Cách đây không lâu, có thông tin 8 học sinh và 2 thầy giáo ở một huyện thuộc tỉnh Tây Ninh đã bị phỏng do bong bóng trang trí lễ đón nhận danh hiệu trường đạt chuẩn quốc gia phát cháy nổ. Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang cho biết 1 học sinh lớp 4 nhập viện do bị phỏng nặng, chủ yếu ở vùng mặt, do đốt đèn lồng trung thu cạnh 10 quả bóng bay. Bóng bay hấp dẫn đối với trẻ con là nhờ bay được và có màu sắc sặc sỡ bắt mắt, hấp dẫn. Thế nhưng, chính khí bơm cho bóng bay và phẩm màu tạo nên màu sắc của bóng trở thành mối nguy hiểm đối với trẻ.
Dùng khí rẻ tiền dễ gây nguy hiểm
Ở nước ngoài, người ta chỉ dùng khí heli (helium, ký hiệu hóa học He) để bơm bóng bay. He là chất khí không màu, không mùi -gọi là khí trơ - do không bắt lửa và không gây phản ứng hóa học, nhẹ hơn không khí đến 7 lần nên dùng He bơm cho bóng để có thể bay. Dùng khí He đắt tiền nhưng bơm bóng bay rất an toàn vì là khí trơ không bắt lửa như đã kể.
Còn ở ta, những người sản xuất không dùng khí He mà dùng khí đá tức acetylen để bơm bóng bay. Acetylen là chất khí không màu, không mùi (thực tế có mùi tỏi do chứa tạp chất), cũng nhẹ hơn không khí. Acetylen rất rẻ vì điều chế khí này chỉ cần cho nước vào đất đèn (calci carbur, CaC2) là loại chất liệu rẻ tiền. Tuy nhiên, acetylen rất dễ cháy và tạo nhiệt độ cao. Chính acetylen tạo ra từ đất đèn được chứa trong các bình gió đá của thợ hàn để dùng cắt kim loại. Acetylen cháy khi bắt lửa tạo nhiệt độ đến 3.000 độ C làm chảy kim loại. Dùng acetylen bơm bóng bay rất nguy hiểm vì có thể gây cháy nổ làm hại trẻ. Vụ 8 học sinh và 2 thầy giáo ở một huyện thuộc tỉnh Tây Ninh đã bị phỏng do bong bóng trang trí lễ phát cháy nổ có thể vì acetylen trong bong bóng đã tiếp xúc với mồi lửa là tàn thuốc lá do ai đó hút. Do cháy phát nhiệt rất cao, acetylen sẽ gây phỏng nặng.
Phẩm màu tạo màu sắc: Nhiều rủi ro
Về phẩm màu tạo màu sắc cho bóng bay, hiện nay người ta không kiểm soát được đó là phẩm màu dùng an toàn hay phẩm màu công nghiệp chứa các độc chất nguy hiểm như thủy ngân, chì, cadmium… có thể gây hại cho trẻ.
Xin nói về chì (ký hiệu hóa học là Pb) và cadmium (Cd) vì đã có báo động về nguy hiểm của phẩm màu chứa chất độc hại Pb, Cd trong đồ chơi của trẻ và trong vật dụng sinh hoạt. Giữa năm 2011, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng cho biết các mẫu cốc thủy tinh có nguồn gốc từ Trung Quốc mà đơn vị này kiểm tra đều có hàm lượng chì cao gấp hàng ngàn lần so với quy định cho phép. Còn ở TP HCM, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng TP cho biết đã phát hiện trong sơn phủ đồ chơi cờ tướng của trẻ em chứa hàm lượng chì đến 835 mg/kg, trong khi giới hạn lớn nhất cho phép đối với độc chất này là 90 mg/kg (vượt ngưỡng đến hơn 9 lần). Cách đây không lâu, báo chí cũng đưa tin phát hiện lồng đèn nhựa Trung Quốc chứa chất gây nguy hại cho sức khỏe là Cd. Lượng Cd qua kiểm nghiệm chứa trong đồ chơi rất bắt mắt trẻ con gấp đến 123 lần mức cho phép trong Bộ Tiêu chuẩn an toàn đồ chơi do Bộ Khoa học và Công nghệ nước ta ban hành. Như vậy, các bóng bay mà trẻ con đang chơi hiện nay nếu không kiểm tra kỹ thì luôn có nguy cơ chứa các độc chất vừa kể.
Nếu phẩm màu tạo màu cho bóng bay có chứa Pb, Cd và trẻ tiếp xúc thường xuyên sẽ rất nguy hiểm. Trẻ con khi chơi đồ chơi, trong đó có bóng bay, không chỉ sờ, nắm mà còn liếm, ngậm nên chắc chắn sẽ hấp thu độc chất qua miệng nếu đồ chơi đó chứa độc chất. Khi vào cơ thể, Pb tích lũy trong các mô nhiều mỡ như não, gan hoặc mô nhiều sừng như da, lông, tóc, móng. Pb gây tác hại đối với các hệ thống men (enzyme) cơ bản, nhất là men hemosynthetase, trong quá trình vận chuyển tổng hợp heme là chất tạo ra hemoglobin (tức huyết sắc tố tạo màu đỏ cho hồng cầu trong máu có nhiệm vụ cực kỳ quan trọng trong hô hấp).
