Tại buổi họp báo cung cấp thông tin về công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP HCM vào chiều 25-8, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu - Công an TP HCM, cho biết đơn vị cũng đã ghi nhận về việc một số xe có mã QR nhưng không được qua chốt. Thậm chí, có người dân đã gọi điện trực tiếp cho ông để phản ánh.
Do đó, Công an TP HCM đã yêu cầu công an các quận, huyện và TP Thủ Đức quán triệt lại để cán bộ, chiến sĩ ở các chốt nắm quy định.
Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng Phòng Tham mưu - Công an TP HCM, cung cấp thông tin tại buổi họp báo vào chiều 25-8. (Ảnh: HẢI YẾN)
Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết theo quy định, xe đã được cấp mã QR thì được lưu thông theo lộ trình, thời gian cho phép và không kiểm tra giấy đi đường. Do đó, trưa cùng ngày, Công an TP HCM đã họp với lãnh đạo, chỉ huy các quận, huyện và TP Thủ Đức để trao đổi các nội dung vướng mắc có nhiều phản ánh.
Ngoài ra, cơ sở kinh doanh gas thiết yếu thuộc diện do UBND các cấp tập hợp số lượng, phối hợp với công an các quận, huyện và TP Thủ Đức để cấp giấy đi đường. Công an TP HCM đã ủy quyền cho trưởng công an cấp quận, huyện, TP Thủ Đức cấp giấy đi đường đối với diện này
Về việc cấp giấy đi đường, Thượng tá Lê Mạnh Hà nhấn mạnh: Với chỉ đạo của Chính phủ và của UBND TP HCM, đợt tăng cường giãn cách này phải kiểm soát nghiêm ngặt, chặt chẽ người lưu thông trên đường. "Công an TP HCM được giao cấp giấy đi đường cho các nhóm đối tượng được phép lưu thông, nhưng vì tăng cường giãn cách xã hội nên khi cấp giấy đi đường sẽ phải hết sức cân nhắc trên tinh thần là phải làm nghiêm ngặt" - Thượng tá Lê Mạnh Hà giải thích.
Theo Thượng tá Lê Mạnh Hà, các đơn vị, doanh nghiệp đã làm việc "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường 2 điểm đến". Vì vậy, số người đề nghị cấp phép phải là những người đi ra đường làm công vụ, chứ không có nghĩa là cấp phép để cho người đi từ nhà tới cơ quan. "Chỉ cấp cho người buộc phải từ cơ quan đi làm nhiệm vụ, đi giao dịch, đi làm" -công lưu ý.
Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết hiện có tình trạng nhiều doanh nghiệp đề nghị cấp giấy đi đường cho 50-60 người/ doanh nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế, số người đi giao dịch công việc cần thiết về hậu cần, về tài chính thì chỉ cần 2-3 người hoặc 1 người. Vì vậy, Công an TP HCM phải xem xét, nếu thực sự bức thiết đối với doanh nghiệp thì sẽ báo cáo UBND TP HCM.
"Công an TP HCM chỉ cấp giấy đi đường cho các trường hợp đi làm công việc, đi công vụ. Còn đơn vị nào không duy trì được "3 tại chỗ", không đảm bảo được các yêu cầu phòng chống dịch thì tạm ngưng trong giai đoạn này. Do đó, mong người dân, doanh nghiệp TP HCM thấu hiểu, chia sẻ khó khăn chung " - Thượng tá Lê Mạnh Hà nhấn mạnh.
Lãnh đạo Sở Công Thương TP HCM nói gì về giá combo lương thực, thực phẩm?
Tại buổi họp báo nêu trên, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết hiện nay, hệ thống phân phối trực tiếp cung ứng hàng hóa cho người dân đa số là kênh phân phối hiện đại, phần lớn tham gia chương trình bình ổn thị trường và hàng hóa đã được kiểm soát về giá. Tất cả đều là hệ thống lớn, chuỗi có thương hiệu nên có cạnh tranh trong kinh doanh. Việc tăng giá, nâng giá sẽ rất khó xảy ra.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cung cấp thông tin về combo lương thực, thực phẩm tại buổi họp báo chiều 25-8.
"Người dân cho rằng giá combo cao, theo chúng tôi đánh giá có nghĩa giá tổ chức combo còn cao so với thu nhập người dân chứ không phải giá mặt hàng trong gói combo tăng cao. Sở đã đề nghị các siêu thị có các combo khác nhau, từ 100.000 - 500.000 đồng, để phục vụ nhu cầu của các gia đình khác nhau. Việc thống nhất các combo rất khó do mỗi hệ thống phân phối có những nhà cung ứng khác nhau và nguồn hàng khác nhau" - ông Phương nhìn nhận.
Bình luận (0)