PM2.5 là dạng vật chất hạt siêu nhỏ trong không khí ô nhiễm, được giải phóng qua khói xe, hoạt động công nghiệp..., từ lâu đã được chứng minh qua các nghiên cứu dạng quan sát là làm tăng nguy cơ nhiều bệnh.
Trong nghiên cứu mới được công bố trên Scientific Reports, nhóm khoa học gia dẫn đầu bởi ba nhà nghiên cứu Qiao Liu, Zang Wang và Junjle Lu từ Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Giang Tô và Đại học Giang Tô (Trung Quốc) đã chứng minh phơi nhiễm PM2.5 tỉ lệ thuận với mức cholesterol xấu LDL và cholesterol toàn phần.
Tăng mỡ máu là vấn đề nguy hiểm bởi có thể gây cản trở lưu thông của dòng máu, tăng nguy cơ các biến cố tim mạch - Ảnh minh họa từ Internet
Công trình được thực hiện tại TP Nghi Hưng (tỉnh Giang Tô - Trung Quốc) trên các bejenhe nhân tham gia khám sức khỏe từ năm 2015 đến 2020 tại Bệnh viện Nhân dân Nghi Hưng.
Theo News-Medical, các tác giả đã thu thập báo cáo về các chỉ số liên quan đến mỡ máu như cholesterol xấu LDL, cholesterol tốt HDL, chất béo trung tính triglyceride và cholesterol toàn phần.
Tình trạng rối loạn lipid máu, mà dân gian hay gọi nôm na là tăng mỡ máu hay mỡ trong máu, được đại diện bởi sự tăng choleterol xấu - cholesterol toàn phần - triglyceride, cùng sự giảm cholesterol tốt.
Vấn đề này chủ yếu do ăn uống, nhưng các nhà nghiên cứu nghi ngờ rằng yếu tố môi trường cũng đóng góp.
Kết quả nghiên cứu trên gần 198.000 người tham gia đã chỉ ra những người phải tiếp xúc ô nhiễm hạt mịn PM2.5 nhiều nhất, chủ yếu do môi trường sống và làm việc, có mức cholesterol xấu và cholesterol toàn phàn cao hơn hẳn, dù có vẻ ảnh hưởng với triglyceride ngược lại.
Nghiên cứu không chỉ ra cơ chế tác động cụ thể nhưng là lời cảnh báo cho thấy các hành động chống lại ô nhiễm không khí là rất cần thiết, cũng như việc đeo khẩu trang khi đi trên những con phố nhiều xe cộ có thể bảo vệ bạn phần nào.
Một số nghiên cứu trước đó cũng liên kết PM2.5 với sự gia tăng bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu và mất trí nhớ ở người cao tuổi.
Bình luận (0)