Ngày 19-11, Bệnh viện Bệnh viện Quốc tế City (TP HCM) cho biết đơn vị vừa phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo toàn phần cho cụ bà V.T.C (93 tuổi, ngụ quận 8) sau tai nạn gãy kín xương đùi phải.
Sau 2 ngày phẫu thuật cụ C. đã có thể đứng dậy dưới sự hướng dẫn của bác sĩ. (Ảnh do bệnh viện cung cấp)
Qua thăm khám và thực hiện các xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán cụ bà bị gãy kín xương đùi phải và loãng xương. Các bác sĩ đã phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo toàn phần cho bệnh nhân.
Hai ngày sau mổ, cụ bà được bác sĩ hướng dẫn tập đứng. Ngày thứ 3 sau mổ, cụ bà đã có thể đi lại được trong phòng với khung tập đi và sự hỗ trợ của nhân viên y tế, người nhà. Ngày thứ 4 thì cụ bà đã có thể tự đứng lên, đi lại trong phòng với khung mà không cần sự hỗ trợ của người khác.
Sau 4 ngày cụ bà C. có thể tự ngồi ghế mà không cần sự hỗ trợ của người khác. (Ảnh do bệnh viện cung cấp)
Theo TS-BS Phạm Chí Lăng, loại khớp háng nhân tạo được sử dụng cho bệnh nhân là loại khớp đôi, nghĩa là khớp đặt trong khớp, nhờ đó giúp bệnh nhân không bị trật khớp sau mổ. Những bệnh nhân lớn tuổi thường không kiểm soát được các tư thế của chân, nên dễ bị trật khớp sau mổ thay khớp háng. Loại khớp đôi này giúp khắc phục được nguy cơ vừa nêu.
Theo các bác sĩ phẫu thuật thay khớp háng là phương pháp phẫu thuật khó, đòi hỏi kỹ năng cao, phương tiện hiện đại. Không phải trường hợp đau khớp nào cũng có thể phẫu thuật thay khớp. Để được thay khớp bác sĩ phải khai thác tiền sử bệnh, xem xét các kết quả cận lâm sàng từ đó mới đánh giá có thể thực hiện phẫu thuật thay khớp háng hay không.
Bình luận (0)