Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định số 1966/QĐ-BYT về hướng dẫn chẩn đoán và điều trị hội chứng giảm tiểu cầu, huyết khối sau khi tiêm vắc-xin Covid-19. Theo đó, thuyên tắc huyết khối kèm theo giảm tiểu cầu sau khi tiêm vắc-xin Covid-19 của AstraZeneca và Johnson & Johnson đã được ghi nhận trong các báo cáo của các cơ quan quản lý dược và tổ chức giám sát an toàn vắc-xin tại nhiều quốc gia.
Tiêm vắc-xin Covid-19 cho nhân viên y tế - Ảnh: Minh Anh
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã yêu cầu cảnh giác, theo dõi, phát hiện sớm và xử trí kịp thời những biến cố hiếm gặp ở người sau tiêm vắc-xin Covid-19 nghi ngờ giảm tiểu cầu huyết khối miễn dịch, đông máu rải rác trong lòng mạch, huyết khối tĩnh mạch não.
Tỉ lệ huyết khối sau tiêm vắc-xin AstraZeneca là 4,6/1 triệu liều tiêm thứ nhất, vắc-xin Pfizer-BioNTech Covid-19 là 0,2/1 triệu liều tiêm thứ nhất. Huyết khối sau tiêm vắc-xin AstraZeneca chủ yếu gặp ở nữ, tại Đức có 29/31 bệnh nhân huyết khối là nữ.
Tỉ lệ đông máu sau tiêm vắc-xin AstraZeneca ở người trẻ cao hơn so với người lớn tuổi, đặc biệt lứa tuổi 20-29 tuổi. Sau tiêm vắc-xin AstraZeneca, hiện tượng đông máu dường như ít xảy ra ở người trên 60 tuổi, chỉ khoảng 0,2/1 triệu liều tiêm đầu. Biến chứng đông máu sau tiêm vắc-xin AstraZeneca phụ thuộc vào yếu tố di truyền, bệnh nền, lối sống, thuốc đang dùng, yếu tố V Leiden (nguy cơ gây ra cục máu đông).
Theo hướng dẫn triệu chứng lâm sàng, các biến cố trên hiếm gặp và thường xuất hiện từ 4-28 ngày sau tiêm vắc-xin Covid-19 với biểu hiện đau đầu dai dẳng, dữ dội; các triệu chứng thần kinh khu trú; co giật, nhìn mờ hoặc nhìn đôi; khó thở hoặc đau ngực; đau bụng; đau, phù chi dưới. Đặc biệt, bệnh nhân ít khi có biểu hiện chảy máu, xuất huyết da, hoặc xuất huyết nội tạng.
Bộ Y tế cho rằng cơ sở y tế tuyến dưới hoàn toàn xử lý được hiện tượng đông máu
Theo Bộ Y tế, tại các cơ sở y tế xã, phường, trung tâm y tế quận, huyện hoặc tương đương hạng IV cần theo dõi người sau tiêm vắc-xin. Nếu xuất hiện ít nhất 1 trong các triệu chứng lâm sàng trên, cần chuyển người sau tiêm vắc-xin Covid-19 lên tuyến cao hơn hoặc xử lý cấp cứu nếu có.
Trường hợp tại các bệnh viện tuyến huyện, quận hoặc tương đương hạng III, sau khi tiêm xuất hiện một trong các triệu chứng trên cần thực hiện các xét nghiệm: Đếm số lượng tiểu cầu; các xét nghiệm đông máu cơ bản; xét nghiệm định lượng D-dinmer; các thăm dò siêu âm, X-quang... Trường hợp sau tiêm xuất hiện các triệu chứng cần chuyển lên tuyến cao hơn xử lý.
Tại các tuyến cơ sở y tế tỉnh, thành phố hoặc tương đương hạng II cần thực hiện các xét nghiệm cơ bản đếm số lượng tiểu cầu, xét nghiệm đông máu cơ bản; xét nghiệm định lượng D-dimer; các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh đánh giá tình trạng huyết khối, chảy máu; thực hiện các thăm dò khác nếu có. Trường hợp vượt quá khả năng chẩn đoán và điều trị, cần hỏi ý kiến chuyên gia cấp cao hơn.
Tại các tuyến cơ sở trung ương hoặc tương đương hạng I, hạng đặc biệt sẽ tiếp nhận người sau tiêm vắc-xin có biến chứng nặng do các tuyến chuyển đến, đồng thời thực hiện tất cả các thăm dò cần thiết để chẩn đoán và điều trị theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị của Bộ Y tế; tham vấn ý kiến của các chuyên gia khi cần.
Cũng theo Bộ Y tế, đến sáng 23-4, có thêm 20.203 người được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 của AstraZeneca. Như vậy, tính từ ngày 8-3 đến nay đã có tổng cộng 128.610 người được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 của AstraZeneca đợt 1 và đợt 2 tại 28 tỉnh, thành phố và chưa ghi nhận trường hợp nào bị đông máu sau tiêm.
Bình luận (0)