PGS-TS Trần Thu Hương, Hội Tâm lý học Việt Nam - Trường ĐH KHXH-NV (ĐHQG Hà Nội), cho rằng những đứa trẻ như vậy, tương lai sẽ có nguy cơ rơi vào nhiều vấn đề sức khỏe tâm thần và rõ nhất là rối loạn stress sau sang chấn.
Biến cố làm thay đổi trẻ
Theo PGS-TS Trần Thu Hương, đại dịch đã là một sang chấn, mất người thân là một sang chấn lớn nữa khiến trẻ dễ bị tổn thương về mặt tâm lý. Thông thường trẻ nhỏ cần có chỗ dựa vững chắc là cha mẹ, ông bà, người thân để có cảm giác an toàn nhưng trong bối cảnh này, trẻ bị mất chỗ dựa nên sự an toàn cũng mất đi. Điều này làm trẻ rơi vào những trạng thái tâm lý khác nhau, phụ thuộc vào từng độ tuổi, đặc trưng cá nhân.
Đại diện Báo Người Lao Ðộng trao tặng quà của chương trình “Tình thương cho em” cho trẻ em mồ côi là con của công nhân - lao động làm việc ở TP HCM và một số tỉnh - thành, chẳng may mắc Covid-19 và qua đời .(Ảnh: QUỐC THẮNG)
Khi đứng trước biến cố này, trẻ có thể sẽ lo âu, ám ảnh lớn, gặp vấn đề về sự chia tách, phân ly hoặc thậm chí là hình thành những hành vi ra khỏi chuẩn mực. Vì khi vượt ra khỏi chuẩn mực, thay đổi bản thân càng nhiều, trẻ càng thấy an toàn. Nhưng trên thực tế, trẻ càng có hành vi ra khỏi chuẩn mực bao nhiêu thì cảm giác mất an toàn càng nhiều bấy nhiêu.
Dấu hiệu nhận biết rõ ràng nhất khi trẻ khủng hoảng tâm lý là có hành vi xung đột vượt ra khỏi nguyên tắc như: chống đối, gây hấn, khó chịu, khóc lóc, không cho người khác đến gần... Bên cạnh đó, trẻ có thể hoặc rơi vào trạng thái trầm mặc, rút lui khỏi các mối quan hệ xã hội, tự cô lập bản thân, không giao tiếp, buồn rầu, mất ngủ, rối loạn ăn uống.
"Nhiều trẻ mồ côi vì Covid-19 bị khủng hoảng tâm lý, mất ngủ kéo dài, sốc, hoang mang sau khi mất cha mẹ đột ngột. Các em cần được chăm sóc tâm lý đúng cách để trở về cuộc sống bình thường" - PGS-TS Hương nói.
Dành tình thương cho trẻ
TS Ngô Xuân Điệp, Trưởng Khoa Tâm lý học Trường ĐH KHXH-NV (ĐHQG TP HCM), cho biết quan hệ mẹ con, cha con là quan hệ gắn bó chặt chẽ với nhau, khi hình ảnh người cha, người mẹ mất rồi thì trẻ sẽ cảm thấy chơi vơi, không còn được chăm sóc, quan tâm, dạy dỗ hằng ngày, tâm sự, lo lắng, yêu thương. Có những đứa trẻ cảm thấy rất khủng khiếp khi phải xa rời người thân.
Nếu không có sự hỗ trợ tâm lý, trẻ sẽ rơi vào tình trạng hoảng loạn và khủng hoảng, lâu ngày sẽ ảnh hưởng trầm trọng đến đời sống tâm lý, quá trình phát triển về nhân cách, xu hướng, giá trị của trẻ. Nó sẽ làm biến đổi một đứa trẻ theo chiều hướng tiêu cực. Vì vậy, việc chăm sóc tâm lý của trẻ mồ côi do Covid-19 hiện nay là vấn đề rất cấp bách, quan trọng, những đứa trẻ này cần được hỗ trợ một cách chuyên nghiệp để quay lại cuộc sống bình thường, ổn định. Từ đó, dần hòa nhập vào cuộc sống, có thể đến trường, tham gia vào các hoạt động xã hội.
Điều quan trọng nhất phải làm khi trẻ rơi vào cơn khủng hoảng và không thể tự qua được, là người thân phải dành tình thương, sự quan tâm của mình cho trẻ, cố gắng thấu hiểu tâm lý của trẻ. Không có phương pháp nào quan trọng bằng sự hiện diện của người thân, giúp trẻ vượt qua khủng hoảng tâm lý. Người thân có thể đưa trẻ đến các phòng khám tâm lý để nói chuyện với trẻ, chơi với trẻ để trẻ giải tỏa căng thẳng, khủng hoảng; dần trở lại trạng thái tâm lý cân bằng.
Bình luận (0)