xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cuộc thi viết: “Người thầy thuốc trong tôi”: Người chuyên phát hiện bệnh lạ

THU NGUYÊN

Không chỉ dốc hết sức tìm tòi, nghiên cứu để phát hiện 20 bệnh da hiếm gặp, GS-TS Trần Hậu Khang còn góp công lớn đưa ngành da liễu Việt Nam tiệm cận thế giới

Phòng khám số 6, Khoa Khám bệnh Bệnh viện Da liễu Trung ương, cứ mỗi sáng thứ hai, tư, sáu hằng tuần lại xuất hiện hình ảnh một vị bác sĩ đứng tuổi ân cần khám cho bệnh nhân, xung quanh là 5-7 bác sĩ trẻ chăm chú nghe giảng. Đó là Thầy thuốc Nhân dân, GS-TS Trần Hậu Khang - nguyên Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương, nguyên Chủ tịch Hội Da liễu Việt Nam.

Quyết tìm ra bệnh lạ

Với bề dày hơn 40 năm công tác, từ nghiên cứu, xét nghiệm đến lâm sàng, GS Trần Hậu Khang đã tích lũy nhiều kiến thức, kinh nghiệm để từ đó tìm ra nhiều căn bệnh lạ, hiếm gặp ở Việt Nam cũng như trên thế giới.

Cách đây không lâu, nam thanh niên 19 tuổi quê Phú Thọ được gia đình đưa đến gặp GS Trần Hậu Khang vì đi khám nhiều nơi không phát hiện bệnh. Căn bệnh lạ làm cho da bệnh nhân luôn khô, không thể ra nắng; không có răng, phải đeo răng giả 8 năm nay, trước đó chỉ ăn cháo. Bệnh nhân cũng không có tóc, lông mày; móng tay, chân cũng bị ảnh hưởng.

Tiếp nhận ca bệnh lạ, bác sĩ Khang hỏi thăm tiền sử gia đình, được biết cả ông nội, bố, anh ruột đều có triệu chứng tương tự. Sau khi khám lâm sàng, bác sĩ Khang khẳng định anh mắc bệnh loạn sản ngoại bì và giảm bài tiết mồ hôi. Đây là bệnh di truyền do đột biến gien, rất hiếm gặp ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Ở người bình thường khi ra nắng, hay tiếp xúc với môi trường có nhiệt độ cao, cơ thể sẽ điều hòa thân nhiệt bằng cách tiết mồ hôi nhưng bệnh nhân này không có tuyến mồ hôi hoặc tuyến mồ hôi bị teo nên không chịu được nắng nóng khiến thân nhiệt tăng lên, toàn thân khó chịu.

Cuộc thi viết: “Người thầy thuốc trong tôi”: Người chuyên phát hiện bệnh lạ - Ảnh 1.

GS Trần Hậu Khang (trái) thăm khám cho bệnh nhân trong chuyến công tác tại Hà Tĩnh. Ảnh: PHAN HIẾU

Đây là bệnh di truyền, vì thế bác sĩ Khang hướng dẫn bệnh nhân điều trị triệu chứng cũng như các biện pháp đề phòng biến chứng. "Được phát hiện, chia sẻ về nguyên nhân gây bệnh, gia đình họ vui lắm, dù biết không thể điều trị khỏi" - GS Khang kể.

GS Trần Hậu Khang: “Tôi luôn muốn thế hệ sau hơn thế hệ trước, có thế mới đưa ngành da liễu Việt Nam phát triển không ngừng. Tôi tin các đồng nghiệp trẻ sẽ tiếp tục các khát khao của những người đi trước, họ sẽ thay thế chúng tôi”.

