Khuất sâu trong lòng Bệnh viện (BV) Tâm thần TP HCM - cơ sở Chợ Quán - có một cánh cổng đóng kín. Đằng sau đó là những gian buồng bệnh không giống với bất kỳ BV nào khác. Buổi sáng, khá ít người bệnh còn nằm trên giường bởi đa số họ không gặp các vấn đề về thể chất. Họ đi lang thang trong hành lang của khu vực cách ly, trò chuyện với nhau, với người thân, nói bâng quơ một mình. Nhiều người vội xúm lại khi chúng tôi, những “người lạ” bước vào khoa, cố bắt chuyện về một chủ đề nào đó nhiều khi xa rời thực tại. Thi thoảng, một tiếng la hét xen lẫn vào bầu không khí lầm rầm tiếng nói khi có người bệnh vào cơn kích động. “Cô đã vào đây lần nào chưa?” - vị bác sĩ “dẫn đường” trước khi đưa tôi vào phía sau cánh cổng cách ly. Ông giải thích rằng không ít người đã tỏ ra rất hoảng sợ khi bước vào đây lần đầu và cảm thấy bị bao vây bởi những “người điên” cùng vô vàn lời nói, hành động khó hiểu và rất dễ nổi nóng.
Bị tấn công là chuyện thường
“Người bệnh vào đến khoa chúng tôi toàn là bệnh nặng, thường là gia đình không thể chăm sóc nổi nữa nên buộc phải đưa vào. Khi lên cơn, nhiều người bệnh rất kích động và có thể nảy sinh những hành vi nguy hiểm cho mình lẫn người xung quanh” - BS Nguyễn Hữu Thăng, Phó trưởng Khoa Nội trú của BV, chia sẻ. Theo ông, làm bất cứ nghề nào cũng phải chấp nhận một số vấn đề riêng của nó và đây không phải ngoại lệ. Đã nhiều lần, bệnh nhân “lên cơn” tự đập đầu vào tường, rạch tay chân, đòi tự tử… buộc nhân viên y tế phải can thiệp và cũng không ít lần chính nhân viên y tế trở thành đối tượng bị tấn công khi người bệnh bị kích động.
Điều dưỡng Nhữ Hoàng Long, người đã công tác hơn 10 năm tại BV, kể lại: “Năm 2003, tôi vào đây làm ở khoa nội trú nữ - khi đó 2 khoa nam - nữ chưa nhập thành 1 khoa nội trú như bây giờ. Một buổi sáng, đang bưng khay thuốc đi chuẩn bị cho bệnh nhân thì bỗng một nữ bệnh nhân nhảy lên kẹp cổ tôi. Hai tay đang vướng dụng cụ, nên tôi cũng hơi hoảng hốt nhưng cũng cố trấn tĩnh, từ từ hạ thấp người để cô gái này xuống dễ hơn, bởi cô khá thấp so với tôi. May sao, cuối cùng cô này cũng buông ra. Rồi có nhiều lần đang đi lại trong khoa, bỗng dưng có người bay ra tát. Đề phòng và sớm chặn đứng cơn kích động của người bệnh rất quan trọng, bởi khi bệnh nhân tâm thần đã lên cơn, họ luôn khỏe hơn người thường nên rất khó khống chế”.
Có vô số câu chuyện khác xảy ra giữa nơi tập trung những người bệnh tâm thần nặng nhất này. Có người còn chút tỉnh táo, có thể chăm sóc bản thân phần nào nếu được hướng dẫn nhưng cũng có người hoàn toàn mất tự chủ và nhân viên y tế phải giúp họ từ việc uống thuốc, ăn uống đến vệ sinh cá nhân. Mỗi ngày thường có 1 bác sĩ, 2 điều dưỡng, 3 hộ lý trực 24/24 giờ và nhiều người khác làm theo giờ hành chính để chăm sóc hơn 70 bệnh nhân đang điều trị tại khoa. Giờ hành chính ở đây chỉ kéo dài 7 giờ, theo quy định dành cho những lao động đặc biệt làm công việc có tính chất nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại. Nguy cơ của công việc này không chỉ nằm ở những vụ bệnh nhân tấn công mà còn ở chỗ bệnh tâm thần cũng “lây” nếu không biết cách tiếp xúc đúng. “Trong ngành tâm thần có thuật ngữ “chuyển di”, nôm na là sự “lây” bệnh tâm thần từ người bệnh đến những người chăm sóc, bằng chứng là nhiều thân nhân của người bệnh sau một thời gian chăm bệnh thì… vào viện luôn. Bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý thì lại tiếp xúc với bệnh nhân thường xuyên với nhiều người năm này sang năm khác… Nếu không biết vận dụng nghề để chống “chuyển di” thì có khi… bệnh theo luôn” - BS Thăng cười.
