xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cuộc thi viết “Người thầy thuốc trong tôi”: Bác sĩ với đôi bàn tay vàng

Bài và ảnh: NGUYỄN DIỆU LINH

PGS-TS Trần Ngọc Lương - nguyên Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương, cha đẻ của kỹ thuật nội soi tuyến giáp "Dr Lương" nổi tiếng - cho rằng không phải mình chọn đúng nghề mà nghề đã "gọi tên" mình

Trong phòng mổ đang sáng đèn, dù các bác sĩ đều mặc trang phục mổ màu xanh, đầu đội mũ, đeo khẩu trang kín mít nhưng không khó để nhận ra PGS Trần Ngọc Lương. Trong khi các bác sĩ, điều dưỡng thường đi dép màu xanh, màu trắng, màu đen,… riêng PGS Lương có đôi dép màu tím hồng. Đó có thể là sự ưu ái đặc biệt mà các nhân viên dành cho "người nhạc trưởng" tài ba cả trong chuyên môn lẫn vai trò quản lý.

"Nghệ sĩ" trong phòng mổ

Ca mổ hôm đó PGS Lương thực hiện là một thanh niên trẻ mắc ung thư tuyến giáp, phải bóc tách khối u. Sau khi xem phim chụp, kiểm tra hồ sơ bệnh án, hỏi về tiểu sử bệnh của bệnh nhân, PGS Lương nhanh chóng cầm lấy dao mổ, thực hiện kỹ thuật mà ông đã thực hiện hàng ngàn lần: kỹ thuật "Dr Lương".

Đó là kỹ thuật nội soi tuyến giáp. Với chỉ 3 lỗ nhỏ như hạt lạc ở nách và ngực, những thiết bị dùng trong phẫu nội soi được đưa vào vùng cổ, tiếp cận khối u một cách khéo léo. Quan sát trên màn hình lớn, con dao cắt dưới đôi tay của PGS Lương giống như "có mắt", "có hồn", luồn lách tìm tới khối u một cách chuẩn xác. Con dao luồn lách, bóc tách đến đâu, tia laser lập tức "hàn" luôn vết thương, do đó hầu như không có máu chảy trong khoang cổ. Có thể thấy người bệnh giảm bớt sự tổn thương, đau đớn đến nhường nào. Chỉ trong vòng 25-30 phút, ông đã bóc tách thành công khối u, trả cho thanh niên một vùng cổ "sạch bóng".

Cuộc thi viết “Người thầy thuốc trong tôi”: Bác sĩ với đôi bàn tay vàng - Ảnh 2.

PGS-TS Trần Ngọc Lương: “Cảm ơn nghề y đã chọn tôi!”

Thú thật, dù tận mắt chứng kiến, được bác sĩ chỉ cho tận nơi nhưng tôi không thể phân biệt đâu là khối u, đâu là da thịt khỏe mạnh chứ đừng nói là những đường gân, mạch máu, dây thần kinh. Nhưng dưới đôi tay của bác sĩ Lương, lưỡi dao hoàn toàn né tránh các mạch máu, dây thần kinh một cách thần kỳ. Như thể lưỡi dao có "radar" cảm nhận còn bác sĩ Lương như một vị nhạc trưởng đang "múa" chiếc đũa thần của mình.

Bác sĩ Lương cho biết mổ tuyến giáp quan trọng nhất là bảo vệ dây thần kinh quặt ngược chỉ bé như cái tăm và tuyến cận giáp bằng hạt đỗ xanh. Đây là những bộ phận quan trọng, nếu cắt nhầm thì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng.

"Ví dụ cắt phải dây thần kinh quặt ngược thì bệnh nhân sẽ nói khàn khàn như ống bơ rỉ cả đời. Còn cắt mất tuyến cận giáp, bộ phận có chức năng điều hòa canxi trong cơ thể thì bệnh nhân sẽ rơi vào tình trạng tê chân tê tay, khó thở, thậm chí tay chân co quắp. Hơn nữa, cổ có nhiều mạch máu li ti như sợi tóc. Nếu cắt vào mạch máu, khiến máu chảy ra sẽ che khuất các bộ phận khác dẫn đến nguy cơ bị cắt phạm rất lớn. Nếu chẳng may làm thủng thực quản thì… nguy to" - bác sĩ Lương chia sẻ về những khó khăn của kỹ thuật.

