Ngày 8-8, tại TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Cục Y tế dự phòng và Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã mở 2 lớp tập huấn cho các bác sĩ của các tỉnh Tây Nguyên. Một lớp hướng dẫn về các phương pháp phòng chống bệnh sốt xuất huyết (SXH) và một lớp hướng dẫn phương pháp, phác đồ điều trị bệnh này.
Điểm nóng buôn Jù
Theo Cục Y tế dự phòng, từ đầu năm đến ngày 30-7, cả nước có hơn 49.000 bệnh nhân SXH ở 48 tỉnh, thành phố, trong đó có 17 bệnh nhân tử vong. Tại Tây Nguyên, có 7.411 bệnh nhân SXH, trong đó có 4 bệnh nhân tử vong. Tây Nguyên là địa bàn có tỉ lệ bệnh nhân mắc SXH cao nhất so với bình quân của cả nước. Cụ thể là 168,1 bệnh nhân/100.000 dân (tỉ lệ này của cả nước là 48,1 bệnh nhân/100.000 dân).
Tại Đắk Lắk, ông Doãn Hữu Long - Giám đốc Sở Y tế - cho biết từ đầu năm tới nay, sở này và cơ quan chức năng đã tổ chức tập huấn 4 đợt về công tác phòng chống dịch và điều trị bệnh SXH; phối hợp cơ quan chức năng phát động chiến dịch diệt lăng quăng bằng nhiều biện pháp. Do số lượng bệnh nhân tăng đột biến nên sở chỉ đạo các bệnh viện sắp xếp, tăng cường nhân lực cho những khoa có bệnh nhân SXH.
Trọng điểm nhất của tỉnh Đắk Lắk là buôn Jù (xã Ea Tu, TP Buôn Ma Thuột) có hơn 200 bệnh nhân SXH. Theo cơ quan chức năng, nguyên nhân khiến buôn jù có số lượng người mắc SXH cao là do người dân chưa thực sự quan tâm dọn dẹp vệ sinh khu vực sinh sống, nhiều hộ dân ngủ không mắc màn.
Theo ông Y Mui Adrơng, trưởng buôn jù, đây là năm buôn có số người mắc SXH nhiều nhất trong vòng hàng chục năm qua, hầu như nhà nào cũng có người mắc. Sau khi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo công tác phòng dịch, người dân đã ý thức hơn và tích cực dọn dẹp vệ sinh, cùng nhau phát quang bụi rậm, dọn vật dụng phế thải như lốp xe, vỏ lon, đồ hộp, gáo dừa, chai, lọ… để loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, đậy kín các dụng cụ chứa nước mưa, nước sinh hoạt.
Hành lang bệnh viện thành... giường bệnh
Cùng ngày, tại Trung tâm Y tế huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai, phòng điều trị SXH hầu như không còn giường trống. Có giường phải dùng chung cho 2 bệnh nhân. Hành lang cũng được tận dụng làm giường bệnh. Theo một cán bộ y tế ở đây, do lượng bệnh nhân quá đông nên nhiều người mắc SXH nhẹ đã xin về nhà chữa bệnh sau khi khám.
Bệnh nhân Lê Xuân Ngọc (43 tuổi, ngụ thôn Cầu Vàng, xã K’Dang, huyện Đắk Đoa) nói ở thôn Cầu Vàng số người mắc SXH đã chiếm quá nửa dân số. Có nhà 2-3 người cùng mắc SXH.
Tại Khoa Bệnh nhiệt đới của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai, số giường cho bệnh nhân SXH điều trị thiếu rất nhiều do người bệnh nhập viện nhiều mà người ra không có. Lãnh đạo bệnh viện cho biết đã phải kê thêm giường, huy động thêm y - bác sĩ để phục vụ bệnh nhân.
Trong khi đó, ý thức về phòng bệnh SXH của người dân nhiều nơi vẫn chưa thay đổi, nhiều gia đình vẫn còn để những vật dụng chứa nước trong khuôn viên gia đình. Phóng viên Báo Người Lao Động đã chứng kiến trong khuôn viên nhà anh Nguyễn Đức Tân (ngụ thôn Brep, xã Đăk Djrăng, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) có rất nhiều vật dụng chứa nước như lu sành, thùng nhựa... bên trong có rất nhiều lăng quăng, bọ gậy. Chị của anh Tân mắc SXH đã 3 ngày.
“Tôi có nghe chính quyền khuyến cáo nhưng chưa kịp dọn dẹp để diệt mầm bệnh thì chị gái đổ bệnh. Ngay hôm nay, tôi sẽ dọn sạch hết để tránh lây lan cho người khác” - anh Tân nói.
Hạn chế tối đa trường hợp tử vong
Trước tình hình dịch SXH tăng đột biến và dự báo sẽ diễn biến phức tạp trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện gửi cơ quan chức năng về việc tăng cường công tác phòng chống dịch SXH. Bộ Y tế cũng có công điện yêu cầu ngành y tế các địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp bệnh để xử lý ổ dịch kịp thời. Phun hóa chất diệt muỗi tại ổ dịch đúng kỹ thuật, 2-3 lần cách nhau 1 tuần để xử lý triệt để ổ dịch. Đảm bảo 100% hộ gia đình và các phòng, các tầng trong nhà được phun thuốc theo chỉ định của ngành y tế. Tổ chức tốt việc điều trị bệnh nhân, điều trị đúng phác đồ, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong do SXH. Đồng thời, tổ chức tập huấn về công tác giám sát bệnh nhân, giám sát côn trùng, kỹ thuật phun hóa chất, xử lý ổ dịch... Triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền tới người dân về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Bình luận (0)