Chính quyền Cộng hòa Congo và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) quyết định sẽ bắt đầu tiêm vắc-xin Ebola cho người dân ở các vùng nguy cơ. Tính đến hết ngày 20-5, Congo đã có 43 người nhiễm Ebola, trong đó có 26 ca tử vong.
Nhân viên Chữ Thập Đỏ đang ghi nhận dữ liệu về bệnh nhân Ebola và gia quyến hồi tuần rồi, khi Ebola bắt đầu lây lan sang các vùng đông dân cư - ảnh: REUTERS
Ông Oly Ilunga, Bộ trưởng Bộ Y tế Congo cho biết WHO đã chuyển xong 4.000 liều vắc-xin đến Congo và có nhiều kiện hàng chứa vắc-xin nữa đang trên đường đến. Vắc-xin này vẫn trong giai đoạn thử nghiệm nhưng đã từng phát huy hiệu quả cao trong các ổ dịch ở Tây Phi trong đợt dịch vài năm trước.
Do Ebola có khả năng lây lan và tỉ lệ tử vong cực cao dù được chăm sóc y tế tích cực, nên vắc-xin là chiếc phao cứu sinh duy nhất cho người dân vùng dịch tễ.
Tổng thống Congo Joseph Kabila và nội các của ông đã nhất trí vào hôm thứ bảy vừa qua rằng sẽ tăng quỹ Ứng phó khẩn cấp với Ebola lên hơn 4 triệu USD. Chính quyền cũng cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe miễn phí tại các khu vực bị ảnh hưởng; cam kết chăm sóc đặc biệt cho tất cả nạn nhân Ebola và người thân của họ.
Hình ảnh vận chuyển xác người gây ám ảnh Tây Phi mỗi đợi dịch Ebola - ảnh CNN
Vừa qua, dịch Ebola đã lây lan từ một vùng nông thôn hẻo lánh đến Mbandaka, một địa phương đông đúc hơn của Congo. Các chuyên gia hết sức lo ngại bệnh có thể lây vào vùng đô thị và tạo nên một đợt dịch không thể kiểm soát.
WHO đã triển khai nhiều biện pháp để chống dịch cùng Congo và bày tỏ lo ngại về một đại dịch toàn cầu. Các chuyên gia của WHO cho biết nguy cơ Ebola lây lan khắp Congo là "rất cao" và bệnh có thể di chuyển qua 9 nước láng giềng. Tuy nhiên vừa qua WHO đã ngừng tuyên bố tình trạng dịch bệnh khẩn cấp toàn cầu và cho biết không có các hạn chế về du lịch hoặc thương mại quốc tế.
Nhiều trường học ở Mbandaka, trung tâm dịch bệnh đã thực hiện đồng loạt các biện pháp phòng ngừa. Giáo viên và học sinh được yêu cầu không chào nhau bằng cách bắt tay hoặc hôn theo tập quán của người Congo.
Đây là ổ dịch thứ 9 tại Congo kể từ năm 1976, khi căn bệnh này được xác định lần đầu tiên. Bệnh lây lan qua vật chủ trung gian là động vật hoang dã như dơi và khỉ, cũng như lây trực tiếp người sang người thông qua sự tiếp xúc với dịch cơ thể của người bệnh. Trong đại dịch năm 2014-2016, Ebola đã giết hơn 11.300 người ở Guinea, Sierra Leone, Liberia (thuộc Tây Phi).
Ebola hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh có các triệu chứng như sốt, nôn mửa, tiêu chảy, đau cơ, xuất huyết trong và ngoài cơ thể. Virus Ebola có thể gây tử vong lên đến 90% các trường hợp nhiễm bệnh, tùy vào độ nặng hay nhẹ của bệnh và cơ địa từng người.
Bình luận (0)