Một bệnh nhi 26 tháng tuổi, ngụ TP Hà Nội, bị cứng đa khớp bẩm sinh (AMC). Sau thời gian dài điều trị vật lý trị liệu, tình hình không khả quan, gia đình vừa đưa trẻ nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á (TP HCM) để phẫu thuật làm thẳng đùi.
Theo bác sĩ Phan Văn Tiếp, Khoa Chỉnh hình nhi - Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á (TP HCM), cứng đa khớp bẩm sinh là một căn bệnh do dị tật xảy ra từ khi còn là bào thai. Ngoài cơ quan vận động bị tổn thương, dị tật còn xảy ra ở các cơ quan khác.
Trẻ mắc bệnh cứng khớp bẩm sinh rất khó điều trị thành trẻ bình thường nhưng có thể điều trị để thích ứng với sinh hoạt trong gia đình. Đây là một dị tật nặng, cứng khớp biểu hiện ở một hoặc đa khớp với tỉ lệ mắc bệnh rơi vào khoảng 1/5.000 người.
Bệnh nhi mắc chứng cứng đa khớp bẩm sinh hiếm gặp được phẫu thuật làm thẳng đùi. Ảnh: BVCC
Bác sĩ Tiếp cho biết trường hợp trên bị cứng 2 gối và 2 cổ chân, đồng thời trật khớp háng trái, các khớp dính cứng, xơ hóa mất đi chức năng vận động. Bệnh nhi điều trị vật lý trị liệu và nẹp chỉnh hình không hiệu quả dẫn đến khớp gối ngày càng co rút. Vì vậy, người nhà quyết định cho bé nhập viện phẫu thuật làm thẳng chân.
Qua thăm khám, bác sĩ quyết định phẫu thuật chỉnh trục khớp gối với mục đích làm thẳng khớp gối nhằm bỏ qua giai đoạn bó bột tăng dần. Sau khi xương liền, bé cần phải mang nẹp bột thêm vài năm để xương và cơ phát triển đồng đều.
"Sau phẫu thuật, hy vọng cháu sẽ phục hồi được một phần, cải thiện chức năng đi đứng" - bác sĩ Tiếp nói.
Bác sĩ Tiếp cho hay về nguyên tắc, bệnh này sẽ điều trị bằng cách sử dụng phương pháp không xâm lấm, bao gồm vật lý trị liệu kết hợp nẹp hoặc bột chỉnh hình. Tập vật lý trị liệu chống co rút cơ kết hợp với nẹp hoặc bó bột đùi bàn chân và thay thường xuyên để tăng độ duỗi mỗi tuần.
Đến khi gối đạt được độ thẳng hoàn toàn thì mang nẹp vào ban đêm vài năm, vì xương sẽ tăng trưởng phát triển chiều dài trong khi hệ thống gân cơ không theo kịp sự phát triển của xương gây co rút khớp gối.
Tuy nhiên, với những trường hợp tập vật lý không hiệu quả hoặc tình trạng khớp biến dạng nhiều, bác sĩ sẽ có những phương pháp phẫu thuật phù hợp để phục hồi và cải thiện chức năng vận động, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, đời sống của trẻ.
Ca bệnh hiếm bác sĩ 20 năm hành nghề mới gặp
Sáng 25-8, Bệnh viện Gia An 115 (TP HCM) cho hay vừa mổ cấp cứu thành công ca bệnh bị áp-xe lách khổng lồ hiếm gặp. Bệnh nhân là ông N.T (76 tuổi, ngụ Phú Yên), nhập viện cấp cứu trong tình trạng đau bụng hông lưng (bên trái), nôn ói, sốt lạnh run.
Trước đó một tuần, ông T. bị đau bụng hạ sườn trái kèm sốt. Ông được điều trị 1 tuần tại bệnh viện địa phương, theo dõi xơ gan và tăng hồng cầu mạn, sau đó chuyển vào TP HCM.
Bị áp-xe lách rất dễ tử vong nếu không xử lý kịp
Tại Bệnh viện Gia An 115, kết quả cận lâm sàng cho thấy khối áp-xe kích thước 6x10cm đã vỡ mủ, lan ra giữa lách và thành bụng bên trái, lan vào phía trước rãnh đại tràng trái sau đại tràng xuống, gây thâm nhiễm mỡ cạnh sau ngoài đại tràng trái, gây xẹp thụ động thùy dưới phổi trái và tụ dịch phản ứng màng phổi trái. Đây là tình trạng rất nghiêm trọng, hơn nữa người bệnh đã cao tuổi, có nhiều bệnh lý nền như xơ gan, sỏi thận, đặc biệt là bệnh nhân bị đái tháo đường tuýp 2 mới phát hiện nên nguy cơ tử vong rất cao.
Sau khi được hồi sức, kháng sinh điều trị toàn thân, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật và sau 2 giờ đã cắt được khối áp-xe khổng lồ cho bệnh nhân.
Bệnh nhân được cứu sống kịp
Theo BS Nguyễn Thế Toàn, Trưởng khoa Ngoại - Bệnh viện Gia An 115, áp-xe lách có tỉ lệ tử vong 100% nếu không được điều trị. Nếu điều trị hiệu quả thì tỉ lệ tử vong cũng vẫn còn 47% và tỉ lệ này càng tăng lên khi bệnh nhân càng lớn tuổi và mắc các bệnh lý mạn tính (đặc biệt nguy hiểm với người bệnh đái tháo đường). Tuy nhiên, bệnh lại ít được chú ý do rất hiếm gặp. Trên thế giới đến nay mới có khoảng 600 ca bệnh được báo cáo.
"Hơn 20 năm làm ngành y, đã phẫu thuật cho cả ngàn ca bệnh nhưng đến nay tôi mới chỉ tiếp nhận 7 ca áp-xe lách. Bệnh nhân nói trên là trường hợp mới nhất, nguy cơ có thể tử vong nhưng rất may mắn được cứu thành công" - bác sĩ Toàn nhấn mạnh.
Ng.Thạnh
Bình luận (0)