Cách đây mấy năm, GS Khang cũng là người đầu tiên phát hiện, chẩn đoán căn bệnh mồ hôi máu ở Việt Nam. Đó là nam thanh niên 24 tuổi ở Hà Nội, đến bệnh viện với chiếc áo trắng thấm đỏ, đôi dép và tấm khăn lau mặt đều có màu hồng nhạt. Khai thác bệnh sử, biết bệnh nhân mắc bệnh lạ sau khi gặp cú sốc rất lớn về kinh tế khiến anh suy sụp tinh thần, GS Khang hướng suy nghĩ đến hiện tượng "mồ hôi máu" rất hiếm gặp, y văn thế giới đến nay chỉ ghi nhận khoảng 200 ca, riêng Việt Nam chưa phát hiện trường hợp nào.

Bệnh nhân được chỉ định 2 xét nghiệm đặc hiệu, phát hiện hồng cầu trong tuyến mồ hôi và sinh thiết da để xác định sự lưu thông giữa tuyến mồ hôi và các mao mạch. "Mất một tuần để tôi chẩn đoán chính xác và tìm ra cơ chế gây bệnh. Đó là một đợt căng thẳng rất nặng có thể gây rối loạn thần kinh vận mạch tại chỗ làm tổn hại mao mạch, da và tuyến mồ hôi…" - GS Khang nhớ lại.

Bệnh nhân sau đó đã được điều trị và khỏi hoàn toàn sau 3 năm theo dõi, trở thành ca điển hình được ghi vào y văn thế giới.

Sau khi GS Khang công bố ca bệnh này năm 2018, liên tiếp 2 năm sau đó, thêm 2 trường hợp mồ hôi máu được ghi nhận. Đó là bé gái 7 tuổi ở Hải Dương và 1 trường hợp ở Tây Nguyên.

Giải tỏa lo lắng cho bệnh nhân

Công tác tại một bệnh viện đầu ngành lại có nhiều dịp đi công tác nước ngoài giúp ông có cơ hội tiếp cận nhiều căn bệnh lạ. Bệnh càng hiếm thì tài liệu về chúng rất ít, GS Khang phải tìm sách, hình ảnh, gửi email cho các đồng nghiệp trên thế giới để tìm thông tin. Có những bệnh chưa từng gặp ở quốc gia nào.

Rất nhiều bệnh da hiếm gặp được ông chia sẻ trong cuộc trò chuyện với chúng tôi. Đó là trường hợp từ Quảng Bình đi 500 km ra Hà Nội khám với lưỡi, tay, chân đều đen như than. Hay nữ sinh Hà Nội đỏ tấy các đầu chi không rõ nguyên nhân.

Trong số 20 bệnh da hiếm gặp ở Việt Nam được GS Khang phát hiện, có nhóm bệnh da, tóc, móng do rối loạn tâm thần như tật nhổ tóc, giật tóc, ăn tóc; tật cắn môi, cắn lưỡi...

Để điều trị tận gốc những trường hợp này, ông phải phối hợp với các đồng nghiệp chuyên ngành tâm thần cùng sự hợp tác của gia đình và nhà trường… Một số trường hợp đã được ông báo cáo tại nhiều hội nghị khoa học trong và ngoài nước.

"Tôi rất vui khi phát hiện các bệnh lạ, hiếm gặp, tìm ra các giải pháp điều trị trong một số bệnh. Những trường hợp này, bản thân người bệnh và người nhà rất lo lắng, hoang mang. Vì thế, có những người khi nghe bác sĩ phát hiện bệnh, giải thích căn nguyên, cơ chế gây bệnh, hướng xử trí, điều trị, họ hạnh phúc, vui sướng, reo lên: Thế này là khỏi được 80% rồi. Vui nhất là họ được giải tỏa tinh thần" - GS Khang chia sẻ.

Đưa ngành da liễu Việt Nam hội nhập thế giới

40 năm trước, chàng bác sĩ trẻ quê Hà Tĩnh Trần Hậu Khang tốt nghiệp bác sĩ nội trú chuyên ngành da liễu, khi ấy vẫn là chuyên ngành "vừa khó vừa khô vừa khổ", ít người chọn. Vậy mà trong 10 năm nay, nhiều bác sĩ thi đỗ vào chương trình nội trú với kết quả cao nhất đều chọn da liễu là chuyên ngành gắn bó.

