Anh N.Đ.T. (32 tuổi, ngụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) làm nghề thợ lặn nên ngày nào cũng uống rượu cho ấm người. Anh bị thoái hóa khớp từ lâu nhưng còn có thể đi lại được. Tuy nhiên, lần vào viện gần đây nhất, anh T. đã trong tình trạng ngồi xe lăn.
Còn trẻ đã thành phế nhân
Các bác sĩ cho biết anh T. chỉ còn cách thay khớp háng mới có thể thoát cảnh phế nhân. Không phải thay 1 mà phải thay cả 2 bên cùng lúc. Sau mổ, anh T. tập luyện tích cực và thoát được cảnh ngồi xe lăn.
Ông L.B.Đ. (59 tuổi, ở TP HCM), thường xuyên uống rượu bia và bị thoái hóa khớp. Ông uống thuốc điều trị bệnh thoái hóa khớp và hoại tử chỏm xương đùi được 2 năm nhưng vẫn không hết đau, đi lại rất khó khăn. Tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn (TP HCM), sau khi được tư vấn kỹ về những lợi ích và rủi ro của thay khớp háng cùng lúc 2 bên, ông Đ. quyết định phẫu thuật để chấm dứt tình trạng đau đớn, bất tiện trong sinh hoạt.
Thay khớp cho bệnh nhân tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn
Bác sĩ Nguyễn Tấn Lãm, Trưởng Khoa Chấn thương Chỉnh hình - Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, cho biết ông Đ. bị hoại tử ở giai đoạn IV-V. Nếu phẫu thuật lần lượt từng bên thì bệnh nhân sẽ phải trải qua 2 cuộc phẫu thuật lớn, nặng nề. "Trong gần hàng trăm ca thay khớp háng mỗi năm tại bệnh viện thì có khoảng 10 trường hợp còn trẻ phải thay luôn 2 khớp" - bác sĩ Lãm thông tin.
Theo Hội Chấn thương Chỉnh hình TP HCM, cứ 5 người thì có 2 người bị bệnh về cơ khớp. Cùng với tuổi tác, các bệnh này làm giảm hiệu quả làm việc cũng như ảnh hưởng đến tâm lý và chất lượng sống, nếu để kéo dài có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm.
Bệnh của thời đại
Theo các bác sĩ, những người bị mục xương đùi thường có biểu hiện đau khớp háng vào buổi sáng, khó đi lại. Cường độ đau theo thời gian sẽ tăng dần đến mức không thể bước lên cầu thang hay tự ngồi xuống, phải ngồi xe lăn.
Ngay chỏm xương đùi chỉ có một mạch máu nuôi duy nhất. Một khi tắc phải mạch máu này thì đối mặt nguy cơ tàn phế. Đã vậy, bệnh còn diễn tiến âm thầm khiến nhiều bệnh nhân bị mục cả hai khớp háng.
Các chuyên gia cảnh báo đây là căn bệnh của thời đại với những thói quen hại thân. Ngoài nguyên nhân do cơ địa, một trong những tác nhân thường thấy dẫn tới tình trạng trên là lạm dụng rượu bia. Khi sử dụng nhiều bia rượu, các tế bào mỡ máu ở một số người sẽ to bất thường. Khi mỡ máu đi vào vị trí mạch ở chỏm xương đùi sẽ gây tắc mạch dẫn tới hoại tử chỏm xương đùi. Tình trạng này âm thầm diễn tiến theo thời gian, khi có biểu hiện đau nhức thì đã ở mức độ nặng.
Ngoài ra, một nguyên nhân khác gây nguy cơ mục xương là lạm dụng corticoid hoặc người thừa cân, béo phì bị những chấn thương mạn tính do trọng lượng cơ thể quá lớn tác động lên khung xương đùi.
Nằm trong nhóm thoái hóa khớp, thoái hóa khớp gối, chi gia tăng trong cộng đồng. Tuổi thoái hóa khớp điển hình là từ 40-50 tuổi trở lên, song hiện nay những người trẻ bị thoái hóa khớp cũng tương đối nhiều.
Bác sĩ Nguyễn Quang Huy, Trưởng Khoa Ngoại Tổng quát - Bệnh viện Nhân Dân 115 TP HCM, cho biết thoái hóa khớp là tình trạng tổn thương sụn khớp kèm theo phản ứng viêm và giảm thiểu lượng dịch khớp do quá trình tái tạo sụn không theo kịp việc lớp sụn ở khớp bị mất đi theo thời gian. Về lâu dài, lớp sụn khớp phủ trên bề mặt xương dần mỏng đi và hư tổn, gây đau nhức, hạn chế vận động.
Thoái hóa khớp ở người trẻ thường do người bệnh giữ một tư thế khi sinh hoạt, làm việc; có hành động lặp đi lặp lại; mang vác nặng; chấn thương khớp; thiếu hoạt động thể dục thể thao hoặc vận động thể thao quá mức... Hầu hết các khớp đều có thể thoái hóa nhưng thường phổ biến tại các chi và cột sống. Trong đó, thoái hóa khớp gối rất phổ biến vì khớp này luôn chịu căng để giữ cơ thể đứng vững, xoay và di chuyển.
Giới chuyên môn khuyến cáo để giảm nguy cơ bệnh về khớp, đặc biệt là bị mục khớp háng, cần hạn chế sử dụng rượu bia, không tự ý sử dụng hoặc lạm dụng các loại thuốc có chứa corticoid, không để bị thừa cân, béo phì.
"Mỗi người cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, đủ chất, bổ sung canxi, vitamin...; duy trì trọng lượng cơ thể ở mức thích hợp; siêng năng vận động, luyện tập vừa sức giúp cơ bắp khỏe mạnh, máu huyết lưu thông dễ dàng. Khi ăn uống, vận động hợp lý sẽ có cơ bắp khỏe mạnh, giúp giảm lực đè ép lên khớp xương trong vận động. Ngoài ra, khi sinh hoạt, làm việc, cần giữ cơ thể luôn thẳng để bảo vệ các khớp, tránh sự đè ép không cân đối" - bác sĩ Nguyễn Quang Huy lưu ý thêm.
Tránh hai lần đại phẫu
Trước đây, người bị hư mục khớp háng cả 2 bên thường phải thay từng khớp một. Hiện nay, với những tiến bộ về chuyên môn và dụng cụ y khoa, các bác sĩ có thể thay khớp háng cả 2 bên cho người bệnh trong cùng một cuộc mổ.
Kỹ thuật thay khớp háng cùng lúc 2 bên giúp bệnh nhân giải quyết triệt để tình trạng hoại tử chỏm xương đùi, tiết kiệm thời gian (thông thường lần phẫu thuật thứ hai phải cách lần phẫu thuật đầu tiên ít nhất 2 tháng), chi phí điều trị giảm và mau bình phục hơn. Tuy nhiên, khớp nhân tạo chỉ có thể sử dụng khoảng 25-30 năm. Nếu phải mổ lại để thay khớp tiếp là thách thức lớn cho người bệnh và ngay cả bác sĩ bởi nguy cơ tai biến, rủi ro cao.
Bình luận (0)