Cả nước hiện có hơn 50 triệu người ở độ tuổi lao động. Đối với công nhân (CN), do đặc thù là thời lượng và khối lượng công việc nhiều nên thời gian dành cho việc ăn uống thường không nhiều. Bên cạnh đó, chất lượng bữa ăn của CN cũng chưa được coi trọng nên ít nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe, làm giảm năng suất lao động. Trước thực trạng này, Báo Người Lao Động tổ chức tọa đàm với chủ đề "Cân bằng dinh dưỡng bữa ăn phụ cho công nhân - lao động". Tham gia chương trình có
TS-BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam; bà Nguyễn Phan Bảo Khuyên, chuyên viên Ban Chính sách pháp luật - LĐLĐ TP HCM và anh Hoàng Khánh Dư, CN KCX Tân Thuận (quận 7, TP HCM). Chương trình do Công ty CP Acecook Việt Nam tài trợ, đồng hành.
Nhiều tinh bột, ít đạm, rau xanh
Là người làm công tác Công đoàn, bà Khuyên cho biết bữa ăn giữa ca (thường là bữa ăn trưa hoặc ăn chiều với người làm ca chiều) ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần và năng suất làm việc của CN. Theo bà Khuyên, để CN có sức khỏe tốt, làm việc hăng say, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp (DN) thì bữa ăn giữa ca phải có chất lượng. "Dù luật không bắt buộc DN nhưng thực tế có rất nhiều DN đã quan tâm và đồng thuận với đề xuất của Công đoàn trong việc tổ chức bữa ăn giữa ca cho CN và xem đó là trách nhiệm đối với người lao động (NLĐ)" - bà Khuyên cho hay.
Các khách mời tham gia tọa đàm “Cân bằng dinh dưỡng bữa ăn phụ cho công nhân - lao động” .Ảnh: TẤN THẠNH
Về tổ chức bữa ăn giữa ca cho NLĐ, hiện nay có 2 hình thức chủ yếu. Đối với các DN sản xuất tập trung, quy mô lớn; các nhà hàng, khách sạn, dịch vụ ăn uống thường tổ chức nấu ăn trực tiếp tại đơn vị hoặc hợp đồng với các đơn vị cung cấp suất ăn tập thể. Các DN thương mại, dịch vụ quy mô nhỏ thường không tổ chức bếp ăn mà chi hỗ trợ tiền ăn vào lương hằng tháng cho NLĐ.
Về chất lượng bữa ăn của NLĐ, thông thường là nhiều tinh bột nhưng ít đạm, rau xanh. Thực tế có thể chia làm 3 phân khúc: Các DN vốn từ châu Âu - Mỹ, suất ăn từ 28.000 đồng/suất trở lên, lãnh đạo DN ăn cùng với NLĐ. Các DN có vốn Nhật Bản, suất ăn từ 20.000 - 25.000 đồng/suất, lãnh đạo DN cũng cùng ăn với NLĐ. Còn lại là các DN vốn Đài Loan, Trung Quốc hoạt động lĩnh vực dệt may, da giày, suất ăn dưới 20.000 đồng.
Tại các DN lớn còn chuẩn bị thức ăn chay, có khu vực dành riêng cho lao động nữ mang thai. Cũng có nhiều DN bổ sung vitamin, khoáng chất cho NLĐ bằng trái cây, sữa chua. Còn về bữa ăn phụ, các bữa ăn khi làm ca đêm hoặc tăng ca thì chủ yếu là mì gói, xôi, bún, phở...
Chia sẻ tại tọa đàm, CN Hoàng Khánh Dư cho biết buổi sáng anh thường ăn bánh mì, xôi hoặc mì gói vừa nhanh vừa tiện lợi; còn bữa ăn giữa ca ở công ty là cơm - món mặn - canh. Khi tăng ca, công ty có hỗ trợ bữa ăn phụ cho CN như mì gói, sữa hoặc bánh ngọt.
Nên đa dạng thực phẩm
TS-BS Trương Hồng Sơn cho biết một người trưởng thành có nhu cầu 2.100 calo/ngày. Một tô phở có khoảng 500 calo, cung cấp năng lượng cho 5 giờ trong khi CN phải làm việc liên tục 8 giờ/ngày. Nếu quan sát tại các DN sẽ thấy nhiều CN suy dinh dưỡng nhưng ngược lại có CN thừa cân, béo phì. Với sức khỏe như vậy sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến năng suất lao động.