Thế giới của người tâm thần
Nhiều lần bước vào BV Tâm thần để tác nghiệp, chúng tôi từng có những cuộc chuyện trò ngắn với bệnh nhân và được các bác sĩ hướng dẫn cách để đối thoại cùng họ. Câu chuyện của người tâm thần thường mông lung, rời rạc, có cả niềm vui ngô nghê và nỗi đau… Một người thanh niên bị ma túy tàn phá, sinh bệnh tâm thần, thao thao bất tuyệt bằng tiếng Anh về chuyến du học dang dở và giấc mơ làm nhà kinh doanh; một thanh niên khác trên mình chằng chịt hình xăm, không nhớ nổi tên mình nhưng vẫn nhớ hình ảnh đứa con gái nhỏ sinh ra từ cuộc tình với một cô bạn gái cũng nghiện ngập và đã khóc ngay trước mặt người không quen khi chia sẻ rằng điều duy nhất anh muốn là khỏi bệnh và giành quyền nuôi con…
Người tâm thần bước ra ngoài xã hội với không ít sự kỳ thị, bị coi là “điên”, không biết gì, nên khao khát từng lời trò chuyện mỗi khi gặp ai đó, dù quen dù lạ. Ít ai biết, sự xa lánh chỉ làm họ chìm sâu vào thế giới của những cơn mê, tách biệt xã hội hơn. Vì vậy, những cuộc chuyện trò thân mật, những lời hỏi thăm vừa là nghiệp vụ chẩn bệnh, điều trị của bác sĩ, điều dưỡng chuyên khoa vừa là cách để họ giúp bệnh nhân khuây khỏa, hợp tác điều trị và nối lại dần những mối dây đã đứt với xã hội.
Như đã quen, chị Nguyễn Thị Thu Thủy, điều dưỡng trưởng của khoa, luôn nói chuyện với một giọng rất nhẹ nhàng. Và chính giọng nói êm ái đó đã giúp người phụ nữ nhỏ bé làm tốt công việc cũng như tránh những sự tấn công, nổi nóng bất ngờ trong những gian buồng đầy người bệnh nặng, hầu hết là nam giới. “Nói người tâm thần không biết gì là không đúng. Họ vẫn có nhu cầu trò chuyện, chia sẻ. Câu đầu tiên khi tiếp xúc với người bệnh nên là lời hỏi thăm, tạo sự tin tưởng và cảm giác an toàn nơi họ, như thế thì họ mới hợp tác với mình. Nhiều người đến lúc ra viện cứ đòi ở lại, hỏi ra mới biết, ở thế giới ngoài kia họ bị cô lập, đến khi vào viện mới có được người để trò chuyện… Và họ rất cần được cảm thông, bởi dù có khi họ gây, đánh chúng tôi nhưng đó là vì bệnh chứ bản thân, hoàn cảnh họ lại rất đáng thương” - chị tâm sự.
Một điều đặc biệt nữa ở nơi này, đó là nhân viên y tế thường gọi bệnh nhân bằng tên và nhớ rõ đặc điểm bệnh, vài nét về hoàn cảnh của họ. “Thiết lập mối quan hệ với bệnh nhân là yêu cầu rất cần thiết trong điều trị. Ngoài ra, chúng tôi cũng được học từ trong trường y về cách chuyện trò, trao đổi với bệnh nhân theo cách đặc biệt, nhờ đó người bệnh - thường không nghe ai - sẽ nghe và tin tưởng chúng tôi. Nói chuyện với họ phải nói theo những cách không bình thường, nên đôi khi, vì đùa vui hay vô tình, chúng tôi cũng bất chợt nói kiểu như thế với người ngoài, làm nhiều người cứ tưởng bác sĩ tâm thần ở gần người bệnh lâu cũng “bất thường” theo” - BS Thăng hóm hỉnh.
Trăn trở tiếng “gia đình”
Điều dưỡng Nguyễn Thị Thu Thủy nói rằng điều làm chị băn khoăn nhất trong nghề chính là những bệnh nhân vô danh, được công an đưa về nhưng mãi vẫn không tìm được người thân dù nhân viên y tế đã cố điều trị và khai thác dần dần những thông tin mập mờ trong trí nhớ ít ỏi của họ. Sau mấy tháng vô vọng, tiễn họ đi đến các cơ sở điều dưỡng của Sở LĐ-TB-XH, các chị vẫn cẩn thận lưu lại thông tin với hy vọng sẽ có người đến tìm họ. Nhiều người thì có gia đình hẳn hoi nhưng bị bỏ rơi trong những năm tháng bệnh tật cũng là một mối trăn trở của chị. “Mong sao người tâm thần sẽ có được sự quan tâm, gần gũi của người thân vì đó là liều thuốc tốt nhất giúp họ khỏi bệnh”. Với chị, niềm vui lớn nhất trong nghề là những lần người bệnh vui mừng được thân nhân đưa về, không quên quay lại nói lời của người đã tỉnh: “Trong lúc ở đây em có lỡ làm gì chị buồn thì chị bỏ qua cho em nhé…”.
Bình luận (0)