Xét nghiệm máu của người hiến trước khi nhận máu hiến
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 9-4, một quan chức Bộ Y tế cho biết bộ này có nhận được đề xuất của một số cơ sở về việc việc xuất khẩu huyết tương đi nước ngoài. Hiện Bộ Y tế đang xem xét các đề xuất này.
Trả lời câu hỏi "tại sao Việt Nam luôn trong tình trạng thiếu máu trầm trọng mà lại tiến hành xuất khẩu huyết tương", đại diện Bộ Y tế cho biết huyết tương chỉ là một trong những thành phần của chế phẩm máu. Sau khi nhận máu toàn phần từ người hiến, cơ sở y tế sẽ tiến hành tách chiết và sản xuất ra các thành phần máu (hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu, các yếu tố đông máu và huyết tương). Huyết tương là một trong những thành phần còn lại của máu sau khi sản xuất ra các chế phẩm máu phục vụ công tác điều trị người bệnh.
Việc chế huyết tương để tiếp tục phục vụ người bệnh phải sử dụng công nghệ tiên tiến hoặc sẽ phải tiêu huỷ với một số sản phẩm máu bệnh lý.
Tuy nhiên, để có thể sử dụng nguồn huyết tương này, một số cơ sở đề xuất được nghiên cứu, điều chế ra các sản phẩm khác để phục vụ cho y học. "Hiện ở một số nước phát triển họ đã điều chế nguyên liệu huyết tương thừa để phục vụ điều trị và một phần trong chế phẩm huyết tương có thể bào chế ra một trong những thành phần của vắc-xin viêm gan B"- vị quan chức Bộ Y tế này giải thích.
Tỉ lệ hiến máu ở Việt Nam đạt khoảng 1,6% dân số
Giải thích thêm về việc này, một chuyên gia về huyết học cho biết tại Việt Nam, nhu cầu sử dụng các chế phẩm từ máu cao nhất là hồng cầu, tiểu cầu... còn nhu cầu sử dụng huyết tương thấp hơn. Điều này cũng tương đồng với các quốc gia trên thế giới. Trong thành phần huyết tương có abimin và một số yếu tố miễn dịch. Tuy nhiên, để tách chiết được thành phần này đòi hỏi công nghệ cao mà các cơ sở y tế ở Việt Nam chưa làm được. Do đó, một số cơ sở có ý định thuê nhà máy nước ngoài gia công tiếp sau đó nhập trở lại Việt Nam để phục vụ điều trị. Để có thể xuất khẩu huyết tương đi nước ngoài thì cơ sở đó cũng phải đạt tiêu chuẩn GMP châu Âu.
Trước đó, Báo Người Lao Động có thông tin về việc Bệnh viện Truyền máu Huyết học công bố ngân hàng máu của bệnh viện này đạt chứng nhận GMP (Good Manufacturing Practice - thực hành sản xuất tốt) châu Âu. Với tiêu chuẩn này, bệnh viện có thể hỗ trợ Bộ Y tế xây dựng chính sách GMP tại Việt Nam, xuất khẩu huyết tương sang châu Âu, sau đó nhập khẩu các sản phẩm điều trị với giá thành rẻ. Về thông tin này dư luận cho rằng việc Việt Nam xuất khẩu huyết tương trong bối cảnh nhiều cơ sở y tế vẫn đang thiếu máu điều trị và chưa hợp lý.
1,6% dân số Việt Nam hiến máu
Năm 2018, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương tiếp nhận trên 323.000 đơn vị máu. Trong đó, 65,3 % lượng máu của viện tiếp nhận từ Hà Nội, phần còn lại là từ các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, thậm chí nhiều thời điểm khan hiếm viện phải tiếp nhận máu từ các tỉnh khu vực miền Trung Tây Nguyên như: Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Phú Yên... để đáp ứng nhu cầu máu cho điều trị của các bệnh viện ở 26 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc. Từ nguồn máu hiến này đã có hàng trăm ngàn người bệnh được cứu sống. Hiện tỉ lệ hiến máu đạt khoảng khoảng 1,6% dân số. Đối tượng sinh viên hiến máu vẫn chiếm tới hơn 50% những người hiến máu.
Bình luận (0)