Những ngày qua, dư luận khá bất ngờ và thích thú khi thấy phút tập thể dục giữa giờ của bộ trưởng Bộ Y tế cùng hàng trăm nhân viên y tế tại một hội nghị của ngành. Nhiều người đặt câu hỏi vài phút "quơ" tay chân đó làm được gì?
"Ôm" bách bệnh vì ngại nhúc nhích
Đi khám bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), anh Phùng Văn Tuấn (41 tuổi) tỏ ra khá bất ngờ khi kết quả khám bệnh cho thấy anh bị thoái hóa đốt sống, thoát vị đĩa đệm, thừa cân, béo phì, tiền đái tháo đường và có cả… đau dạ dày. Anh Tuấn biện minh do công việc văn phòng, phải ngồi làm máy tính, giấy tờ rất nhiều lại luôn phải họp hành, tiếp khách, ăn nhậu khiến anh thường xuyên mệt mỏi nên có thời gian là nằm nghỉ, ngại vận động.
Theo các bác sĩ, những trường hợp trẻ tuổi như anh lại bị bệnh của người già hiện nay không phải hiếm gặp. Do tính chất công việc văn phòng phải ngồi nhiều trong khi đó nhiều người lại lười vận động, ăn nhiều thịt, ít rau, ăn mặn... chính là những yếu tố nguy cơ thúc đẩy bệnh tật đến sớm hơn, nhất là các bệnh mạn tính về cột sống, khớp, tiền đái tháo đường, đau dạ dày...
Trước đó, kết quả khảo sát mức độ hoạt động thể lực của học sinh (HS) tiểu học và THCS ở Hà Nội, TP HCM của Viện Dinh dưỡng quốc gia cũng ghi nhận tới 39% HS tiểu học và 46% HS THCS được xếp vào nhóm ít hoạt động. Bác sĩ Trần Khánh Vân, Phó trưởng Khoa Vi chất dinh dưỡng Viện Dinh dưỡng, nhận xét các em chỉ là chuyển động đơn thuần, còn hoạt động thể dục thể thao gần như không tham gia. Trong khi đó, các nghiên cứu cho thấy nếu trẻ hoạt động thể lực ở mức độ nhẹ, trung bình, ngủ dưới 8 giờ/ngày có nguy cơ thừa cân, béo phì gấp 3 lần so với trẻ hoạt động thể lực nhiều, ngủ đủ, ngồi màn hình máy tính ít hơn.
Các chuyên gia nội tiết cũng cảnh báo tình trạng trẻ hóa bệnh nhân đái tháo đường. Nếu trước đây, bệnh chỉ gặp ở người ngoài 40 tuổi thì ngày nay đã có ở nhiều thanh niên 20-30 tuổi. Nguyên nhân chủ yếu là do lối sống tiêu thụ nhiều thực phẩm nhưng lại lười vận động. Số liệu nghiên cứu của Cục Y tế dự phòng cho thấy có tới 30% người trưởng thành thiếu vận động thể lực.
Tập thể dục giữa giờ làm việc tại Công ty TNHH Đại Quang Maika. Ảnh: TRỊNH THIỆP
Tập thể dục thế nào mới đúng cách?
Bà Lê Thanh Vân, Phó Chủ tịch Hội Vật lý trị liệu Việt Nam, nói bà và các cộng sự vừa làm một điều tra nhỏ về sức khỏe trên 1.000 nhân viên văn phòng. Kết quả cho thấy khoảng 50% nhân viên gặp các vấn đề: đau lưng, cong vẹo cột sống, đau vai gáy, vẹo cổ, cằm vươn ra phía trước do nhìn màn hình máy tính nhiều. Ngoài ra, nhiều người bị đau cổ tay do đánh máy, bấm chuột máy tính.
