Người dân các tỉnh Tây Nguyên đã được thụ hưởng dịch vụ y tế tốt hơn
Sáng 11-1, tại tỉnh Lâm Đồng, Bộ Y tế tổ chức hội nghị đánh giá tiến độ thực hiện "Chăm sóc sức khỏe nhân dân các tỉnh Tây Nguyên, giai đoạn 2".
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, dự án nhằm hỗ trợ phát triển hệ thống y tế 5 tỉnh Tây Nguyên (Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng), đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân các tỉnh thuộc dự án, đặc biệt là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và đối tượng thiệt thòi khác.
Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết những năm gần đây, Bộ Y tế và các địa phương vùng Tây Nguyên đã triển khai thực hiện nhiều chính sách củng cố và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế, hệ thống y tế cơ sở của vùng đã có những bước phát triển mới đáp ứng ngày càng tốt hơn công tác khám chữa bệnh cho nhân dân các dân tộc trên địa bàn Tây Nguyên.
"Chúng ta cứ nói dự phòng bệnh là vệ sinh môi trường, xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn nhưng tôi cho rằng dự phòng bệnh chính là người dân được chăm sóc sức khoẻ ban đầu, sàng lọc phát hiện bệnh sớm. Tôi không dám mơ ước như các nước phát triển, người dân được kiểm soát tiểu đường, tim mạch, ung thư hay bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính nhưng tôi mong muốn người dân được theo dõi huyết áp, tiểu đường ngay ở tuyến cơ sở. Nhiều người dân vẫn chưa quan tâm đến chăm sóc sức khoẻ ban đầu như dự phòng, nâng cao sức khoẻ bằng lối sống lành mạnh, tăng cường vận động, sống tích cực và năng động nên thường đến bệnh viện khi bệnh đã tiến triển xa và nặng. Ngay cả đối với cán bộ, công chức, nhiều người khi khám sức khoẻ mới phát hiện mắc bệnh mạch vành, tim mạch, huyết áp"- Bộ trưởng Bộ Y tế nói.
Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng người dân chưa quan tâm đến khám sức khoẻ ban đầu
Tại Việt Nam, số ca tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm tới 73% tổng số các ca tử vong. Do đó, phải tăng cường hệ thống giám sát, phòng chống bệnh không lây nhiễm tại các tuyến cơ sở. Triển khai hoạt động dự phòng, phát hiện, quản lý và điều trị các bệnh không lây nhiễm khác tại cộng đồng, đặc biệt là trạm y tế xã để tăng tỉ lệ phát hiện sớm và giảm khoảng trống điều trị bệnh.
Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng công tác truyền thông phải làm thế nào để người dân được dự phòng, nâng cao sức khoẻ cụ thể là được hướng dẫn cai nghiện thuốc lá/rượu bia, tư vấn chế độ dinh dưỡng giảm mặn, quản lý bệnh mạn tính bằng việc theo dõi, cấp thuốc điều trị, chăm sóc giảm nhẹ ung thư, chăm sóc sức khoẻ bà mẹ - trẻ em, dược và y dược học cổ truyền.
Dự án "Chăm sóc sức khỏe nhân dân các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2" từ nguồn vay vốn Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) với mục tiêu hỗ trợ phát triển hệ thống y tế 5 tỉnh Tây Nguyên. Tổng vốn của dự án từ nguồn ODA của ADB là 70 triệu USD, tương đương 1.457,96 tỉ đồng, cùng với vốn đối ứng của Trung ương và địa phương là 137,5 tỉ đồng. Qua hơn 4 năm thực hiện (từ tháng 6-2014), tất cả các hoạt động gồm: Mua sắm xe cứu thương, thiết bị y tế, thiết bị văn phòng, tuyển chọn tư vấn, xây dựng cơ bản, đào tạo nguồn nhân lực, truyền thông… đã được triển khai thực hiện đồng bộ ở cả tuyến Trung ương và địa phương.
Cùng đó, dự án đầu tư xây dựng và nâng cấp sửa chữa 83 công trình với tổng kinh phí 21,439 triệu USD. Hỗ trợ đào tạo cả dài hạn (chuyên khoa I và chuyên khoa II, bác sĩ liên thông) và ngắn hạn về chuyên môn, năng lực quản lý cho cả tuyến huyện, tuyến xã. Hoạt động truyền thông và phát triển cộng đồng của dự án được tiến hành nhằm tăng cường hoạt động tại cộng đồng, thay đổi hành vi của cộng đồng tại vùng sâu, vùng xa về phòng chống bệnh, tiếp cận, sử dụng hiệu quả dịch vụ y tế cũng như lợi ích của bảo hiểm y tế.
Bệnh nhân được theo dõi huyết áp, đái tháo đường ngay tại địa phương
Ông Hà Văn Thuý, Giám đốc dự án chăm sóc sức khoẻ nhân dân các tỉnh Tây Nguyên, Bộ Y tế, cho biết cùng với hạ tầng y tế được xây mới và nâng cấp, kèm theo nhiều trang thiết bị được đầu tư đồng bộ cho các tuyến y tế của 5 tỉnh Tây Nguyên, dự án cũng triển khai đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho hàng ngàn y, bác sĩ, dược sĩ tuyến cơ sở. Việc này giúp nâng cao năng lực khám chữa bệnh, hạn chế bệnh nhân chuyển tuyến và quan trọng thu hút được nhiều y, bác sĩ có trình độ về làm việc tại Tây Nguyên. Trong 3 năm qua, 83 công trình y tế đã được nâng cấp, xây mới nhằm nâng cao hạ tầng y tế Tây Nguyên.
Cùng đó, dự án đã triển khai cung cấp các gói dịch vụ y tế thích hợp tại cộng đồng đến năm 2018 tại 40% số xã, thực hiện nhiều chiến dịch truyền thông cộng đồng tại 11 huyện nghèo, thực hiện hoạt động giáo dục và truyền thông nhóm nhỏ tại 108 xã nghèo. Đến nay, đã thay đổi nhận thức của đông đảo người dân ở các tỉnh Tây Nguyên trong việc chăm sóc sức khoẻ. Tỉ lệ người dân chủ động thăm khám chữa bệnh và theo dõi các bệnh mãn tính tại y tế cơ sở đã tăng hơn nhiều so với trước đó.
Tại đây, Bộ trưởng Bộ Y tế đã đánh giá cao Khoa khám bệnh của TTYT Đơn Dương đã có nhiều thay đổi, khang trang đẹp đẽ, có hướng dẫn người bệnh/người nhà bệnh nhân khi đến thăm khám, chuẩn bị các điều kiện tránh rét cho bệnh nhân như chăn ấm ngay tại bộ phận chờ khám cấp cứu để phục vụ bệnh nhân. Về những đề xuất của ngành y tế huyện Đơn Dương, Bộ trưởng đã yêu cầu các vụ/ cục chức năng của Bộ Y tế sớm làm việc với các đơn vị liên quan để tìm cách tháo gỡ.
Bình luận (0)