Cảnh báo này vừa được nhóm nghiên cứu của tỉnh Bình Định công bố tại hội nghị khoa học diễn ra ở TP HCM mới đây.
Nghề khai thác đá khiến nhiều công nhân có nguy cơ mắc bệnh xơ hóa phổi
Đề tài "Tình hình bụi phổi silic ở công nhân (CN) tại một số cơ sở khai thác, chế biến và sản xuất vật liệu xây dựng tỉnh Bình Định" - do hai hai tác giả Trình Công Tuấn, Nguyễn Đức Trọng (Trung tâm Y tế Dự phòng Bình Định) thực hiện - đã gióng lên hồi chuông báo động về sức khỏe của CN trong lĩnh vực này. Do phải hít và tích tụ bụi silic trong phế nang, bệnh xơ hóa phổi lan tỏa tiến triển không phục hồi theo cơ chế tạo hạt silico.
Nghiên cứu khảo sát trên gần 250 CN tại 2 cơ sở sản xuất đá xây dựng, gạch men trên địa bàn Bình Định gần đây (chủ yếu tuổi từ 41-50, 64% là nam, 44,5% người có tuổi nghề từ 11-20 năm).
Kết quả cho thấy 44,5% CN bị mắc bệnh bụi phổi silic, nam mắc nhiều hơn nữ và tuổi nghề càng cao thì tỉ lệ mắc càng cao. Ngoài ra, hàm lượng silic tự do trong môi trường lao động dao động từ 24,1%-33,9%. Nồng độ bụi toàn phần và bụi hô hấp ở hầu hết các điểm đo đều vượt tiêu chẩn cho phép…
Bình Định là tỉnh phát triển mạnh về khai thác, chế biến đá granite và sản xuất vật liệu xây dựng. Thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng Bình Định cho thấy hiện trên địa bàn tỉnh này có hơn 5.000 CN làm việc thường xuyên tiếp xúc với bụi silic tự do.
"Tăng cường tuyên truyền cho CN về bệnh bụi phổi silic và cách phòng tránh; trang bị cho họ phương tiện bảo hộ lao động, cải thiện tình trạng ô nhiễm trong môi trường lao động; ổ chức khám, phát hiện sớm và điều trị kịp thời bệnh bụi phổi silic cho CN khai thác, chế biến đá và sản xuất vật liệu xây dựng là rất cần thiết hiện nay" - nhóm tác giả khuyến nghị.
Bình luận (0)