Bạn đọc N.T.M.D. (26 tuổi, Long An) hỏi: Địa phương giải thích là theo pháp luật thì đời thứ 4 là cưới nhau được rồi, nên đã làm thủ tục đăng ký kết hôn cho tôi và chồng sắp cưới, cũng là người em họ xa đời thứ 5 về bên ngoại tôi. Nhưng họ hàng "dọa" quá, tôi cũng đâm lo. Xin cho hỏi nếu anh em họ xa cưới nhau thì con có thể bị bệnh gì? Chúng tôi có cách nào đi khám để tìm ra nguy cơ không? Hiện tượng lấy anh chị em họ con dễ bệnh theo khoa học giải thích như thế nào, nguy cơ ở đời thứ 5 có cao không?
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thông, Phòng khám Sức khỏe sinh sản, Trung tâm Kiếm soát bệnh tật TP HCM, trả lời:
Pháp luật Việt Nam (Luật Hôn nhân gia đình) có quy định rõ việc cấm kết hôn "cận huyết thống" nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng, nòi giống. Hôn nhân "cận huyết thống" được quy định là hôn nhân giữa nam và nữ trong cùng họ hàng thân thuộc trong phạm vi 3 đời.
Theo luật thì những người trong phạm vi ba đời được xác định như sau:
- Đời thứ nhất là cha mẹ;
- Đời thứ hai là anh chị em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha;
- Đời thứ ba là anh chị em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì.
Về mặt khoa học, hôn nhân cận huyết thống tạo điều kiện để các gen thể lặn gây bệnh di truyền trong mỗi cá thể có thể kết hợp nhau thành gen trội và con cái của các cặp vợ chồng này có nguy cơ rất cao bị các bệnh và dị tật di truyền như Thalassemia, Hemophillia, Bạch tạng, Mù màu, Đần độn, Ngắn chi... Các bệnh lý di truyền này lại có thể di truyền tiếp cho thế hệ sau khiến nòi giống, cộng đồng bị suy thoái .
Trường hợp của bạn và hôn phu không thuộc phạm vi 3 đời này, không vi phạm pháp luật và nguy cơ cận huyết thống là không cao, do vậy việc lo lắng "trùng huyết" là không có cơ sở. Tuy nhiên, di truyền học luôn luôn khẳng định là việc kết hợp hôn nhân ngoài cộng đồng, đa dạng dân tộc, đa dạng vùng miền thường tốt hơn là chỉ trong phạm vi địa lý nhỏ hẹp hoặc trong cộng đồng thiểu số.
Bạn và hôn phu nên thực hiện khám sức khỏe tiền hôn nhân như những cặp vợ chồng sắp cưới khác, qua đó để được tư vấn, khám, xét nghiệm và dự phòng một số vấn đề về di truyền, sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục... Nên thực hiện các xét nghiệm di truyền tầm soát ở các cơ sở chuyên khoa di truyền, sản phụ khoa lớn để an tâm hơn, ví dụ như Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Hùng Vương ở TP HCM.
Cần nhớ rằng cho dù bạn và chồng sắp cưới không phải là họ hàng xa thì vẫn có một tỷ lệ nguy cơ nhất định sinh con dị tật và vì vậy biện pháp dự phòng hiện nay vẫn là khám phát hiện nguy cơ sớm trước khi cưới hoặc trước khi mang thai, khi có thai phải khám thai và làm xét nghiệm sàng lọc đầy đủ, không nên sinh con quá muộn vì tỷ lệ dị tật thai sẽ tăng lên từ sau 35 tuổi trở đi.
Bình luận (0)