Trẻ em đuối nước, người lớn ngưng tim vì bệnh lý… là những tình huống có thể khiến người thân vô cùng hoảng sợ và thường sớm tuyệt vọng. Trong những trường hợp đó, chỉ riêng một cuộc gọi cấp cứu hay một chuyến xe cấp tốc đến bệnh viện (BV) cũng khó lòng đủ để cứu sống nạn nhân.
"Tôi đã đọc kỹ, nhưng không dám chắc mình sẽ làm như thế nào khi đối diện thực tế" – chị P.A., một phụ nữ ở TP HCM, viết ý kiến trên status của một vị bác sĩ hướng dẫn cách ép tim, thổi ngạt (hồi sinh tim phổi – CPR). Thật vậy, sự ngại ngần, không dám tin là mình đủ sức "hồi sinh" một người là rào cản lớn đối với nhiều người khi đối diện nạn nhân.
Bác sĩ của Bệnh viện Thống Nhất đang hướng dẫn kỹ thuật hồi sinh tim phổi CPR
Thế nhưng, cách đây ít lâu, một cậu bé 10 tuổi ở bang Michigan, Mỹ đã hồn nhiên làm theo một cảnh phim hành động khi vớt lên từ dưới hồ bơi cậu em trai 2 tuổi đã ngưng thở. Cậu bé ép tim, thổi ngạt cho em y như phim và đã cứu sống em mình một cách ngoạn mục, được các bác sĩ (BS) và báo giới ca ngợi như người hùng!
Vậy hồi sinh tim phổi có quá khó không khi một đứa bé 10 tuổi có thể làm được chỉ nhờ bắt chước phim? Theo ThS-BS Võ Quang Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 TP HCM, kỹ thuật ép tim, thổi ngạt thực ra hết sức đơn giản, bất kỳ ai cũng có thể tìm hiểu và trang bị cho mình để sử dụng lúc nguy cấp.
Thứ nhất, đừng bối rối khi tìm vị trí ấn tim. Hãy nhớ thật đơn giản: đặt nạn nhân nằm ngửa trên mặt phẳng cứng, ấn ngay giữa ngực, sâu khoảng 5cm đối với người lớn (còn với trẻ em hãy ước lượng và điều chỉnh theo kích thước cơ thể trẻ). Tốc độ ấn cần thật nhanh, trên 100 lần/phút, cứ tuần tự ấn tim 30 cái là thổi ngạt 2 cái. Nếu có 2 người làm thì cứ 5 chu kỳ ấn tim – thổi ngạt một lần để khỏi đuối sức. Khi thổi ngạt phải để ngửa đầu nạn nhân và móc dị vật gây chặn đường thở ra (nếu có).
Thứ hai, nếu bạn ngại kề môi thổi ngạt sẽ lây bệnh vì nạn nhân là người lạ, hãy áp dụng "Hand-Only CPR", tức chỉ cần ấn tim. Bởi lẽ, khi ngưng tim, ngưng thở, một lượng oxy vẫn còn trong cơ thể nạn nhân, chỉ cần bạn ấn tim để máu được bơm đi là oxy đã cung cấp cho các cơ quan.
Nạn nhân ngưng thở thường có "thời gian vàng" khoảng 4 phút. Nếu được thực hiện CPR trong 4 phút này, cơ hội sống mà không có di chứng là rất cao. Thêm mỗi phút trôi qua, cơ hội sống của nạn nhân sẽ giảm đi 10% và khó thoát di chứng não, vì thế đừng chần chừ khi bạn hoàn toàn có thể cứu mạng một người chỉ bằng đôi tay của mình.
Bình luận (0)