Nếu bạn tập chỉ để khỏe, để đẹp, hãy nghỉ ngơi hợp lý khi gặp những cơn đau - ảnh HOÀNG TRIỀU
Hết mùa hội thao do các đơn vị trong ngành tổ chức, anh Ng.B.M. (40 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) cũng… đi hết nổi. Chuyện là anh có tham gia gần chục trận bóng đá và bóng bàn trong hội thao và đã bị không ít chấn thương. "Tinh thần thể thao" đang lên, anh thủ sẵn trong người chai thuốc xịt gây tê, cứ chấn thương là dùng. Mùa giải hết, anh mới ở nhà tịnh dưỡng. Đến lúc đó, cái cổ chân bong gân, cái đầu gối bị đập xuống sàn vài lần và rất nhiều vùng cơ bị đau nhừ mới hành hạ anh. Cuối cùng, anh phải đi bệnh viện vì cổ chân và đầu gối bên trái quá đau.
Tương tự, chị N.T.H. (25 tuổi) quyết tâm tìm một vóc dáng hoàn hảo bằng cách tự thực hiện ở nhà cùng lúc 3 "thử thách tập luyện" phổ biến trên mạng. Một cái là động tác plank, một cái là động tác squat, cái còn lại là thử thách 5 bài tập bụng hỗn hợp với yêu cầu người tập tăng dần mức độ. Thế nhưng, với cơ thể chưa từng tập luyện thể thao và chế độ tập có quá nhiều bài tập nặng tác động đến cơ bụng, chị bị căng cơ, đau bụng và lưng dữ dội trong những ngày đầu. Quyết không bỏ cuộc, chị uống và bôi các loại thuốc giảm đau, tiếp tục cố gắng. Càng cố, chị càng đau đớn và phải tìm đến bác sĩ chỉ sau 5 ngày.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Trọng Ánh, Giám đốc Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng TP HCM, bạn có thể khá quen thuộc với hình ảnh các cầu thủ đau đớn nằm vật ra sân, sau đó được xịt thuốc giảm đau, gây tê tại chỗ rồi lại ra sân tiếp tục thi đấu. Họ làm thế vì đó là công việc, vì không thể bỏ dở nhiệm vụ. Nhưng với người bình thường, tập luyện chỉ để khỏe, để đẹp, việc cố cầm cự bằng thuốc để ra sân tập với chấn thương chưa khỏi là không nên và hết sức vô lý.
Việc chuẩn bị sẵn thuốc men, dụng cụ sơ cứu khi chơi thể thao – dù chỉ để khỏe, để đẹp cho mình – chắc chắn là điều cần thiết. Nhưng bạn nên sử dụng chúng một cách phù hợp. Ví dụ, hãy mang theo một chai xịt gây tê tại chỗ khi bạn đá bóng, tập gym nặng. Trong trường hợp bị bong gân, đau cơ, nó sẽ giúp bạn giảm bớt cơn đau tức thời, giúp bạn đủ sức di chuyển về nhà nghỉ ngơi hoặc đến viện nếu cần mà không phải quá đau đớn. Giảm đau cũng là một trong những bước quan trọng trong điều trị các vết thương, giúp bệnh nhân thoải mái hơn và không phải chịu những tác động tiêu cực mà cơn đau có thể mang lại. Nhưng dùng biện pháp gây tê tại chỗ để… cố tập tiếp thì xin đừng!
Bác sĩ Đỗ Trọng Ánh, Giám đốc Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng TP HCM:
"Cơn đau là một phản ứng tự nhiên của cơ thể, báo hiệu với bạn rằng cần để cho phần cơ thể đó nghỉ ngơi, có thời gian lành thương. Việc cố gắng chống lại phản ứng tự nhiên này, bằng cách cắn răng chịu đựng hay bằng thuốc là hoàn toàn có hại. Bạn sẽ dễ chuốc thêm các vết thương khác, và chúng cứ "cộng dồn" với nhau, làm tình trạng của bạn nặng hơn, một khi bạn chưa chịu nghỉ ngơi và điều trị. Nếu bạn tập luyện chỉ cho chính mình, thì rõ ràng việc này đi ngược với mục đích "tập để khỏe" của bạn"
Bình luận (0)