Tháng 4-2023, tôi may mắn có được chuyến đi 1 tuần theo chân các y - bác sĩ quân y trên tàu 571 cùng đoàn công tác số 4 với hành trình ra quần đảo Trường Sa (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa). Có cùng đi, cùng ăn, cùng ngủ mới biết nhiệm vụ của những người mặc áo blouse trắng trên những chuyến hải trình ra Trường Sa không hề nhẹ nhàng.
Bà Phạm Alla Pavlovna rạng rỡ cùng chồng chụp ảnh lưu niệm trước khi kết thúc chuyến đi
Trắng đêm cùng bệnh nhân
Chuyến đi mới được vài ngày nhưng gương mặt bác sĩ Bùi Công Hưng - trợ lý quân y của Lữ đoàn 162, Vùng 4 Hải quân, làm nhiệm vụ trên tàu 571 - lộ rõ vẻ phờ phạc do thiếu ngủ, lo lắng, căng thẳng liên tục.
Khi tôi hỏi thăm, ông chia sẻ: "Mỗi chuyến tàu ra đảo không thể nói trước được điều gì. Chỉ khi chuyến tàu đáp vào bờ, mọi thành viên trong đoàn công tác được an toàn, chúng tôi mới có thể thở phào nhẹ nhõm".
Sáng mỗi ngày, khi loa truyền thanh của tàu vang lên "báo thức toàn tàu, toàn tàu báo thức" thì đội y - bác sĩ sẽ đi gõ cửa từng phòng hỏi thăm, kiểm tra tình hình sức khỏe của các thành viên trên tàu và xử lý ngay nếu có trường hợp bất thường.
Ngày đầu tiên lên tàu, một thành viên của đội hậu cần trong khi chuẩn bị đồ ăn cho toàn đoàn không may bị dao băm vào tay. Sau khi nhận được thông tin, bác sĩ Hưng và nhân viên quân y trên tàu nhanh chóng cấp cứu cho người này và khâu 4-5 mũi, sau đó băng bó vết thương, khoảng 1 tuần sau khi vào bờ sẽ cắt chỉ.
Trên tàu sau khi khởi hành được hơn 10 giờ thì có 7 trường hợp bị tăng huyết áp, được các y - bác sĩ cho uống thuốc hạ huyết áp và theo dõi liên tục.
Buổi tối đầu tiên trên tàu, trời yên biển lặng, ít người cảm giác say sóng. Nhưng với bác sĩ Hưng, đó dường như là một đêm thức trắng vì có những bệnh nhân do thay đổi môi trường khi chưa quen với sinh hoạt dài ngày trên biển khiến sức khỏe bị ảnh hưởng không nhỏ.
Vào 1 giờ sáng, bà Phạm Alla Pavlovna, 54 tuổi, là Việt kiều tại Belarus, mặt đỏ phừng phừng, chóng mặt, nhịp tim dồn dập... do huyết áp tăng cao.
Sau khi nhận được thông báo từ bộ đàm của tàu báo có bệnh nhân bất ổn, cần cấp cứu, bác sĩ Hưng và đội quân y vội vàng đến phòng bệnh nhân. Khi đó, huyết áp của bà Phạm Alla Pavlovna có thời điểm lên tới 205/120 mmHg.
Gần như suốt cả đêm đó, bác sĩ Hưng thức trắng để nhiều lần lên xuống phòng bệnh nhân cho thuốc, theo dõi huyết áp. Sau đó, huyết áp của bà Phạm Alla Pavlovna đã hạ xuống 160/100.
Những tưởng bệnh nhân đã ổn định nhưng hôm sau, bà Phạm Alla Pavlovna lại có những biểu hiện không bình thường như người bứt rứt, hay la hét, lầm lì, thi thoảng mắt trợn ngược lên…
Ông Phạm Tất Tuyên, 65 tuổi, chồng bà Phạm Alla Pavlovna, nhận định vợ ông có thể do thay đổi thói quen sinh hoạt, chưa quen với cuộc sống trên tàu nên bị sốc, tâm lý căng thẳng nên có những rối loạn về tâm lý. "Cách đây hơn 10 năm, vợ tôi mắc hội chứng trầm cảm. Tuy nhiên, đã nhiều năm, bệnh không còn xuất hiện. Đợt này, có thể do thay đổi thói quen sinh hoạt nên có những sang chấn về tâm lý" - ông Tuyên cho biết.
Để ổn định sức khỏe tâm lý cho bà Phạm Alla Pavlovna, bác sĩ Hưng gần như túc trực bên bệnh nhân. Sau hơn 1 ngày uống thêm các loại thuốc bổ trợ về thần kinh, bệnh bà Phạm Alla Pavlovna phần nào đã thuyên giảm, dần dần kiềm chế được cảm xúc và vui vẻ trò chuyện với mọi người.
Bác sĩ Bùi Công Hưng theo dõi sức khỏe ngư dân Đỗ Văn Hải
Chuyến tàu của tình thương
Cũng trong thời gian này, ngày 19-4, lực lượng quân y tàu 571 nhận thông tin từ đảo Trường Sa Lớn gửi tới: chuẩn bị y tế để ngày 20-4 cập đảo sẽ đón một bệnh nhân là ngư dân Đỗ Văn Hải bị tai nạn trên biển đã được xử lý cấp cứu ban đầu. Sau đó, bệnh nhân sẽ theo tàu trên hải trình tiếp theo để về đất liền điều trị.
