Gym (viết tắt của Gymnastics) là nơi tập thể hình hay thể dục, giới trẻ hay gọi là tập gym. Vài năm gần đây, hình ảnh những nam nữ thanh niên với cơ thể khỏe, đẹp đã có sức thu hút không nhỏ đối với công chúng, từ đó tập gym trở thành lựa chọn của nhiều người. Song, do không có điều kiện đến phòng tập nên không ít người đã mua dụng cụ về nhà tự tập dẫn đến một số phiền phức.
Trẻ, khỏe cũng đừng chủ quan
Mới đây, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học The Journal of Strength (Mỹ) đã đưa ra một kết luận bất ngờ về động tác plank rất phổ biến trong gym, một trong những bài tập hiệu quả nhất cho cơ bụng, lưng, sàn chậu... Trong khi những người tập gym cố gắng đẩy giới hạn chịu đựng khi plank lên đến 5-10 phút (kỷ lục thế giới là 8 giờ), các nhà khoa học lại cho rằng mỗi hiệp plank không quá kéo dài. Thời gian tối thiểu là 10 giây nhưng tối đa cũng không nên hơn con số đó nhiều. Nếu cố làm động tác này quá lâu, bạn có nguy cơ gặp phải các vấn đề về huyết áp, đồng thời bị đau đớn do lưng dưới chịu quá nhiều áp lực. Còn theo GS Stuart McGill - chuyên ngành cơ chế sinh học cột sống, ĐH Waterloo (Canada) - nếu bạn còn trẻ và có thể trạng thật tốt, phù hợp với tập gym cường độ cao thì cũng không nên duy trì hiệp plank quá 1 phút.
Động tác plank rất tốt để cải thiện sức mạnh, làm săn chắc cơ bụng, cơ lưng… nhưng bạn cần lưu ý tập với thời lượng vừa phải Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Cơn tăng huyết áp cũng từng đe dọa nữ doanh nhân Ng.T.B (45 tuổi; ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM). Chị vốn tập thể thao từ trẻ nên vóc dáng khá cân đối, khỏe mạnh. Tuy nhiên, tuổi tác khiến cơ bụng không còn săn chắc, vì thế chị đã mua về một dụng cụ hỗ trợ tập cơ bụng; trong đó, phần ván nằm của thiết bị này được thiết kế cong, dốc khiến người tập khi gập bụng phải bắt đầu bằng tư thế nằm dốc xuống, đầu thấp hơn hông đến 40-50 cm. Chỉ đến ngày tập thứ hai, chị đã phải tìm đến bác sĩ (BS) bởi tư thế nằm dốc đầu xuống khiến căn bệnh cao huyết áp của chị tái phát.
TS-BS Nguyễn Tiến Lý, Phó Giám đốc Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM, nhìn nhận: "Tập luyện ở nhà, dù là tập thể dục nhẹ nhàng hay tập nặng hơn như gym là điều rất nên khuyến khích. Tuy nhiên, như bất cứ môn thể thao nào, người tập cần có sự tìm hiểu kỹ lưỡng với sự hướng dẫn của người có chuyên môn để thực hiện đúng cách, phù hợp với thể trạng từng người. Đó là lý do dù bạn còn trẻ, khỏe cũng không nên chủ quan".
Người có bệnh, trên 40 tuổi: Thận trọng
BS chuyên khoa II Vương Hữu Định, Trưởng Khoa Chấn thương Chỉnh hình Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh, lưu ý người bắt đầu tập cần cẩn trọng nếu đã trên 40 tuổi hoặc đang mang trong người các bệnh lý mạn tính. "Cho dù thời trẻ bạn từng tập luyện rất nặng nhưng nếu sau nhiều năm mới tập lại thì cũng xem như bắt đầu tập từ đầu. Khi đã qua tuổi 40, cần hiểu rằng cơ thể đã bắt đầu thoái hóa, dễ bị tổn thương hơn thời thanh niên" - BS Định nói.
BS Định cũng khuyến cáo rằng nếu cơ thể đang mắc các bệnh lý, ví dụ như bị cao huyết áp, bệnh tim mạch… thì người bệnh nên tham khảo ý kiến BS điều trị trước khi quyết định tập gym hay chơi bất kỳ môn thể thao nào. Cũng đừng bi quan rằng có bệnh là không thể tập luyện. Chính sự thăm khám và các lời khuyên của BS điều trị sẽ giúp bạn hoặc huấn luyện viên của bạn chọn lựa những bài tập phù hợp, an toàn. Ngoài ra, nhóm người trên 40 tuổi muốn bắt đầu một giai đoạn luyện tập cơ thể gắt gao cũng nên đi kiểm tra sức khỏe tổng quát.
Các BS cũng lưu ý nhóm người có các bệnh về cơ - xương - khớp. Ví dụ nếu bạn bị đau lưng thì không nên tập những động tác khiến cột sống chịu lực quá mạnh, thường xuyên phải cúi gập hay có thao tác khiến cơn đau nặng nề thêm; người bị thoái hóa khớp gối nên đạp xe hơn là đi bộ, tránh các động tác khiến khớp gối chịu lực nặng… Nếu còn băn khoăn, hãy tham khảo ý kiến BS chuyên khoa. Ngoài ra, nếu lựa chọn tập gym tại nhà mà bản thân chưa hiểu biết rõ về gym, bạn nên nghĩ đến việc tìm một huấn luyện viên trong thời gian đầu. Huấn luyện viên sẽ giúp bạn chọn lựa bài tập phù hợp với sức khỏe, nhu cầu cải thiện vóc dáng cũng như cách tập đúng cho nhiều động tác - điều mà một số người vẫn gặp rắc rối khi chỉ ghi nhận qua các video trên mạng.
Cơn đau thường hết sau 3-5 ngày
Theo TS-BS Nguyễn Tiến Lý, khi tập luyện, không ít người gặp phải những cơn đau. Để hạn chế điều đó, hãy khởi động trước khi bắt đầu một động tác gym vốn cần nhiều sức lực và cơ bắp. Khi bắt đầu mỗi bài tập chỉ nên làm ít, rồi tăng dần qua từng ngày để cơ thể thích nghi, tránh tình trạng căng cơ, chuột rút, chấn thương vi thể… Ngoài ra, bạn cũng có thể bị đau khi lỡ làm sai một động tác hay tập quá sức. Những cơn đau cơ - xương - khớp thường sẽ tự khỏi sau 3-5 ngày nếu nghỉ ngơi đúng cách. Tuy nhiên, nếu đau mãi không hết - cơn đau tăng lên thay vì giảm bớt - nhất thiết phải đến gặp BS.
Bình luận (0)