TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) cho biết biến chủng mới chưa rõ ràng về độc lực, tốc độ lây lan và vẫn phải chờ báo cáo của WHO vì chỉ với 1 nhóm nghiên cứu khoa học chưa đủ để đảm bảo thông tin.
Tiêm vắc-xin cho nhân viên y tế tại Bệnh viện quận 11, TP HCM
Theo thông tin ban đầu, hiện tại tốc độ lây lan của biến chủng Omicron nhanh hơn so với biến chủng Delta. Khi nhiễm bệnh, người khỏe mạnh có triệu chứng lâm sàng nhẹ hơn, nhưng với người có bệnh nền lại nặng hơn.
Về việc biến chủng xuất hiện ở Nam Phi có nguy cơ lây lan tại Việt Nam và TP HCM hay không, TS Hùng phân tích biến chủng này đã xuất hiện ở 16 nước trên thế giới, trong đó có các nước như Hà Lan, Anh, Đức, Mỹ, Hồng Kông… Đây đều là những nước có giao thương với Việt Nam. "Hiện chúng ta dần mở cửa các hoạt động, tiến tới bình thường mới thì có khả năng sẽ lây qua từ các nước trung gian chứ không chỉ là từ Nam Phi" - TS Hùng dẫn chứng.
Biến thể Omicron có cơ chế gây bệnh do protein S có nhiều đột biến nên có thể dễ dàng "lách" được tác dụng của vắc-xin. Về tỉ lệ tử vong do độc lực hiện vẫn chưa có thống kê cụ thể.
Phân tích thêm về biến chủng này PGS-TS-BS Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa Y tế Công cộng trường ĐH Y dược TP HCM, cho biết còn sớm để có thể kết luận về biến thể Omicron.
Theo thông tin từ Bộ Y tế Nam Phi, trong số 50 đột biến của Omicron có tới 32 đột biến nằm ở gai protein, thành phần giúp virus SARS-CoV-2 bám vào các tế bào, nhiều hơn đáng kể so với biến thể Delta đang hoành hành trên thế giới. Bên cạnh đó, ở nơi có biến thể Delta phổ biến, thông thường các biến thể khác sẽ không lây lan nhiều. Thế nhưng ở Nam Phi, Omicron vẫn xuất hiện, chứng tỏ có khả năng lây lan mạnh hơn Delta.
Từ dữ liệu thông tin của các bệnh nhân Nam Phi nhiễm biến thể này, triệu chứng chủ yếu là đau cơ, không viêm phổi. Nên có thể đưa ra suy đoán, biến thể này đã nhẹ hơn, không tấn công vào phổi nữa. Đây chỉ là dự đoán, vì lượng bệnh nhân nhiễm biến thể hiện vẫn còn ít, trẻ tuổi và phần lớn đã tiêm chủng.
Các nhà khoa học tại Nam Phi đang thực hiện các thử nghiệm, xem xét Omicrion có bị kháng thể của vắc-xin tiêu diệt hay không. Vì chưa hiểu rõ về biến thể mới, nên biện pháp tốt nhất là "tránh và cô lập biến thể". Dù nặng hay nhẹ cũng cần cô lập để tránh lây lan. Đó là lý do nhiều quốc gia đang có các biện pháp giới hạn, cách ly người về từ vùng nguy cơ, thậm chí là đóng cửa.
Dự báo biến thể Omicron có thể "trốn, phá" được vắc-xin, tuy nhiên ghi nhận ở các bệnh nhân nhiễm biến thể này tại Nam Phi hiện có triệu chứng nhẹ khi đã tiêm đủ liều.
"Vì vậy, chúng ta cần tăng cường mũi vắc-xin thứ 3 cho các đối tượng ưu tiên cao nhất như: người lớn tuổi, người có bệnh nền, nhân viên y tế trực tiếp làm việc trong các cơ sở điều trị Covid-19" - BS Đỗ Văn Dũng đề xuất.
TS Lê Quốc Hùng thì cho rằng "Trong thế giới mở hiện nay, việc lây lan của các biến thể là khó tránh khỏi, Delta là một ví dụ. Việc phòng ngừa vẫn là áp dụng theo giải pháp thực hiện nghiêm 5K + vắc-xin. Song song đó là đẩy nhanh việc sản xuất vắc-xin và thuốc đặc trị trong nước".
Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế đến thời điểm này, vẫn chưa rõ Omicron có khả năng lây truyền như thế nào so với các biến thể khác, bao gồm cả Delta. Số người xét nghiệm dương tính đã tăng lên ở một số khu vực của Nam Phi do ảnh hưởng của biến thể này. Các nghiên cứu dịch tễ đang thực hiện để làm rõ có phải do Omicron hay các yếu tố khác.
Về mức độ nghiêm trọng của bệnh, chưa có số liệu nhiễm Omicron có gây ra bệnh nặng hơn so với các biến thể khác hay không, bao gồm cả Delta. Số liệu sơ bộ cho thấy tỉ lệ nhập viện tăng ở Nam Phi, nhưng có thể do tổng số người nhiễm bệnh ngày càng tăng, không phải kết quả của nhiễm trùng do Omicron.
Bình luận (0)