Thực tế hiện nay có khoảng 1/2 DN chưa có bữa ăn phụ cho CN vì thêm một bữa ăn là thêm nguy cơ về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) làm ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của DN. Những DN còn lại có bữa ăn phụ nhưng chất lượng hạn chế.
Theo BS Sơn, bữa ăn nên xây dựng theo nguyên tắc đủ và đa dạng. Một ngày, mọi người nên ăn ít nhất 12 loại thực phẩm thuộc 5 nhóm: ngũ cốc, dầu mỡ, đạm, rau xanh... Đa dạng nhưng không cần nhiều. Tốt nhất thực phẩm nên theo mùa và giảm đường, muối... "Bên cạnh đó, phải uống nước đầy đủ. Thực tế là CN phải làm theo dây chuyền, không dừng để uống nước, do vậy các bếp ăn nên tổ chức bữa ăn không trùng nhau trong tuần, thậm chí trong tháng, chú trọng bổ sung bữa ăn phụ là các món nước" - BS Sơn nêu ý kiến.
Hiểu đúng về thực phẩm chế biến
Trong thời đại công nghiệp với nhịp sống luôn hối hả, bữa ăn phụ cho CN như mì, miến, phở gói... được hầu hết các xí nghiệp, công ty áp dụng nhằm nạp thêm năng lượng cho đội ngũ sản xuất. Đối với NLĐ tự do, nhiều người cũng thường ăn các loại thực phẩm ăn liền cho nhanh, gọn.
Trước nay hay có ý kiến dạng tin đồn về thức ăn nhanh, trong đó có mì, miến, phở... ăn liền, rằng loại thực phẩm này có chứa chất phụ gia gây các bệnh tim mạch, ung thư hoặc thiếu dinh dưỡng. Tuy nhiên, BS Sơn cho rằng nhiều người hiểu sai về phụ gia. Thực tế các quán, nhà hàng dù sang trọng đều có sử dụng chất phụ gia. Mì gói sản xuất theo dây chuyền và các chất phụ gia phải theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Người Việt hiện nay ăn cơm rất nhiều. Cơm làm tăng đường huyết nhanh nhưng cũng giảm nhanh. Vì thế, bên cạnh cơm nên bổ sung thêm các chất khác. "Bản thân tôi cũng thích ăn mì gói khi trời nắng hay có việc gấp. Nhưng khi nấu mì, tôi thêm vài lát thịt và ăn thêm 1 quả táo để đủ chất" - BS Sơn nói.
Bà Nguyễn Phan Bảo Khuyên cũng cho biết trong nhà lúc nào cũng có mì ăn liền vì sự tiện lợi, dễ bảo quản, dễ chế biến và đặc biệt là bảo đảm ATVSTP. Chỉ cần một vài thao tác đơn giản, một vài phút, bà có thể chế biến cho mình và gia đình một bữa ăn nhanh. Nếu cần đủ chất, bà thêm vào mì ăn liền một ít thịt bò, trứng, rau xanh hoặc cầu kỳ hơn thì có thể chế biến thành món mì xào, trứng chiên mì tôm, pizza mì ăn liền...
Dinh dưỡng tốt, năng suất lao động cao
BS Trương Hồng Sơn nhận định bữa ăn giữa ca cho CN có giá trên dưới 28.000 đồng/suất thì việc vừa bảo đảm đủ chất vừa ATVSTP là một vấn đề khó cho DN. Trong đó, vấn đề ATVSTP cực kỳ quan trọng. Các bếp ăn công nghiệp hiện nay phải bảo đảm đầu vào của thực phẩm cũng như quy trình một chiều (thức ăn sống vào một đầu, thức ăn chín ra một đầu theo một quy trình khép kín). Thức ăn phải được lưu mẫu để nếu có xảy ra ngộ độc thực phẩm, bác sĩ nhanh chóng xử lý được.
Cũng theo BS Sơn, bữa ăn phụ chiếm từ 10%-15% năng lượng cả ngày, vì thế các DN nên chú trọng bữa ăn phụ cho CN. Dinh dưỡng tốt, năng suất lao động sẽ cao, NLĐ cống hiến cho DN nhiều hơn.
Bình luận (0)