Trường hợp tử vong mới nhất do mắc sốt xuất huyết (SXH) vừa xảy ra tại TP HCM trong tháng 8 này là bệnh nhân N.T.G (43 tuổi; ngụ xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn). Trước đó, bà G. có biểu hiện sốt, được đưa đến một phòng khám tư nhân điều trị nhưng không thuyên giảm nên tiếp tục chuyển tới Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn.
Đỉnh dịch: Có thể tháng 9 hoặc 10
Tại Bệnh viện Hóc Môn, kết quả chẩn đoán, xét nghiệm cho thấy bà G. bị SXH nên các bác sĩ tiến hành điều trị tích cực theo phác đồ. Tuy nhiên, bà đã rơi vào tình trạng sốc nặng, suy đa tạng, diễn tiến nặng và không qua khỏi. Trước đó, vào tháng 5-2016, một bệnh nhân tại quận Gò Vấp, TP HCM cũng đã tử vong vì căn bệnh này.
Đáng báo động là tại huyện Hóc Môn đã xuất hiện một ổ dịch SXH (tổ 10, ấp 1, xã Đông Thạnh). Ổ dịch nguy hiểm này được phát hiện từ ngày 22-7. Chỉ trong vòng từ ngày 4 đến 8-8, nơi đây đã có 4 ca mắc SXH. Khu vực xảy ra ổ dịch là vùng bán thành thị, dân cư đông, có sân vườn và chăn nuôi gia súc.
Theo bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM, số ca mắc SXH trên địa bàn TP có chiều hướng gia tăng. Cụ thể, tháng 7 có 875 ca SXH nhập viện, trong khi tháng 5 và 6 lần lượt là 616 và 527. Ngành y tế cảnh báo bệnh SXH có nguy cơ bùng phát vào mùa mưa này, đỉnh dịch có thể rơi vào tháng 9 hoặc 10.
Theo giới chuyên gia, các nguyên nhân mắc SXH được nói rất nhiều nhưng hiện bệnh vẫn tăng mạnh do xuất hiện nhiều nguy cơ mới trong cộng đồng chưa thể kiểm soát. Chỉ riêng tại TP HCM, qua giám sát gần 11.000 điểm nguy cơ SXH mới đây, Trung tâm Y tế dự phòng TP đã phát hiện có đến gần 3.440 điểm nguy cơ (31%) phát triển lăng quăng, chưa kể trên 720 “điểm đen” mới phát sinh trên địa bàn. Vùng nguy cơ cao chủ yếu ở quận Thủ Đức và các huyện Bình Chánh, Hóc Môn.
Trước tình hình này, Sở Y tế TP HCM yêu cầu các quận, huyện khẩn trương thực hiện các biện pháp điều tra vùng nguy cơ SXH và có giải pháp khoanh vùng diệt lăng quăng, diệt muỗi, xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan, bùng phát trên diện rộng.
Lời cảnh báo khốc liệt
Trong khi các tỉnh, thành Nam Bộ căng mình chống dịch SXH thì khu vực Tây Nguyên cũng đối mặt số ca mắc và tử vong tăng mạnh. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã trực tiếp đến khu vực này kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống. Theo thống kê, đến nay, các tỉnh Tây Nguyên đã có gần 8.000 trường hợp mắc SXH, trong đó 4 người đã tử vong.
Chỉ ra nguyên nhân tăng mạnh SXH tại Tây Nguyên, PGS-TS Trần Đắc Phu cho rằng trong những năm qua, do miễn dịch SXH trong cộng đồng thấp nên khi có dịch dễ bùng phát nhanh. Ngoài ra, do ý thức phòng dịch của người dân thấp, các gia đình phải tăng trữ nước trong các dụng cụ, tạo điều kiện cho muỗi phát triển.
Đề cập nguyên nhân gia tăng SXH ở miền Tây, PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM, nhận định do gần đây khu vực này bị xâm nhập mặn vì biến đổi khí hậu cùng với quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, di dân... đã tạo môi trường thuận lợi cho bệnh này tồn tại và phát triển.
Các chuyên gia cho rằng cứ khoảng 10 năm, dịch SXH tại Việt Nam sẽ lặp lại chu kỳ 1 lần. Dự báo năm 2018 sẽ là đỉnh của dịch trong chu kỳ mới với mức độ được cảnh báo là rất khốc liệt. Khu vực gánh chịu hậu quả nặng nề do SXH sẽ là các tỉnh, thành phía Nam và Tây Nguyên vì những vùng này thường chiếm 50%-60% số ca mắc.
Muốn giải quyết dịch bệnh SXH, cần phải có giải pháp đồng bộ. Ngành y tế cần tham mưu, giám sát chặt chẽ, xử lý sớm, bảo đảm quy trình chuyên môn, kỹ thuật; chính quyền phải kiến tạo và huy động nguồn lực vào cuộc. “Chúng ta không thể nào loại trừ được SXH mà chỉ có thể giảm số ca mắc và tử vong” - một chuyên gia nhấn mạnh.
Dịch bệnh SXH cũng đang hoành hành tại tỉnh Bến Tre. Từ đầu năm đến nay, SXH đã khiến hơn 1.400 người phải nhập viện, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước và 1 trường hợp tử vong.
Bình luận (0)