Chiều 29-11, tại buổi họp báo định kỳ về công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn, thông tin về việc TP HCM đã có kế hoạch gì để ứng phó với biến thể mới Omicron, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP, cho biết việc phòng chống dịch sẽ thống nhất từ Trung ương tới địa phương. Ban Chỉ đạo liên ngành đã chỉ đạo vẫn theo nguyên tắc là vắc-xin + 5K.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP HCM, thông tin tại buổi họp báo
Nói thêm về vấn đề này, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP HCM, cho biết dù là biến thể gì đi nữa thì cũng lây qua đường hô hấp. Do đó, biện pháp tốt nhất là thường xuyên đeo khẩu trang. Mở rộng ra là 5K, trong đó giảm tụ tập, la cà.
TP HCM đã giao Sở Y tế thường xuyên theo dõi việc thực hiện chỉ đạo về biến thể này của Bộ Y tế. Có vấn đề gì, ngành y tế sẽ cảnh báo ngay. "Thực ra đến nay, chúng ta cũng chưa biết nó là như thế nào, chưa có tài liệu nào chính thức của WHO" - ông Hải nhấn mạnh.
TP HCM cũng đã chuẩn bị các kịch bản, trong đó có chăm sóc F0, xây dựng trạm y tế lưu động, củng cố trạm y tế phường, xã; tăng cường vắc-xin; tăng sự phối hợp chặt chẽ, bài bản hơn trên 3 khía cạnh gồm y tế công và tư, đông y và tây y, quân y và dân y.
"Những điều trên chính là những việc để TP HCM chuẩn bị ứng phó với biến chủng mới" - ông Hải cho biết.
Hiện nay, số người mắc Covid-19 tại TP HCM vẫn còn cao, dao động từ 1.400 đến 1.700 ca/ ngày. Bên cạnh đó, số ca tử vong có xu hướng tăng, dao động từ 60 đến 72 ca/ ngày. Ngoài ra, số ca nhập viện luôn cao hơn số xuất viện.
Ôông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP HCM, thông tin tại buổi họp báo
Dù vậy, TP HCM vẫn đang kiểm soát dịch bệnh. Nhiều tuần liên tiếp, cấp độ dịch ở TP vẫn ở cấp 2. TP HCM đã chuẩn bị đầy đủ kịch bản xử lý tình huống khi ca mắc mới tăng cao. TP HCM đề nghị người dân không hoang mang, cũng không chủ quan, lơ là mà thực hiện tốt nhất quy định của ngành y tế, đặc biệt là 5K; cố gắng giảm bớt thói quen tụ tập, la cà... Nếu thực hiện tốt 5K, chắc chắn sẽ giảm số ca mắc và kéo theo giảm cả số ca tử vong.
Hiện TP HCM có 319 trạm y tế, sẽ bổ sung 344 trạm y tế lưu động. Nguồn nhân sự hoạt động ở các cơ sở này là từ các trung tâm y tế, bệnh viện quận - huyện. Để hỗ trợ thêm cho các hệ thống y tế lưu động, mới đây, Sở Y tế đã tham mưu và trình UBND TP HCM đề án thực hiện chăm sóc F0 tại nhà với sự tham gia của y tế tư nhân.
Số bệnh nhân nhập viện ở tầng 2, 3 của TP HCM là khoảng 11.000 ca, trong khi tổng số giường là trên 31.000. Do đó, số ca nhập viện vẫn thấp hơn số giường hiện có.
Về tình trạng mua bán các loại thuốc kháng virus, trong đó có Molnupiravir, đại diện Sở Y tế TP HCM cho biết đã phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành xử lý.
Tại buổi họp báo, thông tin về tình hình phòng chống dịch tại địa phương, bà Nguyễn Thị Bé Ngoan, Phó Chủ tịch UBND quận 7, cho biết quận xác định chăm sóc F0 tại nhà là nhiệm vụ trong tâm, dựa vào y tế cộng đồng. Do đó, quận 7 đã vận hành y tế cơ sở, đảm bảo đủ nguồn nhân lực cho các trạm y tế lưu động.
Bà Nguyễn Thị Bé Ngoan, Phó Chủ tịch UBND quận 7, thông tin tại buổi họp báo
Hiện tại, quận 7 có 21 trạm y tế lưu động, trong đó có trạm y tế lưu động tại phòng khám đa khoa, từ bệnh viện tư nhân và một phòng khám của khu chế xuất Tân Thuận. Trong tuần này, quận bố trí thêm mỗi phường 2 trạm y tế lưu động, các tổ y tế tự quản, tổ chăm sóc F0.
Về trang thiết bị phục vụ hệ thống y tế, quận duy trì 12 xe cấp cứu như bình ôxy, thuốc, các túi thuốc A, B, C và mới đây có thuốc Đông y, đảm bảo cấp thuốc đầy đủ cho F0 tại địa bàn.
Trung tâm Phòng chống dịch của quận cũng vận dụng hệ thống trí tuệ nhân tạo để chăm sóc F0 qua đường dây 73005999, tiếp nhận thông tin từ F0 qua đường dây 73020499. Nhân viên y tế chủ động gọi điện thoại đến F0 chăm sóc tại nhà cũng như tiếp nhận các cuộc điện thoại của F0 cần chăm sóc. Sau khi gọi điện thoại nắm tình trạng sức khỏe của F0, nếu cần hỗ trợ y tế, tổng đài sẽ gọi cho nhân viên trạm y tế phường, nếu đường dây bận sẽ chuyển lên trung tâm y tế, hoặc phó chủ tịch quận phụ trách.
Về việc các cách ly tập trung do bệnh tiến triển nặng, quận 7 duy trì bệnh viện dã chiến đảm bảo 150 giường ICU và sẵn sàng tiếp nhận thu dung cách ly tập trung 500 giường. Ngoài ra, quận còn có khu 300 giường dự phòng tình huống ca bệnh tăng cao.
Bình luận (0)