Hiểu được tầm quan trọng của việc vận động nên nhiều cơ quan, doanh nghiệp đã bắt đầu chú trọng tập thể dục giữa giờ làm việc. Tại Công ty TNHH Đại Quang Maika (quận Bình Tân, TP HCM) đúng 9 giờ, loa vừa mở, đồng loạt từ quản lý đến toàn bộ nhân viên, công nhân (CN) ngưng làm việc tại chỗ để tập thể dục giữa giờ trong tiếng nhạc vui nhộn. Chị Hoài Vọng Thy Nguyệt, chủ tịch Công đoàn công ty, đánh giá công việc của hầu hết CN đều phải đứng hoặc ngồi nhiều nên mắc phải các bệnh nghề nghiệp làm ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, công việc. Vì vậy, khi công ty đưa hoạt động tập thể dục giữa giờ với thời gian 15 phút mỗi lần tập đã được đông đảo CN hưởng ứng. Những động tác vận động tại chỗ không chỉ giúp CN thư giãn, tinh thần sảng khoái, bớt mệt mỏi mà còn giúp tăng hiệu quả công việc.
Hoạt động thể dục giữa giờ này cũng được thực hiện lúc 12 giờ 30 phút mỗi ngày tại Công ty TNHH May thêu Hà Giang (quận Gò Vấp, TP HCM) với sự hỗ trợ của giáo viên một trung tâm thể thao được công ty mời về hướng dẫn để tiếp thêm năng lượng cho CN trước khi bước vào ca làm việc buổi chiều.
Bác sĩ Nguyễn Khắc Vui, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, phân tích với nhân viên văn phòng hay CN làm việc trong thời gian dài, ít khi thay đổi tư thế. Đặc biệt, ngồi lâu ngồi không đúng tư thế, hoạt động hay thao tác liên tục dễ dẫn đến đau hệ thống dây chằng, khớp; dễ tổn thương lưng, gối, cột sống cổ, vai… Do đó, để phòng bệnh, mọi người nên thay đổi tư thế, tập thể dục khi có thời gian thích hợp và nên có người hướng dẫn tập ban đầu.
Các chuyên gia sức khỏe cũng khuyến nghị người bình thường nên vận động hằng ngày 30-60 phút; có thể đi bộ nhanh, bơi, tập aerobic (cường độ vừa phải), tập yoga, đi xe đạp... Với lứa tuổi HS, cần vận động thể dục thể thao 1-2 giờ/ngày. Ban đầu chỉ 5-10 phút đạp xe, đi bộ rồi tăng dần theo từng ngày để đạt tới mức tập luyện đều đặn lý tưởng ở mức 60 phút/ngày. Theo Tổ chức Y tế thế giới, nếu siêng năng tập luyện, con người sẽ cải thiện sức khỏe tim mạch và xương, kiểm soát cân nặng và giảm nguy cơ huyết áp cao, bệnh tim mạch, đột quỵ, tiền đái tháo đường, trầm cảm và nhiều loại ung thư.
Muốn khỏe hãy vận động
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thống kê tại Việt Nam hơn 70% các ca tử vong do bệnh không lây nhiễm: tim mạch, ung thư, các bệnh về đường hô hấp mạn tính và đái tháo đường mà nguyên nhân liên quan đến lối sống thiếu khoa học, lười vận động. Tới đây, Bộ Y tế sẽ phát động chương trình "Sức khỏe Việt Nam", trong đó có phong trào tập thể dục giữa giờ đối với các cơ quan, ban, ngành trực thuộc bộ, trong các cuộc họp do bộ chủ trì. Bộ Y tế hy vọng phong trào này sẽ được các cơ quan, ban, ngành khác ủng hộ, lan tỏa, góp phần nâng cao sức khỏe toàn dân.
Đến thời điểm này, Bộ Y tế là cơ quan công sở đầu tiên ở Việt Nam khởi động chương trình tập thể dục tại chỗ trong giờ giao ban với bài tập kéo dài khoảng 3 phút theo hướng dẫn.
Bình luận (0)