Các bệnh mạn tính không lây có nguy cơ gây tàn phế nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Vậy những người mắc bệnh mạn tính không lây cần lưu ý những gì để có thể duy trì tình trạng sức khỏe tốt nhất?
Bệnh đái tháo đường
Nguyên tắc chung về chế độ ăn cho người mắc bệnh đái tháo đường là bữa ăn phải cung cấp đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng (cả đa lượng và vi lượng) để không làm tăng cao đường máu sau bữa ăn; không bị hạ đường máu lúc đói; không làm tăng mỡ máu, tăng huyết áp, suy thận (nhiều người thực hiện chế độ ăn kiêng, không ăn cơm mà chuyển sang ăn thịt, làm cho thận và nhiều cơ quan khác phải làm việc nhiều hơn).
Chế độ ăn cho bệnh mạn tính không lây cần tăng cường rau xanh, trái cây (Ảnh minh họa từ Internet)
Cần đảm bảo 3 bữa chính, 1 - 3 bữa phụ (ăn nhẹ). Không kiêng khem quá mức như không ăn cơm, chỉ ăn thịt với rau, như vậy sẽ không tốt cho sức khỏe. Cách chế biến cũng ảnh hưởng không nhỏ tới chỉ số tăng đường huyết sau ăn (khoai lang, thịt, nếu ăn luộc sẽ tốt hơn là ăn nướng; các loại rau củ nên ăn luộc thay vì xào…).
Duy trì trọng lượng cơ thể ở mức vừa và đủ. Người gầy cần phải tăng cân, người béo cần phải giảm cân, nhưng tăng hay giảm cũng nên thực hiện từng bước đưa trọng lượng cơ thể về mức nên có (dựa theo chỉ số BMI).
Không ăn quá ngọt, hạn chế thức ăn xào, rán và nhiều chất béo, các loại đồ uống có cồn (rượu, bia). Ưu tiên dùng thực phẩm có chỉ số đường huyết (GI) thấp.
Bệnh tăng huyết áp
Người mắc bệnh tăng huyết áp nên tăng cường ăn rau xanh, quả chín (nên ăn dạng miếng, múi hơn là xay, ép lấy nước uống, vì ăn cả miếng sẽ góp phần tăng lượng chất xơ); nên dùng các loại thịt nạc, ít béo, không ăn mỡ động vật và các loại nội tạng động vật.
Tăng lượng chất xơ trong bữa ăn, các loại thực phẩm sau có nhiều chất xơ: gạo lật nảy mầm (loại gạo chỉ xay bỏ vỏ trấu, chưa được xát bỏ lớp cám gạo), gạo lứt (còn gọi là gạo rằn). Hạn chế ăn mặn và sử dụng các loại thực phẩm chế biến sẵn, có nhiều muối, đường.
Bệnh gút
Gút là một bệnh rối loạn chuyển hóa purin làm tăng acid uric trong máu dẫn đến ứ đọng tinh thể muối urat (một dạng muối của axit uric). Nếu lắng đọng ở khớp (sụn khớp, bao hoạt dịch) làm cho khớp bị viêm gây đau đớn, lâu dần gây biến dạng, cứng khớp. Nếu lắng đọng ở thận gây bệnh thận do cặn urat (viêm thận kẽ, sỏi thận…).
Nhiều công trình nghiên cứu đã chứng minh chế độ ăn uống có vai trò rất quan trọng trong việc giảm acid uric và đẩy lùi bệnh gút. Để làm được điều này người bệnh chỉ nên dùng những thực phẩm không có purin hoặc có hàm lượng purin thấp. Người bị gút cần đảm bảo bữa ăn có đủ các chất dinh dưỡng. Ăn vừa phải các loại thức ăn chứa nhiều nhân purin (thịt, cá, hải sản, các loại phủ tạng...). Giảm bớt lượng đạm trong khẩu phần.
Một số nhóm thực phẩm mà người mắc bệnh gút cần lưu ý hạn chế sử dụng là: cá hồi, cá cơm, cá mòi, cá tuyết, cá trích, trai, sò điệp… Trong 100g các loại cá kể trên thì có tới 110 - 345mg purin; trong thịt heo, gà, bò, vịt, thịt xông khói… có từ 100 -150mg purin.
Tăng cường thực phẩm có nhiều chất xơ, có tác dụng tăng đào thải axit uric ra khỏi cơ thể (các loại rau xanh, nước chanh tươi).
Herbalife Việt Nam hân hạnh đồng hành cùng chuyên mục này
Bình luận (0)