Tại hội thảo quốc tế về tham vấn tâm lý và trị liệu cho các cặp đôi, gia đình do Hiệp hội Tham vấn hôn nhân và gia đình quốc tế (IAMFC) và ĐH Fulbright Việt Nam tổ chức ngày 28-5, TS tâm lý Martina Moore, Chủ tịch IAMFC, cho biết các vấn đề sức khỏe tinh thần rất phổ biến trong gia đình Việt Nam cũng như các nước khác.
TS tâm lý Martina Moore (đứng giữa) cùng TS tâm lý Nathan Gehlert (bìa phải) chia sẻ tại hội thảo
Theo TS Martina Moore, tại Mỹ, tỉ lệ ly hôn của cuộc hôn nhân đầu tiên khoảng 40%-50%, tỉ lệ này tăng lên 60% và cao hơn ở cuộc hôn nhân thứ hai. Tại Việt Nam, tỉ lệ này ít hơn 1%, bởi người dân rất quan tâm đến văn hóa gia đình. Tuy nhiên, vấn đề sức khỏe tinh thần trong hôn nhân chưa được quan tâm đúng mức, không nhiều người lựa chọn tham vấn tâm lý trước hôn nhân.
"Nhiều người không được chẩn đoán có vấn đề tâm lý vì họ không thăm khám, điều trị nên các vấn đề tâm lý trở nên nặng nề hơn. Hậu quả là ảnh hưởng trực tiếp đến cá nhân họ và cả cộng đồng. Người bị ảnh hưởng nặng nề nhất là con cái" - TS Martina Moore nhận xét.
Hội thảo thu hút nhiều người tham dự
Bà Martina Moore cho rằng hiện nay, có nhiều định kiến đối với việc thăm khám sức khoẻ tâm thần. Nếu càng nhiều định kiến thì sẽ có ít người điều trị bệnh tâm lý. Tham vấn tâm lý trước hôn nhân là việc cần thiết, các cặp đôi cần suy nghĩ thật kỹ rằng có thực sự muốn kết hôn hay không.
Người tham dự hội thảo trao đổi với chuyên gia
Bà Martina Moore khuyến cáo các cặp đôi nên tham vấn tâm lý với chuyên gia ngay khi có dấu hiệu stress, để tránh diễn tiến nặng như rối loạn lo âu, trầm cảm... Hiện nay, đa số người có vấn đề về sức khỏe tinh thần khi thăm khám đã bước vào giai đoạn nặng. Điều này dẫn đến các triệu chứng sẽ nặng hơn, điều trị sẽ mất thời gian hơn và mức độ cải thiện sẽ giảm đi.
Bình luận (0)