Nếu chì hiện diện trong máu trên 0,3 ppm sẽ ngăn cản quá trình ôxy hóa glucose tạo ra năng lượng duy trì sự sống nhưng nếu hàm lượng chì/máu trên 0,8 ppm sẽ gây thiếu máu do thiếu hụt hemoglobin theo cơ chế vừa kể. Còn Cd xâm nhiễm cơ thể trẻ là nguyên nhân dẫn đến nhiều loại bệnh như loãng xương, thiếu máu, suy gan thận rất nặng, gây nhiều loại ung thư như tuyến tiền liệt, phổi...
Cần quy định dùng khí He cho bóng bay
PGS-TS Nguyễn Hữu Đức khuyến cáo: “Các bậc phụ huynh nên thận trọng khi cho trẻ chơi bóng bay. Nếu có nghi ngờ về nguy cơ độc hại ở loại đồ chơi rẻ tiền này thì không cho trẻ chơi. Còn nếu không ngăn được trẻ chơi bóng bay thì cần theo dõi sát, không cho trẻ tiếp xúc qua miệng với chất màu từ bóng bay và không tạo điều kiện để bóng bay gần với lửa”. Ông cũng kiến nghị cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra chất lượng, tính an toàn của đồ chơi là bóng bay cũng như quy định khí dùng bơm bóng bay phải là He thay vì acetylen như hiện nay.
Nhiều tai nạn ở trẻ nhỏ
Gần đây đã xảy ra nhiều tai nạn nguy hiểm ở trẻ nhỏ, trong đó không ít trường hợp là do sự lơ là, bất cẩn của người lớn.
Vụ mới nhất vừa được Bệnh viện Mắt TP HCM tiếp nhận cấp cứu điều trị là nổ pin đồ chơi khiến 1 bé trai bị cụt nhiều ngón tay, vỡ mắt, đối diện với nguy cơ mù 1 bên. Bệnh nhi là Ng.C.T (12 tuổi, ngụ Ninh Thuận), nhập viện trong tình trạng bị thương ở nhiều ngón tay, riêng mắt phải rách giác mạc, vỡ nhãn cầu, dị vật nội nhãn và đục thủy tinh thể, chỉ nhận ánh sáng chứ không phân biệt hình ảnh. Bé T. đã được vá nhãn cầu làm kín vết thương và chuyển qua Bệnh viện Nhi Đồng 1 để xử trí các vết thương ở ngón tay, sau đó lại quay trở lại tiếp tục điều trị mắt. Gia đình bệnh nhi cho hay tai nạn xảy ra khi người lớn không có ở nhà. Bé trai đang điều khiển chiếc ô tô đồ chơi (xuất xứ Trung Quốc) thì cục pin ở bộ phận điều khiển phát nổ gây thương tích.
Theo bác sĩ Phạm Nguyễn Huân, Phó trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện Mắt, nơi đây tiếp nhận nhiều trẻ bị chấn thương mắt do đùa chơi, té ngã, pháo nổ nhưng tổn thương mắt do nổ đồ chơi là trường hợp đầu tiên.
Mới đây, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cũng tiếp nhận bệnh nhi T.N.A (1 tuổi, ngụ Bạc Liêu) mắc dị vật tiêu hóa do nuốt chiếc kim sắt nhọn (kim trong hộp keo dán sắt). Trong lúc bò chơi trên sàn nhà, bé A. đã nhặt cây kim nhọn cho luôn vào miệng, người nhà phát hiện nhưng không kịp ngăn cản. Tại bệnh viện, trong lúc các bác sĩ chuẩn bị nội soi gắp dị vật thì phát hiện chiếc kim đã đi xuống đại tràng nên dừng nội soi, đồng thời cho bé uống bổ sung thuốc nhuận tràng. Qua ngày hôm sau, chiếc kim ra ngoài qua đường đi tiêu. Theo các bác sĩ, nuốt vật nhọn rất nguy hiểm và đây là số ít trường hợp may mắn dị vật ra ngoài qua đường đi tiêu.
Cách đó chưa lâu, một bệnh nhi khác là T.V.M (12 tuổi, ngụ TP HCM) suýt bị thủng ruột do nuốt phải tăm nhọn cũng được Bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp nhận cấp cứu. Trong lúc vừa ngậm tăm vừa uống nước, bé M. vô tình nuốt luôn cây tăm vào bụng. Các bác sĩ đã nội soi gắp chiếc tăm bị gãy ra làm 3 mảnh, dị vật này đã gây tổn thương hệ tiêu hóa của bệnh nhi. Sau khi dị vật được lấy ra, tình trạng bệnh nhi ổn định và đã xuất viện...
Các bác sĩ cảnh báo các vật nhọn rất nguy hiểm nên cha mẹ cần lưu ý dọn dẹp hay để xa tầm tay của trẻ. Trẻ con vốn hiếu động, táy máy, cần sự quan tâm để mắt của người lớn nhằm tránh những trường hợp đáng tiếc.
Nguyễn Thạnh
Bình luận (0)