Tối ưu hóa quản lý các bệnh không lây nhiễm, kết hợp giữa điều trị và tư vấn cho bệnh nhân là nội dung cuộc tọa đàm diễn ra ngày 15-6, tại Hà Nội. Cuộc tọa đàm do Bộ Y tế và Đại sứ quán Pháp phối hợp tổ chức.
Chương trình Hợp tác y khoa Pháp - Việt lần thứ 23 là sinh hoạt y khoa lớn nhằm chia sẻ thông tin, nâng cao kiến thức cho các thầy thuốc Việt Nam và cũng là dịp để các giáo sư, bác sĩ đầu ngành hai nước Việt Nam và Pháp gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, cập nhật các kiến thức mới trong phòng bệnh, chẩn đoán và điều trị các bệnh không lây nhiễm.
Tại buổi toạ đàm, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có bài phát biểu bằng tiếng Pháp về tình hình y tế Việt Nam và toạ đàm với các chuyên gia người Pháp về quản lý các bệnh không lây nhiễm. Bộ trưởng Bộ Y tế và Đại sứ Pháp tại Việt Nam cùng khẳng định về sự hợp tác lâu dài, gắn bó giữa hai quốc gia về y tế. Trong đó có dự án "Ngày đầu tiên" được triển khai 3 năm nay nhằm hiện thực hóa mục tiêu 95% trạm y tế xã, phường thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm trước năm 2025. Dự án này đã tiết kiệm tiền túi cho người dân và quỹ bảo hiểm xã hội 3,5 triệu USD.
Đặc biệt, trong năm 2019 và 2020, Pháp cũng dành cho Việt Nam khoản đầu tư chưa từng có đó là mở rộng thêm 200 góc tư vấn trên toàn quốc, tích hợp vào quy trình chăm sóc bệnh nhân, giúp giảm biến chứng của các bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, từ đó góp phần giảm đáng kể chi phí điều trị.
Người đứng đầu ngành y tế cho biết Việt Nam đang phải đối mặt với mô hình bệnh tật kép: bệnh lây nhiễm và bệnh không lây nhiễm trong đó bệnh không lây nhiễm chiếm khoảng 70% gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong, chiếm tới 77% tổng số tử vong toàn quốc.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã phát biểu bằng tiếng Pháp về tình hình y tế Việt Nam
Tại Việt Nam, theo kết quả nghiên cứu quốc gia mới nhất của Bộ Y tế, tỉ lệ người mắc bệnh tăng huyết áp chưa được chẩn đoán là 56%, tỉ lệ này ở bệnh đái tháo đường lên đến lên đến gần 70%; cùng đó tỉ lệ tăng huyết áp chưa được quản lý là 86%, tỉ lệ này ở bệnh đái tháo đường là 71%.
Bình luận (0)