- Bác sĩ chuyên khoa I NGUYỄN THỊ HUỲNH MAI, Khoa Sản - Phụ khoa Bệnh viện Đa khoa Nam Sài Gòn, trả lời: Trong một chu kỳ kinh nguyệt sẽ có giai đoạn lớp niêm mạc tử cung dày lên để chuẩn bị cho quá trình trứng sau khi thụ tinh sẽ di chuyển từ ống dẫn trứng về tử cung để "làm tổ" và phát triển thành thai nhi. Tuy nhiên, nếu quá trình thụ tinh không diễn ra, lớp niêm mạc tử cung sẽ bong ra. Thành tử cung sẽ bắt đầu co bóp mạnh để tống xuất lớp niêm mạc, mô ra khỏi cơ thể cùng với một ít máu.
Khi lớp niêm mạc bong ra, các cơ và mạch máu trong tử cung sẽ co lại. Điều này sẽ tạm thời làm cắt giảm nguồn cung cấp máu và ôxy đến tử cung. Nếu không có đủ ôxy, các mô trong tử cung sẽ tiết các chất hóa học gây ra cơn đau. Bên cạnh đó, cơ thể cũng sản xuất ra chất gọi là prostaglandin khiến các cơ tử cung co bóp nhiều hơn, từ đó khiến cơn đau bụng kinh tăng hơn.
Để làm giảm đau khi hành kinh, bạn có thể áp dụng các cách sau: chườm ấm bụng dưới và lưng; tắm nước ấm; massage vùng bụng, lưng; tập yoga, chạy bộ; uống nước ấm; ăn uống lành mạnh, tránh thực phẩm chứa caffeine hoặc đồ uống có cồn; sử dụng thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sĩ nếu cơn đau vượt ngưỡng chịu đựng.
Mặc dù đau bụng kinh có thể chỉ là vấn đề bình thường xuất hiện vào mỗi kỳ kinh nguyệt nhưng một số trường hợp vẫn có thể liên quan đến bệnh lý. Vì vậy, nếu đau bụng kinh dữ dội và có thêm các triệu chứng bất thường thì bạn nên đến gặp bác sĩ để thăm khám.
Bình luận (0)