Nhiều bệnh nhân là người nước ngoài đã khám chữa bệnh ở Việt Nam - Ảnh: Nguyễn Hương
Chia sẻ với báo giới chiều 9-1, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết thành tựu y tế những năm qua rất đáng tự hào, nhiều cơ sở y tế Việt Nam đã làm chủ các kỹ thuật cao.
Những năm qua, nhiều người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam và Việt kiều đã đến Việt Nam khám chữa bệnh. Ước tính con số này vào khoảng 300.000 người, trong đó có hơn 50.000 người điều trị nội trú. Bệnh nhân người nước ngoài thường lựa chọn các dịch vụ như: Can thiệp tim mạch, nha khoa, ngoại khoa, ung thư và thẩm mỹ.
Lý do bệnh nhân người nước ngoài lựa chọn dịch vụ y tế ở Việt Nam là do chất lượng ngày càng nâng cao, bác sĩ tay nghề giỏi, ứng dụng kỹ thuật cao đáp ứng nhu cầu điều trị và chi phí thấp hơn nhiều. Bên cạnh đó, nhiều người dân có điều kiện cũng đã ở lại Việt Nam khám chữa bệnh thay vì đi nước ngoài như những năm trước.
"Mới đây, bộ trưởng Bộ Công Thương có chia sẻ với tôi rằng bản thân ông rất bất ngờ khi cuộc gây mê và đặt stent mạch vành cho ông chỉ diễn ra trong thời gian rất ngắn đến mức vị bộ trưởng này bày tỏ sự kính nể với nền y học Việt Nam. Hay trường hợp một bệnh nhân T. từng được ghép gan ở Bệnh viện Việt Đức dù rất có điều kiện về kinh tế nhưng đã lựa chọn Việt Nam để chữa bệnh. Ca ghép thành công, đến thời điểm này đã gần 10 năm ông vẫn sống mạnh khoẻ" - Bộ trưởng Bộ Y tế nói.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng chia sẻ mong muốn những người bệnh có tiền không phải ra nước ngoài khám chữa bệnh nữa. Hiện, Bộ Y tế đang xây dựng các cơ sở khám chữa bệnh hiện đại theo thiết kế nước ngoài như Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2, thậm chí mời chuyên gia nước ngoài theo yêu cầu của người bệnh. Đồng thời tập trung cho chăm sóc sức khỏe toàn dân, theo mô hình kéo ngược người nước ngoài về Việt Nam điều trị. Bệnh viện tuyến trung khi với việc giải quyết những bệnh nhân nhẹ, tăng cường kỹ thuật cao, tăng cường dịch vụ theo yêu cầu để "kéo" những người có điều kiện về Việt Nam khám chữa bệnh, tránh tình trạng chảy máu chất xám. Việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh sẽ được thực hiện toàn diện để kéo những bệnh nhân ở tuyến Trung ương có thể về tuyến tỉnh, bệnh nhân tuyến tỉnh về tuyến huyện thay vì phải đổ dồn lên tuyến trên hoặc phải ra nước ngoài trị bệnh.
Bộ Y tế đang triển khai việc tăng cường nhân lực tuyến tỉnh và Trung ương luân phiên về trạm y tế xã hội khám chữa bệnh để người dân được tiếp cận chất lượng y tế tốt hơn.
Bộ trưởng Bộ Y tế thăm hỏi người nhà bệnh nhân được ghép phổi thành công - Ảnh: Diệu Ngọc
Đề cập đến vấn đề chất lượng khám chữa bệnh, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ, với nỗ lực của toàn ngành, lĩnh vực này đã được cải thiện rõ rệt, hiện nay một số bệnh viện tuyến tỉnh đã tiến hành phẫu thuật nội soi, thụ tinh ống nghiệm, ghép tạng thành công... Đặc biệt, trong lĩnh vực ghép tạng, lần đầu tiên ngành ghép tạng Việt Nam đã làm nên kỳ tích thực hiện lấy đồng thời 6 tạng để ghép từ cùng một người cho đa tạng chết não và đã tiến hành ghép 5 tạng cùng một thời điểm cho 4 bệnh nhân và kết hợp điều phối "xuyên Việt" 1 thận cho bệnh nhi ở TP HCM. Hiện tất cả 6 tạng ghép đều tiến triển thuận lợi.
Tuy nhiên, vấn đề khó khăn nhất hiện nay vẫn là thiếu nguồn tạng ghép. Vì thế, Bộ trưởng Bộ Y tế hy vọng thời gian tới sẽ có nhiều người hưởng ứng và tham gia đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não để giúp cứu chữa những bệnh nhân suy mô, tạng đang mỏi mòn chờ được trao tặng sự sống. "Bản thân tôi đã đăng ký hiến tặng tất cả các mô, tạng sau khi chết, chết não. Là thầy thuốc, chúng tôi hiểu rằng không có phép mầu y học nào có thể giúp cho những bệnh nhân này có thể tiếp tục sống khỏe mạnh, để tiếp tục làm việc, cống hiến nếu không có nguồn tạng cho từ những người hiến tặng"- Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến trăn trở.
Trước đó, ngày 8-1, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã gửi thư xin lỗi về vụ việc Văn phòng Bộ Công Thương dùng xe của bộ vào đón người trong gia đình của ông ở khu vực sân bay Nội Bài ngày 4-1. Ông giải thích về lý do chậm lên tiếng là bởi ông đang phải nằm điều trị tích cực tại Khoa Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai, theo yêu cầu của Ban Bảo vệ sức khỏe Trung ương.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động tối ngày 8-1, một nguồn tin từ Bệnh viện Bạch Mai (TP Hà Nội) cho biết ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương, hiện đang được điều trị tại bệnh viện này. Sáng ngày 5-1, ông Trần Tuấn Anh được Ban Bảo vệ sức khỏe Trung ương đưa tới Viện Tim mạch quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai, để điều trị bệnh. Các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai thực hiện điều trị bệnh cho ông Trần Tuấn Anh ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân cuối giờ sáng ngày 5-1. Việc điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai là theo kế hoạch, không phải vào trong tình trạng cấp cứu, sức khỏe hiện tiến triển tốt.
Bình luận (0)