Kỹ thuật mới vô cùng độc đáo của bác sĩ Michael Belford (Đại học Baylor College of Medicine, Texas - Mỹ) đã gây bất ngờ cho giới khoa học khi công bố trên tạp chí Obstetrics and Gynecology mới đây.
Tử cung người mẹ được tạm lấy ra, bơm căng, chiếu sáng, trong khi các bác sĩ dùng dụng cụ nội soi để gây mê và phẫu thuật cho em bé bên trong - Ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp.
Với vài giờ phẫu thuật, vị bác sĩ này đã "tái sinh" những cháu bé vốn đã được khuyến cáo phá bỏ, nếu không sẽ ra đời với chứng não úng thủy và nhiều dị tật nặng nề. Sau đó, đa phần các bệnh nhi ra đời êm ái trong một ca đẻ thường, hoàn toàn lành lặn, không có dấu vết gì của loại dị tật phức tạp chúng đã mắc phải.
Phát biểu trên New York Times, cô Lexi Royer (28 tuổi, một thợ làm tóc), kể lại rằng cô đã được yêu cầu phá thai khi chẩn đoán tiền sản phát hiện chứng spina bifida.
Royer quyết định mạo hiểm để cứu lấy con. Cháu bé đã ra đời vào tháng giêng vừa qua, hoàn toàn khỏe mạnh - Ảnh: TELEGRAPH
Spina bifida có tỉ lệ mắc khoảng 24/100.000 trẻ sơ sinh. Một khiếm khuyết xảy ra do cột sống và tủy sống không phát triển đúng cách khiến nước ối tràn vào. Đứa bé sinh ra với chứng não úng thủy, không thể tự điều khiển được bàng quang, không thể tự đi lại, thậm chí phải ăn và thở qua ống suốt đời.
Thay vì quyết định phá thai như bác sĩ khuyến cáo, Royer đã quyết định mạo hiểm trong ca mổ thực nghiệm đầu tiên của bác sĩ Michael Belford. Trong những hình ảnh độc đáo mà nhóm nghiên cứu cung cấp, tử cung chứa thai của Royer được tạm thời lấy ra khỏi cơ thể qua đường mổ ở bụng vào tuần thai thứ 24.
Nó được bơm căng như một quả bóng bằng khí CO2, sau đó bác sĩ dùng thiết bị nội soi gây mê và phẫu thuật cho em bé bên trong qua 2 lỗ rất nhỏ.
Sau ca mổ, tử cung và cháu bé được đưa lại vào bụng mẹ. Và đứa bé cứ thế ra đời như chưa từng có dị tật, biến chứng. Trong 28 bệnh nhân được mổ cho đến nay, chỉ có vài bé cần được dẫn lưu một ít dịch ứ đọng trong não nhưng sau đó tất cả chúng đều khỏe mạnh.
Bác sĩ Michael Belford và đồng nghiệp đã tập luyện kỹ thuật này suốt 2 năm trước khi tiến hành trên người. Vật thí nghiệm ban đầu của họ là… một quả bóng cao su chứa một con búp bê bọc trong da gà; sau đó là các con cừu cái mang thai.
Các dụng cụ tập luyện kỳ quái của các bác sĩ: con búp bê được bọc trong... da gà và quả bóng đồ chơi - ảnh: TELEGRAPH
Các ca phẫu thuật đang gây nhiều tranh cãi rằng liệu việc bơm căng tử cung bằng CO2 có thực sự an toàn. Bác sĩ Michael Belford cho biết ông và các đồng nghiệp đang tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện kỹ thuật.
Bình luận (0)