Báo cáo tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 sáng 29-8, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, cho biết từ 19-7 đến nay, tại 23 địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg đã ghi nhận 343.686 ca mắc.
Trong giai đoạn tăng cường thực hiện giãn cách xã hội từ 22-8 đến 28-8 tại 23 địa phương đã ghi nhận 78.147 ca mắc. Số mắc mới trong cộng đồng theo ngày có xu hướng gia tăng do các địa phương hiện nay đang tăng cường xét nghiệm diện rộng .
Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp
So với tuần trước đó, có 13/23 địa phương có số mắc mới tăng, trong đó Bình Dương tăng 1,5 lần với 14.689 ca và gấp 2 lần số mắc tăng của 12 tỉnh còn lại cộng lại. 10 địa phương ghi nhận số mắc giảm so với tuần trước đó là Long An, Đồng Tháp, Khánh Hòa, Tây Ninh, Cần Thơ, Phú Yên, Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng.
Nhận định chung về tình dịch bệnh, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. TP HCM, Bình Dương có số ca mắc mới vẫn ở mức cao (với khoảng 50% ghi nhận tại cộng đồng) và có xu hướng gia tăng do đang tăng cường thực hiện xét nghiệm trên diện rộng.
Tại Long An, Tiền Giang, số ca mắc tại cộng đồng đã có xu hướng giảm nhưng vẫn đang ở mức cao (chiếm khoảng 30-50%). Các tỉnh còn lại tại khu vực miền Nam, tình hình dịch đang từng bước được kiểm soát; số ca mắc được phát hiện qua sàng lọc tại cộng đồng (khoảng 7-15%) có xu hướng giảm dần.
Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết Bộ Y tế đã huy động tổng lực ngành y tế cho TP HCM và các tỉnh, thành phố phía Nam. Nhân lực y tế đã huy động trên 16.000 y, bác sĩ và cán bộ y tế hỗ trợ cho khu vực phía Nam.
Bộ Y tế đã điều động số lượng lớn các trang thiết bị, máy thở, vật tư thuốc men cho các địa phương này; thiết lập và vận hành hiệu quả 11 trung tâm hồi sức bệnh nhân nặng tại khu vực phía Nam, riêng TP HCM đã có 6 trung tâm với lượng lớn số giường cấp cứu và đã có những kết quả tích cực trong việc giảm tử vong.
Các tỉnh như Hậu Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Bình Phước, Sóc Trăng, Bến Tre có số ca mắc tại cộng đồng thấp, trung bình dưới 20 ca/ngày, đa số rõ nguồn lây. Tại Hà Nội và các tỉnh miền Trung như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Yên, dịch bệnh cơ bản vẫn đang trong tầm kiểm soát do thực hiện quyết liệt các biện pháp kiểm soát dịch bệnh và thực hiện giãn cách xã hội sớm, kịp thời. Tuy nhiên, nguy cơ bùng phát dịch bệnh vẫn luôn tiềm ẩn nên vẫn có thể ghi nhận thêm các ổ dịch mới.
Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết tại TP HCM, xu hướng tử vong tăng nhanh trong tuần từ giữa tháng 7 và cao nhất vào tuần thứ 2 và thứ 3 tháng 8-2021. Xu hướng này giống nhau giữa các tầng điều trị và hiện đang có xu hướng giảm do hiệu quả bước đầu triển khai tích cực các biện pháp như: Triển khai gói điều trị F0 tại nhà, trạm y tế lưu động (411 trạm y tế tại TP HCM); hỗ trợ, hội chẩn, chỉ đạo chuyên môn từ Trung tâm hồi sức tầng 3 xuống các bệnh viện quận/huyện và bệnh viện dã chiến; vận hành các trung tâm hồi sức (tầng 3).
Các giải pháp đã có hiệu quả giảm số ca tử vong; mặc dù số ca phát hiện vẫn khá lớn, cao hơn trung bình những ngày trước khi triển khai xét nghiệm diện rộng.
Điều trị bệnh nhân Covid-19 tại TP HCM
Trước đó, chiều 28-8, tại hội nghị tập huấn trực tuyến tăng cường hiệu quả công tác tổ chức quản lý thu dung điều trị để giảm tỉ lệ diễn biến nặng, nguy kịch và tử vong do Covid-19, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết qua phân tích 53.608 ca F0 cho thấy tỉ lệ bệnh nhân không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ vẫn chiếm gần 80%.
Tuy nhiên, tại một số tỉnh thành phía Nam có số ca mắc tăng cao, khiến hệ thống y tế quá tải và ghi nhận nhiều trường hợp tử vong. Đến nay, nước ta ghi nhận hơn 10.000 bệnh nhân Covid-19 tử vong, trong đó, số ca tử vong tại TP HCM chiếm 80,7%. Những ngày qua, số ca tử vong ở TP HCM đang có xu hướng giảm.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết đến nay dịch Covid-19 đã ghi nhận tại 62 tỉnh thành ở nước ta, trong đó 40 tỉnh thành có bệnh nhân tử vong. "Số ca mắc vẫn đang tăng, bệnh nhân nặng nguy kịch và số ca tử vong vẫn đang là thách thức đối với ngành y tế. Rất nhiều biện pháp đã được áp dụng trong thời gian vừa qua. Trong quá trình điều trị cho bệnh nhân, chúng ta chưa bao giờ khẳng định các biện pháp sẽ luôn luôn đúng, chúng ta phải có những thay đổi, đặc biệt là những hướng dẫn, khuyến cáo chuyên môn, các bằng chứng khoa phải được cập nhật để có những thay đổi cho phù hợp với tình hình diễn biến của dịch”- Thứ trưởng Sơn nói.
Hơn 19,2 triệu liều vắc-xin Covid-19 đã tiêm
Bộ Y tế cho biết tính đến ngày 28-8, cả nước đã tiêm được 19.223.460 liều vắc-xin Covid-19. Hiện 19 tỉnh phía Nam, đã cấp 12.306.010 liều vắc-xin Covid, trong đó đã triển khai tiêm chủng được 10.551.088 liều vắc-xin (đạt 85.7%), gồm có 9.900.585 liều mũi 1 và 650.503 liều mũi 2.
Riêng TP HCM đã triển khai tiêm chủng được 5.786.586 liều vắc-xin (đạt 81.6%), trong đó có 5.598.834 liều mũi 1 và 187.752 liều mũi 2.
Các địa phương khác đang triển khai tiếp nhận 810.150 liều vắc-xin vừa được phân bổ.
Bình luận (0)