Trong gần 40 năm làm nghề, PGS Lương không nhớ có bao nhiêu ngàn ca mổ tuyến giáp mà ông là "nhạc trưởng". Kinh nghiệm của hàng ngàn ca mổ đã biến thành "mắt", thành "hồn" trên đôi tay ông. Dưới ánh đèn phòng mổ, bác sĩ Lương giống như "đang phát sáng" và dưới lưỡi dao mổ điêu luyện của ông, những "bản nhạc" về sự sống như đang ngân nga đầy cảm xúc.

Khai phá kỹ thuật "Dr Lương" vì vẻ đẹp phụ nữ

Bác sĩ Lương tâm sự ông vào học Đại học Y Hà Nội từ năm 1978, sau khi tốt nghiệp thì về Bệnh viện Bạch Mai công tác với chuyên khoa phẫu thuật ổ bụng. Năm 2001, ông chuyển sang Bệnh viện Nội tiết Trung ương lại "quay ngoắt" sang mổ tuyến giáp. "Hơn 20 năm trước, phẫu thuật tuyến giáp là mổ mở với những đường rạch ngang cổ, để lại những vết sẹo dài 10-15 cm trên những chiếc cổ duyên dáng của phụ nữ. Có nhiều người còn bị sẹo lồi, vết sẹo như con rết quấn quanh cổ. Chị em ai cũng khóc ròng khi thấy "con rết đỏ hỏn" trên cổ" - PGS Lương nhớ lại.

PGS Lương luôn đau đáu nỗi đau không thể tả thành lời của những phụ nữ vĩnh viễn chỉ có thể mặc áo cao cổ, cho dù mùa đông hay mùa hạ; thậm chí có nhiều người vì sợ sẹo mà trì hoãn mổ khiến việc điều trị khó khăn, thậm chí bỏ mạng… "Mình chữa được bệnh cho họ nhưng lại khiến họ gặp nỗi đau đớn, nỗi buồn khác... Tại sao lại như vậy?". Chính những nỗi đau của những người bệnh khiến tôi mong muốn làm điều gì đó để thay đổi kỹ thuật mổ tuyến giáp, không để nó trở thành nỗi sợ hãi, ám ảnh của nhiều người" - bác sĩ Lương tâm sự.

Cuộc thi viết “Người thầy thuốc trong tôi”: Bác sĩ với đôi bàn tay vàng - Ảnh 3.

PGS Trần Ngọc Lương với đôi dép màu tím hồng trứ danh

Là bác sĩ "mổ bụng" chuyển sang "mổ cổ", bác sĩ Lương chợt nảy ra một ý tưởng "vô tiền khoáng hậu", khiến nhiều chuyên gia y tế lão làng cười nhạo là "không tưởng", "bất khả thi".

Một ca mổ cắt thùy tuyến giáp tại Hàn Quốc hoặc Singapore tiến hành trong 2 giờ, chi phí khoảng 180-230 triệu đồng, còn tại Việt Nam, với kỹ thuật Dr Lương, bệnh nhân chỉ mất 30 phút với chi phí 7-9 triệu đồng.

"Lúc đó, kỹ thuật nội soi ổ bụng khá phát triển. Để đưa dụng cụ nội soi vào bụng thì cần phải bơm hơi cho ổ bụng phồng lên, tạo khoảng trống để các dao mổ đi vào phẫu thuật. Tôi đã nghĩ phải chăng tuyến giáp cũng có thể làm phồng lên như vậy để mổ nội soi? Tuy nhiên, tuyến giáp ở vùng cổ trước, bị bao bọc bởi khí quản, thực quản, các bó cơ, thanh quản, tuyến cận giáp, dây thần kinh quặt ngược... Tóm lại, đây là một vùng không có khoảng trống. Hơn nữa, các bộ phận này cũng rất nhỏ, rất nguy hiểm, chỉ cần sơ sẩy là có thể gây tổn thương lâu dài cho người bệnh... Chính vì vậy, khi tôi trình bày ý tưởng của mình về phẫu thuật nội soi tuyến giáp, nhiều người đã cho rằng tôi viển vông. Dù bị phản đối nhưng tôi vẫn làm vì đó là điều có lợi cho bệnh nhân. Cuối cùng, tôi đã làm được và làm một cách "xinh đẹp". Đến giờ, các cô gái đã không còn phải khóc vì những vết mổ tuyến giáp nữa" - PGS Lương tự hào.

