Tiểu Ban truyền thông, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 vừa ban hành kế hoạch truyền thông phòng chống dịch Covid-19 với thông điệp "Cảnh giác, chủ động để bảo vệ thành quả phòng, chống dịch".
Theo kế hoạch này, Chính phủ nhận định sau hơn 1 tháng thực hiện Nghị quyết số 128/NQ CP ngày 11-10-2021 quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc; tâm thế và nhận thức của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương, của người dân và doanh nghiệp đã được nâng lên, vừa đảm bảo cuộc sống hoạt động ở trạng thái bình thường mới, không chủ quan lơ là với dịch bệnh, vừa từng bước khôi phục và phát triển kinh tế.
Các địa phương tăng cường tiêm chủng vắc-xin để phòng chống dịch Covid-19
Tuy nhiên, số ca nhiễm mới trong cộng đồng có dấu hiệu tăng lên ở hầu hết các địa phương; tình hình biến chủng mới xuất hiện trên thế giới, có thể có diễn biến phức tạp, đã gây tâm lý lo ngại; người dân một số nơi lại có biểu hiện chủ quan, lơ là. Điều đó đặt ra áp lực đối với các cơ quan thường trực phòng, chống dịch và các cơ quan truyền thông phải tiếp tục tuyên truyền để thống nhất nhận thức đối với toàn xã hội.
Căn cứ kết luận, chỉ đạo mới của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Tiểu ban Truyền thông ban hành kế hoạch tuần truyền thông phòng, chống dịch với thông điệp "Cảnh giác, chủ động để bảo vệ thành quả phòng, chống dịch" (từ ngày 29-11 đến ngày 6-12-2021)
Theo đó, đối với Bộ Y tế (Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19) cần chủ động cung cấp thông tin về những diễn biến mới, kèm theo những lý giải, phân tích giữa tình hình dịch bệnh trong nước và tình hình dịch bệnh trên thế giới để người dân có cái nhìn tổng thể về mức độ kiểm soát dịch bệnh ở Việt Nam, cũng như chuẩn bị tâm thế để ứng phó với những diễn biến mới trong thời gian tới.
Đặc biệt, những thông tin nhạy cảm đối với xã hội khi xảy ra sự cố ngoài ý muốn (sự cố khi tiêm chủng xảy ra sốc phản vệ với cả người lớn và trẻ em, tai biến nặng sau tiêm...), đề nghị Bộ Y tế chủ động có thông tin kịp thời để dư luận không hoang mang, không gây tâm lý tiêu cực.
Các cơ quan báo chí cần tiếp tục truyền thông sâu rộng quan điểm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 để cài đặt thói quen "bình thường mới" vào tiềm thức hàng ngày của từng người, "bình thường mới" không phải là bình thường, nghĩa là tuyệt đối không được lơ là, chủ quan nhưng cũng không hoảng hốt, lo sợ, mất bình tĩnh trước diễn biến dịch bệnh.
Truyền thông nhấn mạnh đánh giá cấp độ dịch để xây dựng kế hoạch, kịch bản, phương án phòng, chống dịch theo hướng ở quy mô càng nhỏ càng tốt, đánh giá tới cụm dân cư, từng khu dân cư...
Khi đó, các biện pháp ngăn chặn dịch hiệu quả hơn mà không ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân, sự phát triển kinh tế - xã hội trên diện rộng. Việc sớm đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng với hơn 75% người dân được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin Covid-19 sẽ thay đổi tiêu chí đánh giá dịch theo hướng đánh giá tỉ lệ bệnh nhân nặng, nhập viện, tử vong, tình hình đáp ứng thu dung, điều trị bệnh nhân mà không đặt nặng về số ca mắc mới.
Chủ động truyền thông về việc xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 (B.1.1.529 - biến thể Omicron) ở nhiều nước Châu Âu (Anh, Đức, Ý, Hà Lan...) để nâng cao cảnh giác.
Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo các quốc gia Đông Nam Á không nên buông lỏng ý thức phòng, chống dịch, cảnh báo một số quốc gia trên thế giới có thể phải "đóng cửa trở lại" nếu không cùng nhau kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Bình luận (0)