"Sự phát triển của chuyên ngành da liễu Việt Nam hiện nay tương đương với các nước trong khu vực" - GS Khang khẳng định khi nhìn nhận lại chặng đường dài mà trong đó ông là một trong những người có công lớn đưa ngành da liễu Việt Nam hội nhập khu vực và thế giới.

Năm 1980, từ chỗ được viện trưởng Viện Da liễu Việt Nam giao nhiệm vụ quản lý các dự án nước ngoài, chỉ sau 7 năm, bác sĩ trẻ Trần Hậu Khang đã trở thành cố vấn chương trình chống bệnh phong cho khu vực Tây Thái Bình Dương của Tổ chức Y tế thế giới trong suốt 1 thập kỷ (1987-1997).

Khi ấy, mỗi năm, bác sĩ Khang đi nước ngoài từ 4-6 tháng, vừa giảng dạy vừa chuyển giao kinh nghiệm, khám chữa bệnh... Điều này không chỉ nâng cao uy tín của chuyên ngành da liễu Việt Nam mà chính ông cũng đã học được nhiều kinh nghiệm quý giá từ các nước trong khu vực.

Sự say mê, tận tâm, nhiệt huyết với nghề, ông và các đồng nghiệp đã góp phần phát triển chuyên ngành da liễu Việt Nam, khẳng định vị thế, uy tín trên bình diện quốc tế.

Từ chỗ rất khó khăn để bác sĩ da liễu Việt được mời tham dự các hội nghị da liễu ở nước ngoài, 15 năm qua, khi Hội Da liễu Việt Nam chính thức trở thành hội viên Hội Da liễu Đông Nam Á, châu Á (2009), Liên đoàn Da liễu thế giới (2011), nhiều bác sĩ Việt Nam đã trở thành chủ tịch, đồng chủ tịch, thư ký, báo cáo viên… tại các hội nghị chuyên ngành trong khu vực và thế giới. 

Dấn thân không mệt mỏi vì người bệnh

Từ khi còn là chàng sinh viên đến lúc trở thành một trong số ít bác sĩ da liễu được phong học hàm giáo sư, bác sĩ Trần Hậu Khang luôn vẹn nguyên tinh thần dấn thân. Với ông, liều "doping tinh thần" đến từ niềm vui khi tìm ra căn bệnh lạ hay cứu chữa thành công một ca bệnh hoặc đơn giản là những kỷ niệm tình cờ, cũng là nguồn năng lượng tiếp sức cho ông suốt chặng đường dài.

Ông nhớ mãi câu chuyện xảy ra từ mấy chục năm trước, trên đường đi công tác tới Lai Châu cùng chuyên gia người Đức để khảo sát về tình hình bệnh phong.

Trên đường xuống bản tại một xã xa xôi hẻo lánh, ông nghe tiếng khóc thét đau đớn vọng ra từ ngôi nhà ven đường. Dừng xe ghé vào nhà, một phụ nữ bế trên tay đứa bé gầy gò, nhỏ xíu, mềm oặt, tím tái, thở thoi thóp, gần như không còn cử động. Mẹ bé nói con bị tiêu chảy, sốt nhiều ngày qua nhưng gia đình chỉ cúng thầy mo chứ không đưa bé đi trạm y tế.

Thấy trẻ quá nguy cấp, nguy cơ tử vong cao, ông và các đồng nghiệp trao đổi với chuyên gia người Đức, đề nghị hoãn công việc, quay xe vượt đường rừng đưa em bé cùng bố mẹ lên xe đi cấp cứu. Bác sĩ bệnh viện huyện khi đó chẩn đoán bé bị viêm phổi cấp, mất nước. Biết con mình được cứu, bố đứa bé quỳ ngay tại phòng bệnh, chắp tay vái lạy các thầy thuốc.

Cuộc thi viết: “Người thầy thuốc trong tôi”: Người chuyên phát hiện bệnh lạ - Ảnh 5.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo