Theo BS chuyên khoa I Ngô Cao Ngọc Điệp, Khoa Dinh dưỡng - Tiết chế Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược TP HCM, người bệnh béo phì mắc Covid-19 sẽ chuyển nặng rất nhanh. Những trường hợp đang được theo dõi, điều trị tại nhà, người bệnh cần thực hiện đúng theo các hướng dẫn của y tế địa phương, thảo luận với nhân viên y tế về các liệu pháp điều trị bệnh lý nền (nếu có).
Rối loạn điều hòa miễn dịch
Sự sống sót của một nam bệnh nhân nặng 140 kg mắc Covid-19 sau gần 3 tháng điều trị mới đây tại TP HCM là một kỳ tích y học và cả may mắn. TS-BS Nguyễn Hoàng Hải, Phó Giám đốc BV Gia Định kiêm Giám đốc BV Dã chiến số 16, cho biết nam bệnh nhân (28 tuổi) mắc Covid-19 nặng, nguy kịch hô hấp cấp, béo phì độ 3 (chỉ số khối cơ thể BMI 48 kg/m2), đái tháo đường type 2. Tình trạng suy hô hấp ở bệnh nhân diễn tiến nhanh phải can thiệp thở máy xâm lấn và ECMO (ôxy hóa máu màng ngoài cơ thể) trong vòng 24 giờ đầu sau nhập viện.
"Béo phì bệnh lý (với BMI > 40 kg/m2) được xem là yếu tố tiên lượng xấu khi can thiệp ECMO vì nguy cơ xuất hiện các biến chứng, theo y văn thế giới, trường hợp này tỉ lệ tử vong rất cao lên đến 80%-90%" - BS Hải thông tin.
"Suốt gần 3 tháng can thiệp ECMO, có những thời điểm tổn thương phổi diễn tiến nặng đến mức mặc dù được hỗ trợ ECMO hoàn toàn, ôxy hóa máu bệnh nhân vẫn không đủ bảo đảm, thậm chí đe dọa tử vong. Các buổi hội chẩn liên chuyên khoa được thực hiện liên tục; tất cả thuốc men, trang thiết bị - vật tư y tế hiện đại được huy động nhằm hỗ trợ hồi sức chuyên sâu. Với nỗ lực không mệt mỏi của tất cả y - bác sĩ, nam bệnh nhân đã được cứu sống" - ThS-BS Giang Minh Nhật, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực 1 BV Dã chiến số 16, nhớ lại.
Theo BS Ngô Cao Ngọc Điệp, nếu người cao tuổi là đối tượng nguy cơ cao phải nhập viện khi mắc Covid-19 thì nhóm thứ hai là người có bệnh nền, nhất là bị béo phì. Các nghiên cứu mới cho thấy béo phì là một yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh Covid-19 nghiêm trọng, tử vong cao ở cả người lớn và trẻ em. Béo phì dẫn đến rối loạn điều hòa miễn dịch dai dẳng, tăng nhạy cảm với các bệnh nhiễm trùng, dẫn đến nhiễm trùng huyết và tử vong.
Các tế bào mỡ phì đại bị rối loạn chức năng trong bệnh béo phì tạo ra quá nhiều cytokine dẫn đến việc tăng các đại thực bào, tạo ra một lượng lớn các phân tử tiền viêm. Chất béo tích tụ trong phổi cũng sẽ khiến virus dễ dàng xâm nhập vào lá lách, tế bào gốc và não, kích hoạt hệ thống miễn dịch. Điều này làm suy giảm chức năng miễn dịch của cơ thể.
Nam bệnh nhân nặng 140 kg mắc Covid-19 được cứu sống sau gần 3 tháng điều trị
Thay đổi lối sống
TS-BS Trần Quang Nam, Trưởng Khoa Nội tiết BV Đại học Y Dược TP HCM, cho biết chỉ số khối cơ thể (BMI) ≥ 30 thì được coi là béo phì. Với người châu Á, chỉ số này thấp hơn, cụ thể người có BMI ≥ 23 được coi là thừa cân và BMI ≥ 25 là người bệnh béo phì. Bệnh béo phì có liên quan đến hơn 200 bệnh lý khác nhau. Đây là nguyên nhân khiến 2,8 triệu người tử vong mỗi năm.
Một số biến chứng nghiêm trọng điển hình của bệnh béo phì bao gồm: đái tháo đường, bệnh tim, đột quỵ, cao huyết áp, bệnh thận, bệnh gan, chứng rối loạn giấc ngủ, các vấn đề về xương khớp, những rủi ro đối với phụ nữ khi mang thai và một số dạng ung thư nguy hiểm. Các nghiên cứu cho thấy, kể từ mức BMI = 25 trở lên, cứ tăng thêm 5 đơn vị BMI, nguy cơ tử vong sớm sẽ gia tăng đến 31%.
"Việc kiểm tra sức khỏe định kỳ là rất cần thiết, nhất là khi BMI đã vượt sang mức thừa cân. Có 3 hướng điều trị béo phì là: thay đổi lối sống, dùng thuốc và phẫu thuật cắt bỏ một phần dạ dày. Trong đó, việc kiên trì thực hiện chế độ ăn uống, tập luyện thể dục thể thao phù hợp để duy trì cân nặng hợp lý là yếu tố quyết định" - BS Trần Quang Nam cho biết.
BS Ngô Cao Ngọc Điệp lưu ý chế độ dinh dưỡng hợp lý cho người béo phì đang mắc Covid-19 là rất quan trọng. Trong thời gian nhiễm bệnh, người bệnh cần phải có chế độ ăn đủ dưỡng chất, nhất là chất đạm từ cá, thịt nạc, đậu, sữa tách béo; cần ăn đủ rau xanh để cung cấp vitamin và khoáng chất, vi chất. Đây là yếu tố quan trọng để bảo đảm hoạt động của hệ miễn dịch làm việc hiệu quả, giúp đẩy lùi Covid-19.
Bên cạnh đó, các triệu chứng như mất vị giác, mệt mỏi khi nhiễm bệnh sẽ khiến người bệnh ăn không ngon, nhạt miệng. Vì vậy cần bổ sung vitamin và vi chất, nguồn bổ sung này nên ưu tiên nguồn từ thực phẩm.
"Bệnh Covid-19 ở trẻ em đa số là nhẹ hoặc không triệu chứng, tuy nhiên đối với các trẻ trên 10 tuổi có các yếu tố nguy cơ cao như dư cân - béo phì, có bệnh lý nền thì thường diễn tiến suy hô hấp rất nhanh do tổn thương phổi nặng. Do vậy cần phát hiện kịp thời các dấu hiệu suy hô hấp như khó thở, thở hụt hơi, thở nhanh hoặc tụt SpO2 (nồng độ ôxy trong máu)... Việc này đóng vai trò quan trọng trong điều trị giúp giảm chuyển độ nặng và tử vong" - BS Phạm Văn Quang, Trưởng Khoa Hồi sức Tích cực BV Nhi Đồng 1 (TP HCM), khuyến cáo.
Bình luận (0)