Ngư dân Hải sinh năm 1980, quê ở Bình Thuận, là thuyền trưởng tàu cá mang số hiệu BTh 99197 TS. Ngày 16-4, tàu cá của ông (có 4 thuyền viên) bị hỏng máy khi đang đánh bắt cá ở Trường Sa. Trong lúc xử lý sự cố này thì ông Hải bị ngã trên tàu và bất tỉnh, được bạn thuyền đưa vào đảo Đá Lát sơ cứu rồi chuyển sang đảo Trường Sa Lớn.
Tại đây, các bác sĩ của Bệnh xá đảo Trường Sa Lớn ghi nhận ông Hải bị dập phần mềm trên đầu, cánh tay, chân; tụ máu đùi, gối trái; tổn thương thần kinh; gãy xương cánh tay phải. Đặc biệt, tay phải của bệnh nhân nhợt nhạt, lạnh, không bắt được mạch quay...
Qua thăm khám, chụp X-quang, các y - bác sĩ tại Bệnh xá đảo Trường Sa Lớn chẩn đoán bệnh nhân bị gãy 1/3 trên xương cánh tay phải, tổn thương động mạch, thần kinh cánh tay phải; gãy kín xương đốt 1 ngón 5 bàn tay phải; đụng dập phần mềm, tụ máu 1/3 đùi, gối trái, gẫy xương mác chân trái.
Bệnh nhân Hải được tiên lượng trong tình trạng nặng, nguy cơ phải cắt bỏ cánh tay phải do tổn thương mạch máu thần kinh, nguy cơ mất máu cao. Các bác sĩ của bệnh xá đã hội chẩn với các chuyên gia chấn thương - chỉnh hình của Bệnh viện 175 để có phương án điều trị tích cực nhất bằng cách truyền máu trực tiếp, tiểu phẫu kịp thời để cứu sống bệnh nhân và giữ lại cánh tay.
Sau khi được điều trị, sức khỏe của ngư dân Hải đã ổn định hơn, tay phải bắt đầu có dấu hiệu lưu thông máu và giảm bớt nguy cơ phải cắt bỏ cánh tay. Bệnh nhân đủ điều kiện để vận chuyển đưa vào bờ tiếp tục điều trị chuyên sâu.
Tối 21-4, ngư dân Hải được vận chuyển bằng chiếc cáng lên tàu 571 trong hành trình cùng đoàn công tác để về đất liền chữa trị.
Suốt 2 ngày trên tàu, ông Hải được các y - bác sĩ quân y tàu 571 chăm sóc rất tận tình. Chiều 23-4, ngư dân Hải đã được lực lượng quân y và các chiến sĩ của tàu 571 đưa về đến đất liền an toàn. Sau đó, ông được phẫu thuật giữ lại cánh tay thành công.
Ông Hải tâm sự chuyến tàu của đoàn công tác như một chuyến tàu của tình thương khi ông được các y - bác sĩ cứu chữa kịp thời, chăm sóc chu đáo, giúp ông giữ được cánh tay để có thể trở lại cuộc sống bình thường.
Bác sĩ Hưng chăm sóc ông Hải và bà Phạm Alla Pavlovna trong chuyến đi
Ai đã từng có trải nghiệm đi Trường Sa mới thấu hiểu một hải trình 7-10 ngày trên biển không hề dễ dàng một chút nào, nhất là với những người lần đầu đi tàu trên biển.
Những ngày lênh đênh trên biển, nắng gắt đã mệt nhưng nếu gặp áp thấp nhiệt đới thì quả là một "cực hình" bởi nhiều vị khách từ đất liền sẽ lừ đừ vì say sóng. Khi đó, đội ngũ bác sĩ quân y của các tàu sẽ làm việc cật lực, thậm chí hoa mắt chóng mặt vẫn không hết việc.
Bác sĩ Bùi Công Hưng cho biết ông đã có khoảng vài chục chuyến tàu đi Trường Sa. Mỗi chuyến đi đều có những khó khăn riêng. Tuy nhiên, vất vả nhất có lẽ là khi chuyến đi gặp thời tiết xấu.
Trên sóng nước, khi gặp biển động, có khi cùng lúc có đến gần cả trăm người say sóng, nôn thốc nôn tháo. Khi đó, những bác sĩ quân y phải đi từng phòng bệnh thăm hỏi sức khỏe, cấp phát thuốc chống say... cho mọi người. "Làm việc trong điều kiện tàu lắc lư như vậy, cái khó nhất là giữ làm sao mũi tiêm cho chuẩn" - bác sĩ Hưng cười nói.
"Cảm ơn bác sĩ đã giúp tôi có chuyến đi trọn vẹn"
Kết thúc chuyến hải trình, chia tay đoàn với gương mặt rạng ngời, bà Phạm Alla Pavlovna liên tục cảm ơn các cán bộ, chiến sĩ quân y đã giúp bà giữ được sức khỏe để có chuyến thăm Trường Sa trọn vẹn.
"Sau hải trình 7 ngày ra huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa), trước khi bước lên đảo, tôi thật áy náy khi nhiều lúc bản thân không kiềm chế được cảm xúc nên có những hành động như giận dữ đập phá đồ đạc làm ảnh hưởng tới nhiều người cùng phòng và đặc biệt là làm phiền đội ngũ y - bác sĩ rất nhiều.
Những ngày đó, bác sĩ Hưng đã rất tận tình, không quản ngại, theo sát sao điều chỉnh thuốc cho tôi, để tôi có thể bình phục, đi tham quan một số đảo Trường Sa và hồi phục được sức khỏe khá nhanh khi tàu vào đất liền" - bà Phạm Alla Pavlovna bộc bạch.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)