PGS-TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, trả lời: Chế độ ăn như bạn rõ ràng không cân đối. Bữa sáng chiếm khoảng 20%-30% năng lượng khẩu phần, bữa trưa 30%-35%, bữa tối cũng nên chỉ 30%-35%. Cần ăn bữa tối càng sớm càng tốt vì sẽ giảm được nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến béo phì. Thông thường, sau một đêm khoảng 8-10 tiếng, lượng thức ăn trong cơ thể từ bữa tối hôm trước đã được tiêu hóa hết nhưng dịch vị dạ dày vẫn tiết ra đều. Bình thường, dịch vị sẽ trộn lẫn với thức ăn để giúp tiêu hóa, môi trường dạ dày được trung hòa. Nếu bạn không ăn sáng, dạ dày sẽ trống rỗng, dịch vị được tích tụ lại sẽ làm cho môi trường dạ dày là môi trường chua, gây tổn hại đến thành dạ dày, dễ gây viêm loét.
Với những người đã bị đau dạ dày, việc bỏ bữa sáng càng làm cho tình trạng bệnh tồi tệ hơn. Dịch vị được tiết ra nhiều mà không có thức ăn để trộn lẫn sẽ tác động đến các vết viêm trước đó, gây tổn thương, dẫn đến xuất hiện các cơn đau. Nếu việc này xảy ra thường xuyên, các vết viêm loét càng bị tác động nhiều hơn, khiến bệnh dạ dày sẽ càng trở nặng.
Có thể một số người do nhịn ăn sáng thường xuyên, nên cơ thể đã thành thói quen, đến bữa sáng sẽ không cảm thấy đói. Tuy nhiên, dạ dày vẫn liên tục tiết ra dịch vị, tình trạng dịch vị tích tụ trong thời gian dài như đã nói sẽ gây ra tình trạng viêm loét dạ dày. Để cơ thể được khỏe mạnh, phòng bệnh dạ dày, bạn không nên bỏ bữa sáng.
Bình luận (0)