Khoa Nhiễm Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2, Nhi Đồng Thành phố (TP HCM) những ngày qua luôn tấp nập vì bệnh tay chân miệng đang vào mùa cao điểm.
Bệnh tay chân miệng (TCM) đang là mối lo hàng đầu của các chuyên gia y tế. Không những vì đây là giai đoạn cao điểm thứ 2 hàng năm của căn bệnh, mà còn vì năm nay có sự "tái xuất" khá phổ biến của EV71- chủng virus TCM nguy hiểm từng gây hàng loạt ca tử vong vào năm 2011. Những năm gần đây, chủng virus gây TCM phổ biến nhất là coxsakie. So với coxsakie, EV71 sẽ khiến bệnh diễn tiến nhanh, nặng và phức tạp hơn.
Khu vực tiếp nhận của Khoa Nhiễm - Thần kinh, BV Nhi Đồng 1 gần đây luôn phải hoạt động hết công suất - ảnh: ANH THƯ
Theo thống kê mới nhất của Trung tâm Y tế Dự phòng TP HCM, tuần thứ 38 (từ 14 đến 20-9), số ca TCM nhập viện đã đạt mức cao nhất trong cả năm là 286 ca, tăng 47% so với thời điểm tháng trước, tuy nhiên tổng số ca nhập viện tích lũy trong năm 2018 vẫn thấp hơn 20% so với năm 2017, là 3.195 ca, so với 3.974 ca của năm 2017.
Một cháu bé bị TCM nặng, được theo dõi bằng nhiều loại máy móc, truyền dịch. Các bác sĩ phải cố định tay chân để các bé không giật các thiết bị ra - ảnh: ANH THƯ
Tay một cháu bé thể hiện rõ hồng ban TCM - ảnh: ANH THƯ
Theo bác sĩ Dư Tuấn Quy, Khoa Nhiễm – Thần kinh BV Nhi Đồng 1, hiện mỗi ngày khoa phải tiếp nhận điều trị nội trú cho khoảng 80 bé mắc TCM, trong đó khoảng hơn 20 ca là nặng, độ 2b, độ 3.
Khoa Nhiễm - Thần kinh BV Nhi Đồng 1 đang quá tải, buộc các bé nhỏ phải nằm ghép. Ngoài bệnh nhi TP HCM, BV này cũng tiếp nhận rất nhiều bệnh nhi từ các tỉnh đổ về - ảnh: ANH THƯ
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc BV Nhi Đồng Thành phố cho biết tính đến hôm nay, tại BV này cũng có 48 ca TCM điều trị nội trú, trong đó có 2 ca nặng đang phải thở máy.
Hiện chưa ghi nhận ca tử vong nào ở Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Nhi Đồng Thành phố.
Ghi nhận tại BV Nhi Đồng 2 sáng 27-9, nhiều ca mắc TCM nặng (độ 4) hôn mê phải thở máy và lọc máu. Chị N.T. N.M (ngụ Bình Dương) có con đang điều trị tại BV Nhi Đồng 2 nói trước đây, con trai đầu của chị bị TCM nhưng sau khi phát hiện thì điều trị và hết ngay. Còn bé gái thứ hai, 3 tuổi, cách đây 1 tuần khi học về bé có biểu hiện như nóng sốt, than đau miệng, gia đình đã đưa bé vào BV ngay nhưng bệnh tình của bé diễn tiến rất nhanh. Chỉ sau 1 đêm bé đã co giật, hôn mê, phải thở máy và lọc máu trong 2 ngày.
Ths- Bác sĩ Huỳnh Minh Thu, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp BV Nhi đồng 2, cho hay bệnh TCM đang tăng nhanh. Trong tháng 8, số ca nhập viện điều trị tăng gấp đôi so với tháng trước đó. Cụ thể, số trẻ bị TCM trong tháng 8 là 4.511 trẻ, tăng hơn 100% so với tháng trước đó.
Ngoài ra, BS Thu cũng nhấn mạnh bệnh sốt xuất huyết cũng đang gia tăng nhanh. Trong tháng 8, số ca đến khám liên quan đến bệnh sốt xuất huyết là 1.010 ca, tăng 41,46% so với tháng 7. Số ca nhập viện điều trị sốt xuất huyết là 492 ca, tăng trên 48% so với tháng 7. Trong tháng 9, số ca sốt xuất huyết cũng đang tiếp tục tăng. Trung bình mỗi tuần, BV Nhi Đồng 2 đã tiếp nhận khoảng 300 ca đến khám và hơn 100 ca nhập viện điều trị.
Khoa nhiễm của BV Nhi Đồng 2 hiện đang trong tình trạng quá tải, bác sĩ phải làm việc không nghỉ ngơi.
Bệnh nhi và người nhà nằm chen chúc nhau trong căn phòng chật hẹp vì quá tải. Ãnh: Trịnh Thiệp
Hành lang BV Nhi Đồng 2 cũng chật cứng. Ảnh: Trịnh Thiệp
Chờ đến lượt khám bệnh
Biểu đồ bệnh tay chân miệng của Trung tâm Y tế Dự phòng TP HCM
Biểu đồ số caTCM từ tuần thứ 34 đến tuần thứ 38 của Trung tâm Y tế Dự phòng TP HCM
Ngoài ra, sởi và sốt xuất huyết cũng là 2 bệnh cần được quan tâm trong mùa này. Tuy nhiên, dịch sởi chủ yếu hoành hành ở khu vực phía Bắc. Phía Nam tuy có nhưng không nhiều.
Biểu đồ bệnh sốt xuất huyết của Trung tâm Y tế Dự phòng TP HCM: tuy còn trong mùa cao điểm, nhưng có xu hướng giảm vào tuần qua.
Về bệnh sốt xuất huyết, số liệu tuần 38 của Trung tâm Y tế Dự phòng TP HCM cho thấy hiện có 624 ca nhập viện (cả trẻ em lẫn người lớn), giảm 8% so với tuần trước. Bệnh này tuy vẫn ở giai đoạn cao điểm do còn trong mùa mưa nhưng có xu hướng giảm dần từ vài tuần nay.
Bình luận (0)