ được cải tiến. Khi được nhìn nhận và có sự quan tâm, ngành y tế và BV sẽ điều chỉnh, cải thiện những vấn đề yếu kém” - ông nhận định.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, để khách quan thì rất có sự giám sát, đánh giá độc lập. “Nếu đoàn đánh giá chỉ toàn là cán bộ ngành y tế, lãnh đạo BV thì có đưa ra kết quả khách quan, dư luận cũng không phục. Do vậy, trong đoàn cần một chuyên gia độc lập ngoài ngành y tế tham gia chấm điểm BV” - ông Tuấn đề xuất.
Điểm cao, viện phí cũng cao?
Trước đó, năm 2013, Bộ Y tế đã chính thức áp dụng Bộ Tiêu chí đánh giá chất lượng BV gồm 83 tiêu chí. Trong đó, quan điểm chủ đạo là “lấy bệnh nhân làm trung tâm của hoạt động chăm sóc, điều trị” tại cơ sở y tế.
Theo ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, bộ tiêu chí đã giúp các BV tự nhìn lại thực trạng, xác định các vấn đề tồn tại, lựa chọn vấn đề cấp bách và những việc cần làm ngay để nâng cao chất lượng. Sau 2 năm áp dụng bộ tiêu chí, nhiều BV đã phần nào cải tiến chất lượng, cung ứng dịch vụ y tế an toàn, hiệu quả, mang lại sự hài lòng cho bệnh nhân, người nhà và nhân viên y tế.
Ông Khoa cho biết dựa trên kết quả kiểm tra chất lượng BV tới đây, Bộ Y tế sẽ công bố phân loại chất lượng của 200 BV tuyến trung ương, tuyến cuối, hạng 1 và tương đương trong quý I/2016.
Đánh giá việc xếp hạng BV là hướng đi đúng nhưng ông Tuấn cho rằng lẽ ra, quy chuẩn chất lượng phải được định hình trước khi xây dựng giá dịch vụ y tế. Có như vậy mới bảo đảm bệnh nhân được hưởng chất lượng dịch vụ tương xứng với số tiền bỏ ra. Để làm được điều này, theo ông Tuấn, cơ quan BHXH cũng cần phải tham gia quy trình chấm điểm BV. BHXH nên có các “chỉ tiêu” BV ở mức chất lượng nào thì quỹ BHYT mới chi trả, mức nào thì trả cao hay thấp... Việc trả viện phí kiểu “cào bằng” theo các hạng BV chưa thực sự bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHYT.
Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Công Hoàng, Phó Giám đốc BV Đa khoa Trung ương Thái Nguyên, nhìn nhận có gắn chất lượng với viện phí thì các BV mới nỗ lực thay đổi. Lúc đó, BV làm tốt sẽ thu hút được bệnh nhân, được BHYT chi trả cao hơn.
Theo bác sĩ Hoàng, bộ tiêu chí “chấm điểm” BV được xem như thước đo sự nỗ lực của các BV nhưng các tiêu chuẩn chưa thực sự công bằng. “Chẳng hạn, cùng là BV hạng 1 nhưng tiêu chuẩn ở trung ương khác ở tỉnh. Dù vậy, khi “đếm” tiêu chí, nếu có đủ thì các BV sẽ được xếp cùng hạng và hưởng viện phí như nhau” - ông so sánh.
Nhiều ý kiến còn cho rằng có không ít tiêu chí “làm khó” BV. Nhiều tiêu chí nếu thực hiện thì BV sẽ phải đập đi xây mới hoặc phải đầu tư kinh phí rất lớn, thậm chí hàng chục năm mới có thể làm được. Chưa kể, việc đánh giá còn liên quan nhiều đến yếu tố con người, rất khó tránh được chuyện “yêu” thì cho điểm cao và ngược lại.
Bệnh nhân vẫn là trung tâm
Bộ Y tế đang xây dựng Bộ Tiêu chí đánh giá chất lượng BV mới, dự kiến áp dụng trong năm 2016. Bộ tiêu chí này sẽ bổ sung 20 tiêu chí mới với nhiều điều khoản nới lỏng, giảm nhẹ cho các BV.
Theo ông Lương Ngọc Khuê, bộ tiêu chí mới vẫn xem “bệnh nhân là trung tâm của hoạt động điều trị và chăm sóc, nhân viên y tế là then chốt”. Đây sẽ là công cụ đánh giá thực trạng chất lượng BV Việt Nam, hỗ trợ BV xác định mình đang ở mức chất lượng nào để tiến hành các hoạt động can thiệp nâng cao chất lượng; định hướng cho các BV xác định vấn đề ưu tiên để cải tiến chất lượng...
Bình luận (0)