Thời gian qua, dư luận đang "nóng" lên với căn bệnh sốt xuất huyết với số ca mắc tăng đột biến so với năm trước, nhiều ca nặng. Những cái tên gây lo ngại cùng kỳ năm trước như tay chân miệng, Zika… dường như có sự "hạ nhiệt". Tuy nhiên, dù không có những số liệu thống kê gây tác động mạnh như sốt xuất huyết, căn bệnh tay chân miệng cũng là một bệnh nguy hiểm được các chuyên gia đặc biệt lưu ý trong mùa này.
Trẻ mắc tay chân miệng đang được chăm sóc tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM
Trong cuộc gặp gỡ báo chí ngày 9-8, BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết hiện tại luôn có hơn 50 trẻ đang phải nằm điều trị nội trú trong khoa do bệnh tay chân miệng, và lúc nào cũng có vài ca nặng. Trong khi đó, vào những tháng không phải mùa dịch, số ca chỉ hơn 20, cao lắm là 30.
Con số này chỉ phản ánh một phần nhỏ dịch bệnh tay chân miệng, bởi khi mắc bệnh này, khoảng 90% bệnh nhi có thể được điều trị ngoại trú. Bác sĩ Khanh lưu ý rằng khi điều trị ngoại trú, cần lưu ý khi bé sốt cao quá 2 ngày, sốt cao khó hạ, có hiện tượng nôn ói… thì phụ huynh phải đưa bé đi khám. Nếu xuất hiện các triệu chứng nặng hơn như giật mình, yếu tay chân, da nổi bông, khó thở… thì phải đưa trẻ nhập viện ngay, vì có thể bệnh đang diễn tiến nặng, xuất hiện biến chứng nguy hiểm. Những bé bị biến chứng nặng thường do cơ địa, do chủng virus mắc phải hay do quá nhỏ tuổi (dưới 1 tuổi là nguy hiểm nhất).
Một điểm nên nhớ nữa là những tổn thương nhìn thấy trên da ở bệnh tay chân miệng sẽ tự khỏi sau khi hết bệnh, không cần xức một loại thuốc gì. Nhiều phụ huynh đưa con đi khám với thân hình… tím ngắt màu Xanh Methylene (một loại thuốc bôi da, có tác dụng kháng khuẩn tốt, phổ biến và an toàn cho trẻ nhỏ, hay được chỉ định cho một số bệnh có tổn thương, nhiễm trùng da như thủy đậu). Như vậy không những không có tác dụng gì mà còn cản trở việc chẩn đoán của bác sĩ. Riêng thương tổn vùng miệng, nếu trẻ đau, có thể dùng một số thuốc rơ an toàn và phụ huynh nên hỏi ý kiến bác sĩ khi đi khám, bởi một số thuốc rơ có tác dụng gây tê không tốt cho trẻ, có thể gây tác dụng phụ nguy hiểm.
Trẻ bị tay chân miệng nên được cho ăn thức ăn lỏng, uống sữa mát (sau khi pha, bỏ vào ngăn mát tủ lạnh một lúc trước khi cho bé uống). Tránh thức ăn nóng, cay, đặc, cứng.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh nhận định: hiện nay các bậc phụ huynh đã có nhiều hiểu biết về bệnh, đưa con đi khám sớm khi có các dấu hiệu. Nhiều người bồng con vào đã nói: "Em nghi con em bị tay chân miệng…". Theo ông, mùa bệnh lần này sẽ kéo dài thêm 1-2 tháng nữa, có thể đến tận tháng 10. Trong tay chân miệng, yếu tố quan trọng hàng đầu vẫn là phòng bệnh: rửa tay và cách ly. Nếu con bạn bệnh, hãy xin cho trẻ nghỉ học và thông báo với cô giáo để nhà trường có biện pháp vệ sinh, khử trùng, tránh lây mầm bệnh cho trẻ khác.
Bình luận (0)