Ngày 18-10, Sở Y tế TP HCM, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) khánh thành đơn vị thận nhân tạo tại Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ. Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt đối với những bệnh nhân của huyện này phải chạy thận định kỳ.
Giấc mơ thành sự thật
Là người miền Tây theo chồng về đất Cần Giờ từ nhiều năm qua, bà Nguyễn Thị Th. (45 tuổi) không may mắc bệnh suy thận mạn, buộc phải lọc thận mới duy trì sự sống. Lúc đầu, bà được các bác sĩ hướng dẫn kỹ thuật thẩm phân phúc mạc, có thể lọc thận tại nhà. Sau 4 năm, màng bụng không còn đáp ứng kỹ thuật này nên bà phải lọc thận nhân tạo. Do đường sá cách trở, mỗi lần đến hẹn, bà Th. phải đi nhiều chuyến xe buýt, chờ đợi qua phà mới vào được trung tâm thành phố để chạy thận nhân tạo.
Từ nay, bệnh nhân suy thận ở huyện Cần Giờ, TP HCM sẽ bớt vất vả di chuyển đường xa khi đến kỳ chạy thận nhân tạo
Từ khi chuyển tuyến về Bệnh viện huyện Nhà Bè, dù có phần đỡ vất vả do quãng đường đi gần hơn nhưng bà Th. phải thuê phòng trọ ở cạnh bệnh viện để thuận tiện hơn. Hay tin Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ đã có đơn vị thận nhân tạo, bà Th. rất mừng. "Không như trước, người bệnh ở Cần Giờ như tôi phải đi nhiều bệnh viện để được lọc thận. Giờ thì sáng đi trưa về, vừa đỡ tốn tiền vừa khỏe người" - bà Th. phấn khởi.
Thống kê của Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ cho thấy trong số 41 bệnh nhân suy thận đang chạy thận tại các bệnh viện ở khu vực trung tâm thành phố, hiện đã có 16 người đăng ký về chạy thận tại huyện Cần Giờ, trong đó có 3 bệnh nhân ở xã đảo Thạnh An.
Ông Lê Minh Dũng, Bí thư Huyện ủy Cần Giờ, bày tỏ: "Mừng nhất là từ nay người dân ở Cần Giờ, đặc biệt là bệnh nhân lọc thận nhân tạo được điều trị tại chỗ, bớt khổ khi mỗi lần cần lọc thận định kỳ để duy trì sự sống thay vì phải thuê trọ, bất tiện đi lại như trước đây".
Kỹ sư Võ Đình Hiếu, Trưởng Phòng vật tư - thiết bị y tế Bệnh viện Lê Văn Thịnh, cho biết để sớm có máy chạy thận phục vụ người dân Cần Giờ, từ nhiều tháng trước, bệnh viện đẩy nhanh tiến độ lắp đặt trang thiết bị; các đơn vị, cá nhân cùng nhau đôn đốc thực hiện, làm cả ngày lễ và cuối tuần. "Nếu làm theo đúng trình tự các thủ tục đấu thầu mua sắm có thể mất đến cả năm mới có thể hoàn thành" - ông Hiếu nói.
Theo Sở Y tế TP HCM, đơn vị chạy thận nhân tạo do Bệnh viện Lê Văn Thịnh xung phong thiết lập có đầy đủ thiết bị, hệ thống lọc nước RO; các hệ thống phòng ốc được thiết kế khoa học, đáp ứng tiêu chuẩn chạy thận; không gian khang trang, sạch sẽ, tạo không khí thoải mái cho người bệnh.
BS chuyên khoa II Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh, cho hay trước mắt bệnh viện trang bị 5 máy, trong tuần tới sẽ bố trí thêm 2 máy lọc thận. "Bệnh viện còn luân phiên cử bác sĩ hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật chạy thận với các đồng nghiệp ở Cần Giờ cho đến khi vững về chuyên môn" - BS Khanh thông tin.
Cần thêm sự chung tay, giúp sức
Những năm gần đây, hệ thống y tế huyện Cần Giờ có sự thay đổi song so với các quận, huyện thì vẫn còn nhiều khó khăn do địa hình cách trở, thiếu nhân lực, nhân viên y tế. Hiếm lắm mới có bác sĩ chọn về huyện này để lập nghiệp, bám trụ. Do thiếu nhân lực nên việc đầu tư trang thiết bị y tế cũng hạn chế do thiếu người vận hành.
Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP HCM, trước những khó khăn của người dân huyện Cần Giờ trong tiếp cận các dịch vụ kỹ thuật chăm sóc sức khỏe, nhất là người nghèo mắc bệnh thận mạn cần chạy thận nhân tạo, Sở Y tế đã kêu gọi các bệnh viện trên địa bàn thành phố sẵn sàng luân phiên triển khai kỹ thuật chạy thận tại đây để giúp họ rút ngắn thời gian, kinh phí đi lại.
"Với nỗ lực của tập thể lãnh đạo, cán bộ, viên chức, người lao động, Bệnh viện Lê Văn Thịnh đã sớm triển khai đơn vị vệ tinh thận nhân tạo đến Cần Giờ. Đây là một điểm sáng được ngành y tế TP HCM đánh giá cao" - lãnh đạo ngành y tế thành phố nhấn mạnh.
Dù vậy, BS Trần Văn Khanh cho biết huyện Cần Giờ hiện có hơn 40 bệnh nhân chạy thận nhân tạo, trong khi Bệnh viện Lê Văn Thịnh chỉ trang bị được 7 máy, chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. "Về lâu dài, chúng tôi mong có thêm sự chung tay từ các đơn vị nhằm bảo đảm việc chạy thận cho người bệnh không bị gián đoạn" - BS Khanh bày tỏ.
Lộ trình nâng chất y tế vùng sâu
Sở Y tế đã trình UBND TP HCM đề án "Củng cố và nâng cao năng lực y tế huyện Cần Giờ giai đoạn từ nay đến năm 2025 và những năm tiếp theo" hướng đến mục tiêu tăng cường năng lực và khả năng cung ứng dịch vụ y tế đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho người dân huyện Cần Giờ.
Theo đề án này, Bệnh viện huyện Cần Giờ sẽ được tái thành lập và trực thuộc Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ, triển khai hiệu quả các dịch vụ kỹ thuật đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân huyện Cần Giờ, nhất là các bệnh mạn tính không lây thường gặp; phối hợp các bệnh viện triển khai khám tầm soát chuyên khoa, phát hiện sớm bệnh cho người dân.
Trước đó, Sở Y tế cũng đã triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo và hội chẩn từ xa (telemedicine) tại Trạm Y tế xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ. Trạm y tế này kết nối với các bác sĩ chuyên khoa, nhiều kinh nghiệm của các bệnh viện ở TP HCM, giúp người bệnh đến khám tại trạm y tế được chẩn đoán chính xác, nhanh chóng và được điều trị đúng phác đồ. Đây cũng được xem là khởi đầu cho lộ trình hiện thực hóa một mô hình mẫu mực về chuyển đổi hoạt động của trạm y tế theo hướng tiếp cận cộng đồng thay vì chỉ tiếp cận cá thể...
Bình luận (0)