Kỹ thuật "Dr Lương" hiện nay đã dùng khí CO2 bơm vào vùng cổ để vùng da cổ phồng lên tạo ra khoang trống đưa các dụng cụ mổ nội soi vào. Theo bác sĩ Lương, khí CO2 khi bóc tách, khí len lỏi vào các tổ chức làm cho bác sĩ dễ làm hơn, có thể làm rõ trên màn hình để cắt, đốt các mạch máu thuận tiện hơn. Tuy nhiên, để có ca nội soi tuyến giáp đầu tiên, thành công tốt đẹp ông đã phải luyện tập rất nhiều. Trong quá trình phẫu thuật mổ mở tuyến giáp, ông dần dần có các cải tiến kỹ thuật, sao cho đến lúc phẫu thuật nội soi được hoàn hảo.

Kỹ thuật nội soi tuyến giáp do PGS Lương thực hiện thay vì rạch 1 đường dài 8-12cm ở cổ thì nay chỉ cần trích 3 vết nhỏ ở nách và ngực để luồn ống nội soi vào. Khi vết mổ liền, vết sẹo chỉ còn bằng hạt lạc nhỏ và mờ dần. Phương pháp này đáp ứng các tiêu chí nhanh, an toàn và hiệu quả, tiết kiệm chi phí.

Không chỉ vậy, bác sĩ Lương còn cải tiến kỹ thuật nội soi tuyến giáp theo kiểu "con nhà nghèo", chỉ cần dùng các ống nội soi ổ bụng thông thường mà bất cứ bệnh viện tuyến tỉnh, thậm chí tuyến huyện nào cũng có. Nhờ đó mà giá thành của thủ thuật giảm xuống chỉ còn bằng 1/25 so với nhiều nước trong khu vực.

Hơn nữa, kỹ thuật mổ nội soi tuyến giáp áp dụng được cho tất cả bệnh lý của tuyến giáp như bướu nhân, basedow, ung thư tuyến giáp, có thể mổ được những bướu lớn mà không cần phải cắt bất cứ cơ cổ trước nào. Nhờ khả năng ứng dụng cao, giá rẻ, phẫu thuật nhanh, hiệu quả lớn nên kỹ thuật này ngày càng được ứng dụng nhiều hơn.

Phương pháp phẫu thuật nội soi điều trị các bệnh lý tuyến giáp của PGS Lương đã được y học thế giới đặt tên "Công nghệ phẫu thuật nội soi Dr Lương" (gọi tắt là kỹ thuật Dr Lương). Từ năm 2003 đến nay, khoảng 10.000 bệnh nhân được mổ bằng kỹ thuật nội soi tuyến giáp. Đây được xem là số lượng bệnh nhân lớn nhất Việt Nam cũng như trong khu vực và trên thế giới. Hơn 300 giáo sư, bác sĩ ở 20 nước trên thế giới đã đến Việt Nam để học tập kỹ thuật Dr Lương. 

Đến với nghề y vì "mê một bóng dáng mặc áo blouse"

PGS Trần Ngọc Lương kể năm ông học lớp 9, khi đi ngang qua Bệnh viện Bạch Mai, nhìn thấy một vị bác sĩ mặc áo blouse trắng rất đẹp nên nhớ mãi. Đến khi thi đại học, ông dự định thi khối A nhưng bạn rủ thi khối B. Bất chợt ông nhớ đến hình ảnh đẹp đẽ ngày đó và "liều mạng đi thi" và trở thành bác sĩ.

"Suốt gần 40 năm làm nghề y, dù lao lực, vất vả nhưng tôi chưa từng hối hận. Không phải tôi chọn nghề mà nghề y đã chọn tôi. Nhờ đó mà tôi phát huy được năng lực, tạo được thành tựu như bây giờ, cứu sống nhiều người. Nếu tôi chọn nghề khác chưa chắc tôi đã làm được điều gì đó nổi bật. Lúc nào tôi cũng cảm thấy may mắn vì nghề y đã chọn đúng tôi" - PGS-TS Trần Ngọc Lương.

Cuộc thi viết “Người thầy thuốc trong tôi”: Bác sĩ với đôi bàn tay vàng - Ảnh 7.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo