Ngày 19-11, thông tin từ BS.CKII Phạm Thanh Phong – Phó Giám đốc chuyên môn, Giám đốc Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ - cho biết các bác sĩ Khoa Phẫu thuật tim của bệnh viện vừa phẫu thuật thành công trường hợp bắc cầu mạch vành có sử dụng máy truyền máu hoàn hồi vì bệnh nhân có nhóm máu rất hiếm.
Ê-kíp phẫu thuật cho bệnh nhân
Bệnh nhân tên D.V.M. (SN 1964; ngụ quận Ô Môn, TP Cần Thơ), nhập viện trong tình trạng đau ngực trái nhiều. Kết quả chụp động mạch vành có cản quang cho thấy bệnh nhân bị hẹp thân chung, hẹp nặng 3 nhánh động mạch vành. Bệnh nhân thuộc nhóm máu hiếm O/rhesus âm (O Bombay).
Bệnh nhân và gia đình không biết mình mang nhóm máu rất hiếm Rh(-). Đây là máu hiếm vì trong 10.000 người mới có 4-7 người có cùng nhóm máu Rh(-) với người bệnh. Đặc biệt, nhóm máu Rh( -) phổ biến ở người châu Âu, rất hiếm ở chủng tộc châu Á, nhất là nhóm máu O, Rh( - ).
Sức khỏe của bệnh nhân có nhóm máu rất hiếm hiện đang hồi phục tốt
Hội chẩn phẫu thuật chỉ định phẫu thuật cầu nối chủ - vành (4 cầu) không sử dụng tuần hoàn ngoài cơ thể (Off pump CABG) với vật liệu làm cầu nối là toàn bộ động mạch. Trước nhu cầu cần có lượng máu hiếm Rh(-) để phẫu thuật, Khoa Huyết học Truyền máu Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ phối hợp Bệnh viện Huyết học Truyền máu đã vận động ngân hàng máu sống và hiếm để cung cấp 2 đơn vị khối hồng cầu lắng, 2 khối huyết tương tương đông lạnh và 1 kít tiểu cầu 250ml gạn tách.
Với sự hỗ trợ của các bác sĩ Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM), ê-kíp bác sĩ của bệnh viện thực hiện phẫu thuật mạch vành Off-pump (4 cầu) có sử dụng phương pháp truyền máu hoàn hồi bằng hệ thống máy Cell Saver cho bệnh nhân suốt 6 tiếng đồng hồ.
Đến chiều 19-11, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, dấu hiệu sinh tồn ổn định, vết mổ khô, dự kiến xuất viện trong ngày 20-11.
Bình luận (0)