Bạn đọc Trần Châu Minh (nam, 50 tuổi, quận Tân Bình, TP HCM) hỏi: 3 đợt khám sức khỏe tổng quát vừa rồi bác sĩ đều nói tôi bị cholesterol cao (khám 6 tháng/lần). Thú thật lỗi cũng do tôi, tôi có cố điều chỉnh ăn uống nhưng đôi khi do công việc phải ăn đồ ăn nhanh hoặc đi nhậu, có ăn những món không tốt cho cholesterol. Người quen của tôi cảnh báo rằng nếu tiếp tục như thế thì tôi sẽ có nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ và nảy sinh nhiều bệnh khác, vì cholesterol cao chỉ là triệu chứng và để triệu chứng này lâu nó mới thành bệnh, có đúng không? Tôi có một người bạn vừa bị nhồi máu cơ tim, may là cứu kịp và người nhà có nói trước đó anh ấy khỏe lắm, cũng chỉ bị cholesterol cao. Không biết cholesterol cao có phải là thứ gây ra cơn nhồi máu cơ tim?
Bác sĩ chuyên khoa II Trương Quang Anh Vũ, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Thống Nhất, trả lời:
Anh đã nhận định đúng, tăng cholesterol máu (rối loạn lipid máu) là một trong các yếu tố nguy cơ của bệnh lý động mạch vành (bệnh mạch vành). Đây là căn bệnh gây tử vong hàng đầu trong nhóm bệnh lý tim mạch, với biến chứng nặng nề nhất là cơn nhồi máu cơ tim, có thể gây tử vong.
Có nhiều yếu tố nguy cơ gây ra bệnh động mạch vành. Bên cạnh các yếu tố nguy cơ không thay đổi được (tuổi cao, nam giới hay mắc bệnh hơn, yếu tố di truyền), các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được như: tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, hút thuốc lá, thừa cân, tiểu đường, lười vận động.
Các yếu tố nguy cơ này, bao gồm chứng cholesterol cao mà anh đang lo ngại, có thể thay đổi được nhờ thay đổi lối sống, vận động, tiết chế dinh dưỡng và điều trị bằng thuốc kiểm soát huyết áp, đường huyết và lipid máu.
Anh đã đi khám sức khỏe 3 lần, cách nhau 6 tháng và đều được cảnh báo về cholesterol cao, đó là dấu hiệu cho thấy anh nên đi khám kỹ vấn đề này và có kế hoạch để mức cholesterol trở lại bình thường, trước khi nó thực sự gây ra bệnh mạch vành.
Anh cần kiểm tra thường xuyên các chỉ số liên quan đến rối loạn lipid máu như cholesterol, HDL-C, LDL-C, Triglycerides, thông qua xét nghiệm máu. Tùy vào mức độ xét nghiệm, bác sĩ sẽ tư vấn cách can thiệp và có thể chỉ định dùng thêm thuốc (Statine hoặc Fibrate) nếu cần.
Quan trọng hơn, anh phải thay đổi lối sống ngay lập tức thì mới có thể giảm cholesterol và ngăn ngừa các biến chứng do cholesterol cao – rối loạn lipid máu mang lại. Đó là chế độ ăn tiết chế dinh dưỡng: giảm món ăn béo, món ăn sử dụng nhiều dầu mỡ trơng chế biến; giảm tinh bột. Ngoài ra, anh nên tập thể dục thường xuyên, tăng cường vận động trong ngày vì như tôi nói ở trên, lười vận động cũng là yếu tố nguy cơ gây ra rối loạn lipid máu và bệnh mạch vành.
Bình luận (0)