Bệnh nhân mới nhất là anh Nguyễn Thanh T. (38 tuổi, ngụ tỉnh Long An). Trước đó 6 năm, anh T. bị máy ép công nghiệp dập trúng cánh tay phải, mất bốn ngón tay, chỉ còn ngón cái. Các tổn thương sau đó cũng lành nhưng kể từ đó, anh gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Với mong ước tìm lại chức năng tối thiểu là cầm nắm được một số đồ vật thông thường, anh đã tìm đến Bệnh viện Nhân dân 115. Tại đây, sau 8 giờ phẫu thuật (vi phẫu), các bác sĩ đã lấy ngón số 2 (chân trái) đưa lên làm ngón tay trỏ (tay phải); ghép 2 động mạch, 4 tĩnh mạch và ca ghép thành công. Hiện sức khỏe anh T. tiến triển khá tốt, tại vị trí ghép nối đã bắt đầu xuất hiện những cảm giác nhất định. Dự kiến, khoảng 2 - 3 tháng sau chuyển ngón, anh T. bắt đầu tập vật lý trị liệu, chức năng cầm nắm sẽ trở lại bình thường.
Bàn tay khiếm khuyết của cô gái trước phẫu thuật
Trường hợp thứ 2 cũng được chuyển ngón là nữ sinh viên Lê Thị L. (27 tuổi, ngụ tỉnh Quảng Ninh), bị máy ép nhựa làm dập nát bàn tay trái, đứt lìa 2 ngón trỏ và giữa. Cách đây 3 năm, cô gái vừa học vừa làm công nhân đang nuôi đứa em đi học thì bị tai nạn thương tâm. Ra trường, với khiếm khuyết dị tật bàn tay, cô không xin được việc và không ít lần đã khóc vì mặc cảm tự ti. Tại BV Nhân Dân 115, sau 12 giờ vi phẫu liên tục, cuộc mổ thành công. Các bác sĩ đã phẫu thuật lấy 2 ngón chân số 2 và 3 chuyển lên ghép, tạo ra bàn tay với đủ 5 ngón cho cô gái. Ngón chân bệnh nhân hiện sống tốt trên bàn tay và sẽ sớm bắt đầu vai trò mới.
Bác sĩ Nguyễn Cao Viễn, Khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Nhân dân 115 (người mổ chính), cho biết trong hai trường hợp thì cô gái bị nặng hơn. Bàn tay cô gái đã mất hết chức năng, hệ thống gân duỗi, gân gập, thần kinh đã hỏng nên các ngón cứng, liệt không cử động bình thường được. Ngoài ghép động mạch, tĩnh mạch, kết hợp xương, thần kinh cảm giác, phải lấy hết đoạn gân 20 cm ở chân ghép vào tay. "Thông thường mỗi ca phẫu thuật mất khoảng 6-8 giờ nhưng ở trường hợp này, thời gian kéo dài gần gấp đôi. Sau khi lấy ngón chân, chức năng đi đứng của các bệnh nhân cũng không bị ảnh hưởng gì"-BS Viễn thông tin.
Ngón chân ghép vào bàn tay sẽ bắt đầu vai trò mới.
Theo TS-BS Nguyễn Đình Phú, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115, kỹ thuật thực hiện ghép nối ngón chân thành ngón tay được bệnh viện triển khai vài năm gần đây với tỉ lệ thành công cho nhiều trường hợp. Đây là kỹ thuật khá phức tạp, thực hiện dưới kính hiển vi, đòi hỏi tay nghề, sự đam mê và cần mẫn của bác sĩ. Tại Việt Nam, tỉ lệ thương tật mất ngón tay, bàn tay do tai nạn lao động, sinh hoạt khá nhiều. Kỹ thuật này mở thêm hy vọng cải thiện chức năng tối thiểu cho nhiều người trẻ chẳng may gặprủi ro. Được biết ở nước ngoài, chi phí cho mỗi ca cắt ghép như thế này là khoảng 150.000 đô la nhưng ở nước ta, nhờ được BHYT thanh toán nên phần còn lại người bệnh chỉ trả là khoảng 10 triệu đồng.
Bình luận (0)